Đề Ngữ văn THPT quốc gia 2018: Người khen hay, người thấy... "khiếp"!

(Dân trí) - Sát với đề thi minh họa, có khả năng phân loại cao cho một kỳ thi "hai trong một", đề thi mang tính thời sự bền vững... là những yếu tố trong đề Văn của kỳ thi THPT quốc gia được các giáo viên dạy Văn đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng đề khó cho một kỳ thi THPT quốc gia.

Đề hay

Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM cho hay đây là một đề thi hay, đáp ứng được nhiều đối tượng thí sinh trong một kỳ thi. Cô Ngọc chỉ ra ba điểm mà cô đánh giá cao trong đề thi Văn năm nay.

Thứ nhất, đề thi sát với cấu trúc đề thi minh họa được công bố trước đó chứ không như mọi năm đề minh họa một kiểu, đề thi một kiểu.

Đề Ngữ văn THPT quốc gia 2018: Người khen hay, người thấy... "khiếp"! - 1

Thứ hai, đề làm được nhiệm vụ phân hóa, phù hợp với một kỳ hai trong một. Ngay trong câu nghị luận văn học đã thực hiện được yêu cầu phân hóa này.

Hầu hết thí sinh sẽ làm được yêu cầu ở câu hỏi trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Riêng câu so sánh, liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ là câu hỏi mang tính nâng cao, đòi hỏi ở thí sinh khả năng khái quát, tư duy tổng hợp, liên kết tốt.

Ở vế này, có thể nói đây là một ý khó nhưng theo cô Ngọc, chưa biết được đáp án của Bộ nhưng theo cô biết thì phần so sánh chỉ chiếm tỷ lệ điểm nhỏ, mang tính phân hóa nên học sinh cũng không phải quá lo lắng.

Thứ ba, cô Nguyễn Minh Ngọc đánh giá câu đọc hiểu hay và mang tính thời sự. Vấn đề đưa ra là tiềm lực bản thân là một vấn đề quan trọng trong sự chuyển giao hiện nay.

Thí sinh năm nay là thế hệ đầu tiên của thế kỷ 21, yêu cầu các em phải suy nghĩ, quan tâm đến đánh thức tiềm lực bản thân và đánh thức tiềm lực đất nước.

Theo cô Ngọc, giáo viên có kinh nghiệm đều hiểu, nghị luận xã hội có ra gì đi nữa thì vẫn ra quanh vấn đề của giới trẻ. Và các em chắc chắn hiểu được về tiềm lực của cá nhân và đất nước.

Học sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn sáng nay
Học sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn sáng nay

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đánh giá cao câu đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội vì hướng học sinh suy nghĩ đến những vấn đề thực tiễn, không mang tính thời sự nhất thời mà khiến học sinh phải suy nghĩ với tư cách là một công dân trưởng thành 18 tuổi. Hai câu này học sinh trung bình sẽ làm được, ít nhất cũng qua điểm liệt.

Câu Nghị luận văn học là câu phân hóa học sinh, vì khá là khó đối với học sinh trung bình và yếu. Việc học sinh phải liên hệ hai quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu, nối kết với hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ sẽ là thách thức đối với học sinh.

TS Hoa Tranh cũng cho rằng, đối với thí sinh khá và giỏi thì câu này sẽ là không gian cho các em xoay trở ngòi bút và các em sẽ thích thú. Nhìn chung, nhận xét của mình là đề hay, thí sinh không thể học tủ mà phải vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp để làm bài.

“Tôi thích cách ra đề như vậy. Câu nghị luận văn học sẽ là câu phân hóa để giám khảo chấm bài. Nhưng chắc là sẽ có ít bài văn điểm cao. Trung bình 5 - 6 điểm sẽ nhiều", cô Tranh cho hay và cho rằng, dạng đề này học sinh TPHCM chắc sẽ làm tốt vì kiểu đề này quen thuộc với các em từ kỳ thi THCS”.

