Câu chuyện giáo dục:
Cô giáo bị "tố" vì chiếc bảng đen và nỗi sợ... dạy học trò
(Dân trí) - Lập danh sách đồ dùng học tập cần thiết, cô Châu nói rõ phụ huynh tự mua hoặc không mua được có thể nhờ cô. Trong danh sách này, có chiếc bảng đen loại lớn bị phụ huynh "tố" là không phù hợp.
Cô Nguyễn Ngọc Châu (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học ở TPHCM - chia sẻ câu chuyện mình gặp phải trong nghẹn ngào.
Cô Châu kể, đầu năm tiếp nhận học sinh lớp 1, cô chưa nắm rõ hoàn cảnh gia đình học sinh. Một ông bố tìm đến cô, trải lòng hoàn cảnh nhà có 3 con nhỏ mong cô hỗ trợ sách vở cho con đi học.
Từ nguồn ngân sách trường, cô Châu gửi tặng phụ huynh bộ sách giáo khoa không kèm vở bài tập.
Vào năm học, cô lập danh sách đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh để phụ huynh trong lớp chuẩn bị. Cô nói rõ, phụ huynh tự mua, trường hợp không mua được hoặc thiếu đồ dùng nào có thể nhờ cô mua giúp.
Bảng danh sách này gồm những đồ cơ bản như vở ô ly, bìa bao, bìa kê tay, thước kẻ, bút chì, khăn lau bảng, bìa đựng giấy A4, gôm, bút màu... Riêng với bảng viết phấn, cô kèm chú thích loại lớn.
Hầu hết, phụ huynh tự mua sắm, chỉ vài trường hợp nhờ cô mua giúp hoặc mua bổ sung. Còn vị phụ huynh nọ vẫn chưa sắm đồ dùng học tập cho con.
Không để học sinh không có đồ dùng học tập, cô Châu tặng em này những món đồ mình có hoặc mua dư, đủ để em sử dụng học tập như bạn bè.
Sau đó không lâu, trường cô Châu nhận được yêu cầu giải trình từ các cấp quản lý về vấn đề phụ huynh phản ánh. Sự việc là về bản danh sách đồ dùng học tập cô Châu gửi cho lớp, được phụ huynh chụp lại, "tố" lên trên.
Cô và trường mời phụ huynh lên trao đổi, chính là người bố tìm đến cô Châu "xin sách" hôm đầu năm. Người này nói rằng, phản ánh để cho biết, nhất là chuyện bắt học sinh lớp 1 dùng bảng viết phấn loại lớn gây tốn kém.
Ông bố này cũng nói thêm, trước đây ông từng đi phản ánh một số sự việc, sau đó còn được hỗ trợ quà, tiền.
Cô Châu nghẹn đắng. Cô khuyến khích phụ huynh sắm bảng loại lớn cho học sinh lớp 1 do sang học kỳ 2, các con sẽ viết những câu ngắn, bảng nhỏ rất khó cho trẻ. Cô đã giải thích điều này nhưng có thể phụ huynh không để ý hoặc không tiếp nhận...
Lẽ ra, trong trường hợp này, phụ huynh hoàn toàn có thể trực tiếp hỏi lại cô để được phản hồi rõ ràng nhất.
Nữ giáo viên cho hay, phụ huynh đi phản ánh, tố cáo như vậy trong khi chưa hề sắm đồ dùng học tập cho con. Sách giáo khoa trường tặng, cô nhắc nhiều lần nhắc, phụ huynh vẫn chưa có bìa bao, dán nhãn cho trẻ...
Gia đình em học sinh cũng không khó khăn như cô tưởng. Ông bố có xe ô tô, mẹ là chủ một cửa hàng lớn.
Cô Châu tâm tư, với sự hỗ trợ của mạng xã hội như hiện nay, chưa biết đúng sai, dư luận dường như ai cũng có thể phán xét, chỉ trích thầy cô không kể đúng sai.
Chưa kể, còn thêm nỗi sợ từ các cấp quản lý, khi một sự việc phản ánh, tố cáo nào đó thì giáo viên thường được mặc định là sai, người thầy ít được bảo vệ.
Nỗi sợ hãi đó đang lây lan đến nhiều người thầy.
Như lời thẳng thắn của cô Châu, với trải nghiệm gần 20 năm đi dạy, cũng là một người mẹ, cô không bao giờ có suy nghĩ trù dập học trò vì bất cứ lý do gì. Nếu nghĩ hay làm như vậy, cô không xứng với lương tâm của mình.
Nhưng cô thừa nhận mình sợ, đó là nỗi sợ dạy học trò. Sợ từng câu chữ khi giao tiếp, phải nhắc nhở em, sợ giao nhiệm vụ làm việc hay đọc bài, làm bài cho em... Vì biết đâu, dựa vào điều bình thường đó, cô có thể bị phản ánh, tố cáo.