Cô giáo Mầm non trên đảo nghèo coi học trò như em ruột
(Dân trí) - Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em trên đảo Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM), cô giáo Thúy Ngân đã sớm quen với việc trông nom, dạy dỗ trẻ nhỏ nên cô chăm sóc các học trò như các em của mình.
Cô giáo 9X của hòn đảo bình yên
Cô giáo Quảng Thị Kim Ngân sinh năm 1991, từng học ở trường Đại học Sài Gòn, liên thông lên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Hiện tại, cô đã dạy ở trường Mầm non Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM). Cô giáo Ngân là người trẻ nhất được tuyên dương trong số 42 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2016" do Bộ GD&ĐT cùng Hội LHTN Việt Nam vừa tổ chức.
Đến nay, cô giáo Ngân đã có gần 5 năm công tác tại trường Mầm non Thạnh An. Trường cô dạy nằm trên một hòn đảo nhỏ, tại vị trí từng được coi là cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn - Gia Định năm xưa. Đảo Thạnh An cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh hơn 70km về phía Đông và có khoảng 5.000 người dân. Điều kiện vật chất trên đảo còn sơ sài nhưng bù lại bầu không khí trong lành và cuộc sống bình yên.
Cô Ngân cho biết: “Tôi chọn trường mầm non Thạnh An vì tôi sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Vì thấy trẻ nhỏ ở quê tôi có hoàn cảnh khó khăn, không được chăm sóc đầy đủ nên muốn đóng góp một phần nhỏ công sức của mình để nâng cao kiến thức cho những lớp măng non. Các em nhỏ ở đây rất ngoan và hiền, lễ phép”.
Ngôi trường Thạnh An được xây với kiến trúc nhà cấp 4, dù tu sửa nhiều lần nhưng vẫn không thể sánh với điều kiện của nhiều trường mầm non trong địa bàn TP.HCM. Thế nhưng, cô giáo trẻ vẫn gắn bó với nơi đây để góp sức mình xây dựng quê hương. Dù từng có những cơ hội và điều kiện tốt hơn để sống và làm việc, cô Ngân vẫn không có ý định chuyển công tác.
Ước mơ dạy trẻ mầm non
Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em. Từ nhỏ, Thúy Ngân đã đảm nhiệm vai trò trông em và thậm chí còn trông giúp con em nhà hàng xóm. Cô nhiều lần tập hợp các em nhỏ trong xóm để chơi trò lớp học, chính mình vào vai cô giáo dạy dỗ các em. Ước mơ trở thành giáo viên đã nhen nhóm trong cô từ thuở ấy.
Năm Ngân bước vào lớp 12, cô gái trẻ không do dự khi đăng ký thi vào khoa Giáo dục Mầm non (ĐH Sài Gòn) để hiện thực hóa ước mơ của mình.
“Khi được nhận quyết định về dạy học tại trường, tôi xúc động lắm và chỉ muốn lên lớp ngay lập tức. Giây phút đó có lẽ tôi không bao giờ quên được bởi không chỉ thực hiện được ước mơ dạy trẻ mầm non mà tôi còn được cống hiến trên chính quê hương của mình”, cô Ngân chia sẻ.
Cô Ngân thương trò ngoài đảo, điều kiện vật chất tinh thần đều thiếu thốn, những món quà, đồ chơi không có nhiều. Hiểu được rằng, bố mẹ các học trò còn bận làm ăn lo kinh tế gia đình nên cũng không dành cho con cái sự quan tâm sát sao, cô coi học trò như em ruột.
Cô Ngân kể, nhiều học trò đang trong thời gian tập nói mà mãi không biết gọi cha, bởi cha đi biển lâu không về khiến em không được gần gũi và thiếu vắng hơi ấm của người cha. Xót xa cho học trò, cô Ngân lại kể những câu chuyện vui, tạo các trò chơi dân dã để các em có được niềm vui tuổi thơ.
Ra thăm Hà Nội cùng với 41 giáo viên công tác tại xã đảo, huyện đảo tiêu biểu được tuyên dương trên cả nước, cô Thúy Ngân nhận thấy học trò ở thành phố thật hạnh phúc khi được bố mẹ đưa đón đến trường, được mặc những bộ quần áo đồng phục đẹp đẽ và các em cũng rất tự tin trong giao tiếp. Nghĩ đến học trò của mình còn nhút nhát, đứng sau cánh cửa nem nép nhìn những người lạ mặt, cô Ngân càng cố gắng để học trò của mình có cơ hội học tập và ký ức tuổi thơ tuyệt vời.
Mai Châm
(Email: maibichcham@dantri.com.vn)