Từ vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành: Phía sau camera lớp học online
(Dân trí) - Vụ bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị "mẹ kế" hành hạ đến tử vong đã thêm lời cảnh báo tình trạng "phía sau camera trong lớp học online" có thể là những đau đớn, cô độc đến tuyệt vọng của trẻ nhỏ...
Trước thời điểm bé N.T.V.A, 8 tuổi ở TPHCM bị "mẹ kế" bạo hành đến chết, bé vẫn vào lớp học online như tất cả bạn bè. Không một ai từ giáo viên, bạn bè và cũng như tất cả mọi người có thể ngờ, phía sau màn hình camera là "địa ngục trần gian" với một đứa trẻ.
Mất mát, nỗi đau đớn tận cùng đó không phải từ những lo lắng ở một nơi vùng sâu vùng xa, hay học sinh thiếu thiết bị học tập, hay nỗi lo học sinh phải hóng từng "giọt" wifi để học online mà nó xảy ở ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước, ngay trong căn hộ ở khu cao cấp bậc nhất cả nước.
Không ai biết, ở đó cô học trò hàng ngày chịu cảnh đòn roi, hành hạ khủng khiếp nhất của "mệ kế" và cả bố ruột.
Không ai biết, ở đó hàng ngày em hàng ngày, hàng giờ trải qua cảnh tủi hờn, ghẻ lạnh, sinh hoạt như cái máy với danh mục việc nhà mẹ kế giao. Cũng không ai có thể ngờ hình ảnh cô học trò đó đêm hôm một mình lủi thủi đi đổ rác, một mình trong nỗi cô độc tận cùng không lấy một nơi bám víu, chia sẻ.
Không ai biết cảnh em bị giật ra khỏi vòng tay mẹ, rồi "quăng" ngay cho kẻ phá nát hạnh phúc gia đình mình "dạy dỗ" cùng với người bố tận cùng của tàn nhẫn...
Không ai có thể ngờ, trong tận cùng đau đớn và tổn thương, em vẫn bị ép hôn người mẹ kế tàn độc diễn cảnh cả nhà hạnh phúc để họ - bố ruột và người tình - sống ảo.
Khi sự việc xảy ra, cũng như bao nhiêu người, phía nhà trường và giáo viên đều... sốc vì không thể ngờ được, không thể ngờ một học trò bị đánh đập, hành hạ đến tử vong.
Kết quả sơ bộ khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu A. tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù, bị đánh ở vùng kín.... sau khi bị "mẹ kế" đánh đập, hành hạ trong 4 giờ đồng hồ bằng gậy gỗ, tay chân, bằng những cú đập, đánh, tát...
Theo nhà trường, việc học trực tuyến đông học sinh nên các thầy cô giáo chỉ nhìn thấy mặt các bé qua màn hình, khó có thể phát hiện có gì đó bất thường hay thương tích của các học sinh. Khi học online, cô giáo cũng không hề phát hiện bé V. A có dấu hiệu hay biểu hiện bất thường nào.
Hóa ra, khoảng cách giữa thầy và trò hàng ngày nhìn nhau qua camera lại xa vời vợi... Ở đó, người thầy không thể quan sát được nét mặt, lắng nghe được giọng nói, hơi thở hay những tiếng thổn thức của trẻ.
Em đi, để lại những chữ "nếu"...
Cái chết của bé V.A. được xem là sự thức tỉnh với tất cả về việc bảo vệ trẻ em. Trong đó, cùng với gia đình, cộng đồng thì nhà trường có một vai trò rất lớn trong việc nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của học sinh.
Ngoài những bài giảng chạy đua theo chương trình, bài tập, giao bài, nhắc bài, kiểm tra, hay cả những lời trách phạt.. Có thể nhà trường, giáo viên không hề hay biết hoàn cảnh, khó khăn hay một chút tâm tư của học trò - những chính chủ thể mình đang giáo dục.
Một chuyên gia giáo dục tại TPHCM chia sẻ, có rất nhiều chữ "nếu" dành cho tất cả trong cái chết của bé gái 8 tuổi. Nếu hàng xóm quanh em sống quyết liệt hơn, nếu ban quản lý không xem đó là "chuyện người ta dạy con", nếu các đoàn hội trẻ em năng động hơn trong việc bảo vệ trẻ nhỏ, nếu mỗi chúng ta không mặc nhiên chấp nhận và cổ vũ cho những quan niệm dung dưỡng hành vi bạo lực trẻ em như "con tao đẻ ra tao có quyền", "thương cho roi cho vọt"…
Và có cả chữ "nếu" dành cho cả ngành giáo dục. Nếu trường học, giáo viên quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của học sinh trong giai đoạn học online hơn là tập trung vào việc chạy cho kịp chương trình...
Cô Nguyễn Thị Bé, Phó hiệu trưởng Tiểu học -THCS - THPT Nam Việt chia sẻ, cô thường nhắc giáo viên chỉ dẫn học sinh kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp cho học sinh trong mọi tình huống. Điều này thực tế phải là một quá trình, không thể ngày một ngày hai nhưng vẫn rất cần được quan tâm.
Sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, cô Bé đặt ra vấn đề: Thời gian qua bé học hành thế nào? Giáo viên có để ý đến tâm lý của bé không?
"Lúc này, chúng ta đặt ra câu hỏi này không phải để trách cứ mà là mong muốn và cũng là lời để nhắc nhở chính mình, nhắc nhở mỗi người sẽ cùng quan tâm, làm tốt hơn để bảo vệ trẻ em dù ở cương vị nào", vị hiệu phó bày tỏ.
Bởi khi người thầy đang tập trung vào bài giảng, giao bao nhiêu bài tập, bao nhiêu em làm bài, điểm số kỳ này thế nào..., có thể lắm chúng ta không nghe được hoặc vô tình bỏ rơi những tiếng thút thít, đau đớn, tổn thương hay có cả những lời cầu cứu sau màn hình sau màn hình camera.