Đề này cần trở về thời gian làm bài 180 phút

Tuy nhiên, cô Nguyễn Minh Ngọc cũng chia sẻ, câu nghị luận xã hội đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm năng bản thân gợi ra rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề cho học sinh, từ đó các em khó xác định được yêu cầu.

Trong khi, đề đặt ra chỉ viết khoảng 200 chữ, theo cô Ngọc đề đặt ra một câu hỏi cụ thể như "Tại sao phải đánh thức tiềm lực bản thân" thì các em sẽ xác định đề dễ hơn, trọng tâm hơn.

Một hiệu trưởng tại TPHCM cũng là giáo viên dạy Văn đánh giá với đề thi này sẽ làm khó nhiều học sinh. Phần nghị luận văn học, đúng là đề minh họa có văn bản của lớp 11 và 12 và có so sánh. Nhưng đề thi lại so sánh kép, yêu cầu kép?


Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Cô chia sẻ mình từng là giáo viên dạy văn, quản lý trải qua 3 giai đoạn thay đổi về đề thi nghiệp, đề thi đại học môn Văn và từng dạy luyện thi ĐH nhưng chính cô cũng khá lúng túng khi đọc đề.

Một giáo viên Văn giỏi ở TPHCM cho biết nhìn đề thi năm nay năm, cô nghĩ đến năm sau sẽ có thêm phần kiến thức lớp 10 mà thấy... khiếp. Với đề này muốn đạt được từ điểm 7 trở lên, học sinh sẽ phải "viết như điên" khi thời gian làm bài chỉ có 120 phút. Theo cô, ra đề thi như vậy cần trả lại thời gian làm bài 180 phút cho môn Văn.

Nhiều người cũng đặt ra, nếu để phân tích đề ở góc nhìn của giáo viên thì hay nhưng với một đề thi, nhất là đề của một kỳ thi THPT quốc gia thì đề không thể xét ở mặt hay hay dở mà vấn đề là phủ hợp để các em lấy điểm.

Đề có thể hay với giáo viên nhưng với học sinh, nhất là đề thi áp dụng cho học sinh trong cả nước thì việc phù hợp là điều cực kỳ quan trọng.

Thử thách không nhỏ cho cả thí sinh giỏi

Đề Văn thích hợp để tuyển sinh vì có sự phân hóa sâu sắc. Trong đó, câu 2 trong phần II là nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình người hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Đề vừa có tính chất giáo khoa, vừa có tác dụng phân loại thí sinh rất rõ. Thí sinh không nắm được kiến thức cơ bản sẽ không trình bày được đầy đủ đặc điểm của các hình ảnh nghệ thuật được nêu trong đề.

Nắm được, trình bày được nhưng không hiểu được dụng ý nghệ thuật của tác giả sẽ không nêu được sự đối lập giữa các hình ảnh nghệ thuật đó. So sánh điểm giống nhau và khác nhau trong cách nhìn của hai tác giả về hiện thực cũng là một cách thách thức đối với thí sinh. Nếu không phải là học sinh khá, giỏi, thí sinh sẽ khó thể hiện một cách chính xác, đầy đủ yêu cầu ở nội dung này.

Ngoài ra, câu nghị luận xã hội về nội dung, đây là một câu hỏi có ý nghĩa định hướng giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ. Đồng thời cũng mang tính phân hóa thí sinh khá cao, đoạn văn được viết sẽ nói lên rất nhiều về trình độ và kĩ năng của thí sinh. Thí sinh có trình độ yếu sẽ viết rất sơ lược và mắc nhiều lỗi về hành văn. Thí sinh có trình độ trung bình và khá, nếu không biết cách vận dụng phương pháp làm bài để tìm ý thì cũng sẽ khó có được nội dung đầy đủ. Còn đối với thí sinh giỏi việc đảm bảo yêu cầu độ dài (200 chữ) hòa hợp với nội dung của vấn đề là một thử thách không nhỏ.

Thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên dạy văn trường THPT Vĩnh Viễn TPHCM

Hoài Nam - Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm