Bạn đọc gửi:
Bạo hành trẻ: Tù tội, gặm nhấm lỗi lầm và giải pháp nào?
(Dân trí) - Bạo hành trẻ mầm non là từ khóa xuất hiện khá dày đặc trong thời gian gần đây. Liên tiếp những vụ bạo hành bị phát hiện, phanh phui khiến dư luận sững sờ, khiếp hãi.
Mới đây nhất, mạng xã hội xôn xao hình ảnh bé trai 1 tuổi ở lớp mầm non tư thục Sao Việt (56 Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) bị nhét giẻ vào miệng. Mặc cho bé giãy nảy, khóc lóc, người đối diện vẫn giữ chặt hai tay khiến con càng hoảng loạn và sợ hãi hơn.
Thông tin ban đầu trên báo Dân Trí cho biết người nhét giẻ và giữ tay bé trai 1 tuổi là em gái chủ lớp, 19 tuổi và không có bằng nghiệp vụ sư phạm. Vụ việc vừa bị khởi tố và cơn bức xúc của dư luận chưa thể nguôi ngoai. Bởi đây không phải lần đầu tiên những đứa trẻ đến lớp mầm non bị bạo hành, ăn roi cùng lời quát mắng!
Những lời xin lỗi muộn màng, những giọt nước mắt mặn chát cùng các hình thức kỷ luật, cách chức, quyết định đóng cửa cơ sở giáo dục tư thục… sẽ phần nào làm dịu đi nỗi lo lắng, bất an của dư luận. Tuy nhiên, niềm tin của xã hội vào lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của những bảo mẫu - người mẹ thứ hai đã bị lung lay.
Hình phạt thích đáng cho những con người vô cảm ấy đã thực thi. Có người trả xong "nợ" tù tội ngục và đang làm lại cuộc đời đầy chông chênh. Có người vẫn còn trong lao ngục gặm nhấm lỗi lầm. Nhưng dường như những bản án nghiêm khắc của pháp luật cùng sự chỉ trích gay gắt từ dư luận chưa đủ sức đánh động, thức tỉnh lương tri, hành động của bao người…
Chính vì vậy, nạn bạo hành trẻ mầm non vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây lo ngại cho dư luận.
Một số giải pháp đã được triển khai nhằm "lấp" những lỗ hổng trong giáo dục mầm non như nghiêm cấm các hành vi ngược đãi trẻ, lắp camera an ninh nối trực tuyến với mạng xã hội…
Nhưng hiệu quả của những giải pháp này chỉ ở một mức độ nào đó. Phải chăng chúng ta vẫn đang bẻ dần "phần ngọn" chứ chưa thật sự chạm vào "gốc" của nạn bạo hành trẻ mầm non?
Việc một số cơ sở giáo dục bị phát hiện hoạt động không phép sau khi gây ra vụ việc bạo hành trẻ cũng như giáo viên không có bằng chuyên môn nghiệp vụ vẫn có thể đứng lớp dạy trẻ cho thấy công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều lỗ hổng cần thay đổi.
Giáo dục là một ngành đặc thù, giáo dục mầm non lại có những đặc trưng riêng biệt nhưng tầm quan trọng của cấp học chưa được nhìn nhận và đặt ở một vị thế tương xứng.
Bên cạnh đó, trình độ giáo viên mầm non đạt chuẩn chỉ mới là bề nổi của chất lượng. Chất lượng đầu vào của các trường sư phạm không cao, lòng yêu nghề mến trẻ và lương tâm nghề nghiệp được bồi dưỡng chưa sâu cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc một số giáo viên mầm non thiếu những kỹ năng cần thiết để vượt qua áp lực tâm lý trong việc giữ trẻ, chăm trẻ, dỗ trẻ, dạy trẻ.
Chính vì vậy, cái gốc của vấn đề ở đây chính là thay đổi công tác tuyển sinh, đào tạo giáo viên mầm non, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như chú trọng bồi dưỡng những phẩm chất cần có của người bảo mẫu: lòng yêu nghề mến trẻ, đức hy sinh, tính nhẫn nại. Cần có những đãi ngộ xứng đáng với khối lượng công việc của người giáo viên mầm non. Bên cạnh điều kiện "cần" đó thì điều kiện "đủ" chính là nỗ lực giám sát, thanh kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non của cơ quan chức năng.