Chuyện "cõng chữ lên non" của cô giáo Phương ở Mường Tè

(Dân trí) - Ngày đó, để đến được trường, cô giáo Phương và đồng nghiệp phải mất 3 giờ đồng hồ đi xuồng dọc sông Đà. Cô Phương không bao giờ quên cảm giác sợ hãi mỗi khi ngồi chiếc xuồng chòng chành lên thác xuống ghềnh. Chẳng hiểu sao, động lực nào cho cô sức mạnh để vượt qua những khó khăn đó.

Gần chục năm gắn bó với Mường Tè (Lai Châu), cô Nguyễn Thị Phương - trường Trung học cơ sở (THCS) Thị trấn Mường Tè đã trở thành một giáo viên được học trò, đồng nghiệp và bà con vùng cao yêu mến.


Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ dạy trên lớp

Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ dạy trên lớp

Hết lòng với học sinh dân tộc

Lên Mường Tè (Lai Châu) từ năm 2007, hai năm đầu cô giáo Phương công tác tại trường THCS xã Mường Tè cách trung tâm huyện gần 50 cây số. Ngày đó, để đến được trường, chị và đồng nghiệp phải mất 3 giờ đồng hồ đi xuồng dọc sông Đà. Chị vẫn nhớ, thời gian đó có anh nhà báo quân đội cũng hy sinh trên quãng sông này vì bị lật xuồng khi đi viết bài về Mường Tè. Chị không bao giờ quên cảm giác sợ hãi mỗi khi ngồi chiếc xuồng chòng chành lên thác xuống ghềnh. Chẳng hiểu sao, động lực nào cho chị sức mạnh để vượt qua những khó khăn đó.

Đến đầu năm 2009, sau thời gian kiểm tra thăm lớp dự giờ của đoàn cán bộ chuyên môn phòng giáo dục, chị đươc điều động về công tác tại trường THCS Thị Trấn Mường Tè. Đến nay, ngoài việc giảng dạy thường ngày chị luôn đảm nhiệm việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán, môn Vật lý của trường và của phòng giáo dục.

Cô giáo Phương chia sẻ: Với học sinh vùng cao, để động viên các em đến trường đầy đủ đã khó rồi, việc bồi dưỡng học sinh giỏi lại càng khó hơn. Chị đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều để có thể có được một đội tuyển học sinh giỏi. Nhiều khi thời gian dành cho gia đình, con cái và cả bản thân chị cũng không có.

Ngừng lại một chút, chị tâm sự: May mắn, chồng chị cũng là giáo viên, thấu hiểu mọi khó khăn của chị nên anh rất thông cảm và luôn động viên chị cố gắng. Anh giúp chị mọi việc, kể cả việc đi đưa đón học sinh đến nhà để ôn thi, thường xuyên phải nấu cơm cho học sinh ăn để các em tiện cho việc ôn thi buổi chiều…

Cuộc sống khó khăn với đồng lương giáo viên ít ỏi, gần 10 năm gia đình cô giáo Phương sống trong căn hộ tập thể 15 m2. Mãi đến đầu năm nay, nhờ vào gói hỗ trợ của nhà nước, hai vợ chồng mới cố gắng làm được gian nhà cấp 4.

Ngồi trò chuyện, chị bảo: Anh chị em ở quê vẫn bảo đi xa nhà mà không khá được thì bỏ nghề về quê làm công nhân cho đỡ vất vả. Nhiều lúc chị cũng từng nghĩ đến điều đó nhưng có lẽ cũng vì cái duyên với nghề mà chị có thể vượt qua được tất cả. Với chị, mỗi khi thấy học sinh đạt kết quả tốt trong học tập thì đó là niềm vui và động lực để chị tiếp tục cố gắng.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, chị bảo đó chính là món quà học sinh đem tặng trong ngày 20/11 đầu tiên của cuộc đời giáo viên - những bó rau cải nương. Sự xúc động và rưng rưng đến giờ chị vẫn nhớ như in. Những điều giản dị nhưng ý nghĩa ấy đã giúp chị trụ vững nơi vùng cao với biết bao khó khăn này.

