Đại dịch Covid -19: Nhiều gia đình tan vỡ, gia tăng tỷ lệ bạo hành trẻ em
(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những quy định hạn chế do đại dịch cùng với tình trạng khó khăn về tài chính của nhiều gia đình đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bạo hành trẻ em ở độ tuổi đi học.
Nguồn tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết các biện pháp giãn cách xã hội có thể làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình, bao gồm cả những hành vi bạo hành trẻ em.
Theo bản tóm tắt của hai nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị - Triển lãm Quốc gia của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học bị bạo lực gia đình cao hơn đáng kể khi ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
Đại dịch đã đẩy nhiều gia đình đến bờ vực tan vỡ
Mattea Miller, bác sĩ thực tập tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chia sẻ rằng cô rất ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều em nhỏ đến bệnh viện do bạo lực gia đình.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi có 8% số lượt thăm khám không có giấy giới thiệu và tình trạng này không thay đổi trong suốt đại dịch Covid-19".
Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa trong số 819 thanh thiếu niên tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins ở Maryland (Mỹ) bị thương do đối mặt với các hành vi bạo lực gia đình, thường liên quan đến việc cha mẹ xô xát, ngược đãi con.
Bác sĩ cho biết bạo lực là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh tật và tử vong ở lứa tuổi vị thành niên. Nó còn gia tăng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của các em trong tương lai khi gây ra các tình trạng:
- Thương tích (do thường xuyên phải chịu các hành vi bạo lực)
- Trầm cảm và hậu chấn tâm lý (PTSD).
- Rối loạn lo âu và tự tử.
Bác sĩ nói thêm: "Bị bạo hành khi còn nhỏ cũng làm tăng khả năng trẻ bị bạo hành hoặc trở thành người dùng bạo lực trong tương lai. Một vòng tròn bạo lực lại tái diễn".
Trẻ em bị bạo lực gia đình ngày càng tăng
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu của 39.331 bệnh nhân nhi, trong đó có 2000 trường hợp nghi ngờ bị lạm dụng thể chất từ tháng 3 đến tháng 9/2020 và so sánh với dữ liệu tương tự từ năm 2016 đến năm 2019 tại 9 trung tâm chấn thương trẻ em. Kết quả cho thấy số trẻ em từ 5 tuổi trở lên bị lạm dụng tăng gấp 3 lần, từ trung bình 36 bệnh nhân trước đại dịch lên tới 103 bệnh nhân cùng kỳ trong đại dịch.
Bác sĩ Amelia Collings cho rằng: "Căng thẳng về kinh tế và ức chế về mặt cảm xúc cùng với sự vắng mặt của những người lớn khác, như thầy cô, nhân viên nhà trường, nhân viên y tế,.. (những người thường phát hiện và báo cáo các hành vi lạm dụng) có thể đã góp phần làm tăng tỷ lệ bạo hành trẻ em trong đại dịch Covid-19".
"Khi trẻ em trong độ tuổi đi học phải ở nhà và cách ly xã hội, giáo viên, nhân viên y tế, huấn luyện viên và những người lớn khác bên ngoài gia đình không thể kịp thời nhận biết những dấu hiệu cho thấy các em bị lạm dụng thể chất".
Covid-19 thay đổi động lực gia đình
Bác sĩ Vera Feuer trong Chương trình Sức khỏe tâm thần học đường tại Northwell Health, New Hyde Park, New York, cho biết đại dịch ảnh hưởng "sâu rộng" đến các mối quan hệ.
"Các thành viên trong gia đình buộc phải tiếp xúc thường xuyên khi hoàn toàn phải cách ly với xã hội".
Bác sĩ nhấn mạnh rằng căng thẳng về tình trạng tài chính, rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích cũng như việc phải cân bằng cuộc sống gia đình, trường học và công việc đã góp phần gây ra sự căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình.
"Tình trạng xung đột trong hôn nhân, tỷ lệ ly hôn và bạo lực gia đình ngày càng gia tăng được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới trong thời kỳ giãn cách xã hội".
Bác sĩ Victor M. Fornari, Phó trưởng khoa Tâm thần trẻ em và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Zucker Hillside ở Glen Oaks, New York (Mỹ) đồng ý rằng tình trạng căng thẳng kéo dài chính là nguyên nhân sâu xa .
"Khi những căng thẳng của đại dịch tác động đến từng thành viên trong gia đình, mức độ căng thẳng trong gia đình tăng lên", ông cho biết.
Nhận biết khi nào cần tìm sự giúp đỡ
Bác sĩ Feuer gợi ý một số cách có thể làm giảm căng thẳng và giảm nguy cơ bạo lực gia đình. Theo đó, cần hình thành thói quen lành mạnh và một môi trường thúc đẩy sự cởi mở trong giao tiếp. Người lớn cũng cần ý thức được sự căng thẳng của mình và tìm cách quản lý cảm xúc cá nhân.
Bà nói rằng việc nhận biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ và sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề cơ bản. Xác định nguyên nhân gây ra stress và cùng với các thành viên trong gia đình tìm phương hướng giải quyết vấn đề cũng sẽ giúp thúc đẩy giao tiếp, tạo kết nối và cuối cùng là ngăn chặn bạo lực.
Các gia đình cần theo dõi bầu không khí trong nhà và xem xét liệu có đang lạm dụng việc sử dụng rượu hoặc các chất gây nghiện khác hay không. Nếu một thành viên có vẻ mất kiểm soát hoặc mất kiểm soát, những người khác cần biết để yêu cầu sự giúp đỡ.
Trẻ em cần làm gì?
Bác sĩ Feuer cho biết: "Trẻ em nên được khuyến khích lên tiếng và bày tỏ mối bận tâm của mình với những người lớn đáng tin cậy. Có thể là một thành viên trong gia đình, nhân viên trường học, chuyên gia y tế hoặc thành viên cộng đồng. Vào tình huống khẩn cấp, các em cần liên hệ ngay tới đường dây nóng".