Sáng kiến kinh nghiệm và những trăn trở

Ở Mường Tè, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục còn thiếu thốn, trình độ dân trí khá thấp, học sinh lại chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, chất lượng dạy và học còn rất thấp, số lượng học sinh khá giỏi ít, chủ yếu là học sinh trung bình yếu. Với quan điểm dạy những gì học sinh cần và có thể tiếp thu được, cô giáo Nguyễn Thị Phương nỗ lực phấn đấu đổi mới cả phương pháp giảng dạy và nội dung kiến thức phù hợp với khả năng của học sinh để nâng cao chất lượng.

Trong hai năm học 2013-2014 và 2014-2015, cô Phương đã nghiên cứu và đưa ra được 2 sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới nội dung và phương pháp dạy học với môn Toán lớp 9 để áp dụng vào thực tế trong quá trình giảng dạy. Đó là “Một số phương pháp giúp học sinh rèn luyện kỹ năng ứng dụng và khai thác hệ thức vi-ét” và “Một số giải pháp nhằm phát triển khả năng thực hành giải toán cho học sinh lớp 9”. Kết quả đã được nghiệm thu tại đơn vị, được ban giám hiệu cùng các đồng nghiệp đánh giá cao và đưa vào áp dụng rộng rãi trong nhà trường.

Để phát triển năng lực trí tuệ cho các em một cách toàn diện, cô Phương đã đưa ra các phương pháp phù hợp giúp học sinh có thể định hướng, vận dụng vào việc giải và khai thác các bài toán về ứng dụng hệ thức Vi-ét một cách hợp lý nhất. Từ đó kích thích tư duy học sinh, giúp các em tìm ra phương pháp giải phù hợp không chỉ với các bài toán vận dụng hệ thức Vi-ét mà cả các dạng toán khác.

Cô giáo cho biết: “Tại trường THCS Thị Trấn Mường Tè, tôi giảng dạy chuyên đề này cho 3 đối tượng học sinh Trung bình, Khá, Giỏi, và tuỳ từng đối tượng mà tôi chọn bài cho phù hợp. Kết quả cho thấy đa số các em tiếp thu nội dung trong chuyên đề một cách dễ dàng, các em rất hứng thú khi tự mình có thể tìm ra phương pháp phù hợp với từng bài toán và thực hiện giải được các bài toán đó”.

Ở sáng kiến “Một số giải pháp nhằm phát triển khả năng thực hành giải toán cho học sinh lớp 9” , cô Phương chỉ lựa chọn những nội dung kiến thức, cũng như các dạng bài tập trọng tâm nhất phù hợp với khả năng của học sinh chứ bám vào sách giáo khoa và nội dung chương trình để truyền tải và xây dựng mục tiêu bài học. Cô lấy bài tập từ chính thực tế cuộc sống của học sinh, đôi khi còn là bài tập do chính các em đề xuất và đưa ra.

“Tạo cơ hội để học sinh cùng được tham gia tranh luận, kết hợp vừa giảng vừa luyện, chú trọng vận dụng kiến thức hơn là thuộc lòng kiến thức. Từ việc khai thác các ví dụ cụ thể và các phương pháp giải mà học sinh đã tìm ra, tôi thường yêu cầu các em tự đặt ra một số dạng bài tập tương tự, với bài toán do chính mình đặt ra các em trình bày lời giải và đưa ra đáp án. Điều đó sẽ kích thích hứng thú học toán cho các em bởi nó là sản phẩm của chính các em làm ra” - cô giáo Phương nhấn mạnh.

Chia sẻ về những điều còn trăn trở, giọng cô Phương trầm đi: "Có trực tiếp mắt thấy tai nghe mới thấu được nỗi cơ cực của các em cũng như sự vất vả của thầy, cô giáo vùng cao. Hiện nay, ở những nơi vùng sâu vùng xa, học sinh còn không đủ cơm ăn, áo mặc để đến trường. Có những cô giáo cắm bản đã gần chục năm rồi mà vẫn chưa tìm cho mình được người bạn đời, rồi câu chuyện về những thầy cô cố gắng một hai năm mới dành dụm được ít tiền về thăm quê…

Cô giáo Nguyễn Thị Phương và các đồng nghiệp có thể thiếu thốn về vật chất nhưng họ lại là những người giàu có về tình yêu thương học trò và tinh thần nỗ lực vượt khó. Học trò nên người, thành công chính là sự đền đáp xứng đáng nhất cho công sức và tâm huyết của bất cứ người thầy, người cô nào.

Thu Minh