Chuyên viên tư vấn tâm lý cứ nhìn học sinh là phán "em này có bệnh"! | Báo Dân trí

Chuyên viên tư vấn tâm lý cứ nhìn học sinh là phán "em này có bệnh"!

Hoài Nam

(Dân trí) - "Chết như ngóe" là cụm từ được thạc sĩ tâm lý dùng để cảnh báo tình trạng phổ biến chuyên viên tư vấn trường học nhìn học sinh là đoán "em này có bệnh".

Nhiều vấn đề về năng lực chuyên môn của nhân viên tư vấn trường học được đặt ra tại Hội thảo "Tăng cường các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường" diễn ra tại TPHCM ngày 24/8. 

Chuyên viên tư vấn tâm lý cứ nhìn học sinh là phán em này có bệnh! - 1

Chuyên viên tâm lý các trường học tham dự hội thảo (Ảnh: H.N).

Cô Thu Hà, chuyên viên tâm lý một trường học ở TPHCM lo ngại, hiện nay công việc tư vấn tâm lý tại nhiều trường do giáo viên kiêm nhiệm. Thầy cô tham gia các buổi tập huấn không khác nào "cưỡi ngựa xem hoa" khi không có chuyên môn. 

Chẳng hạn như nói đến thang đo, công cụ đánh giá về tâm lý học đường, giáo viên... chẳng hiểu gì. 

Trước lo ngại này, ThS Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink - nhắc đến cụm từ "chết như ngóe" cảnh báo tình trạng nhân viên tư vấn trường học cứ nhìn học sinh là chẩn đoán "em này có bệnh". 

Đơn cử, nhiều em buồn đau, áp lực, lo lắng vì điểm thấp, vì thất tình hay có những biến cố gia đình, lên phòng tâm lý mong giải tỏa bớt tâm tư là bị "chụp mũ" là lo âu, trầm cảm ngay. 

ThS Ngô Minh Uy cho hay, ai trong chúng ta cũng có những lo lắng, áp lực, cũng có chuyện buồn, chuyện vui, điều đó không có nghĩa là bệnh. 

Để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm lý học trò, ông Uy cho hay phải là người được đào tạo, có trình độ chuyên môn sâu. Còn không, việc chuẩn đoán mang tính bệnh lý hóa tràn lan như hiện nay có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

Chuyên viên tư vấn tâm lý cứ nhìn học sinh là phán em này có bệnh! - 2

ThS Ngô Minh Uy cảnh báo, việc đánh giá vấn đề tâm lý học trò phải do người có chuyên môn sâu được đào tạo thực hiện (Ảnh: H.N).

Ông Nguyễn Minh Đăng Khôi - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Phương Nam - nhấn mạnh, bất kỳ sự phán xét, đánh giá nào của chuyên viên tâm lý đều để lại ảnh hưởng lớn đến đứa trẻ và cả cuộc đời của chúng. 

"Bệnh của học trò có khi từ miệng của chúng ta mà ra", ông Khôi cảnh báo, ngay kể cả những bài test tâm lý kết quả còn tùy thuộc vào bối cảnh, trạng thái của người thực hiện. 

Đồng tình với ý kiến này, ThS Lê Thị Minh Tâm - chi hội tâm lý Hoa Súng - bày tỏ, chuyên viên tâm lý trường học tuyệt đối không "dán nhãn" vấn đề của trẻ, không đánh giá, kết luận trẻ bị lo âu, trầm cảm. Việc này, nếu có, phải do những người có chuyên môn thực hiện. 

Bà Tâm thông tin, ở Mỹ, ước tính số lượng trẻ em tăng 0,4-2,5%/năm và 11,7% trẻ vị thành niên có trải nghiệm và có cơn trầm cảm chính trong năm vừa qua.

Một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng chỉ ra, dưới 1% trẻ em và vị thành niên nhận điều trị trầm cảm. Nhiều thống kê cho thấy, đến nay chưa có khuyến nghị cụ thể nào cho việc điều trị hay trị liệu trầm cảm cho trẻ em. 

Ở góc độ chuyên viên tâm lý học đường, theo bà Tâm, có thể quan tâm đến yếu tố phòng ngừa trầm cảm ở học sinh. Thanh thiếu niên cần được xem xét yếu tố môi trường sống và tâm sinh lý trong phòng ngừa trầm cảm. 

Chuyên viên tư vấn tâm lý cứ nhìn học sinh là phán em này có bệnh! - 3

Tránh dán nhãn, phán xét vấn đề tâm lý của học trò (Ảnh minh họa: Hải Long).

TS Nguyễn Thị Bích Hồng - cố vấn tâm lý học đường IGC Group - đánh giá, vai trò của nhân viên tư vấn học đường cực kỳ quan trọng trong vấn đề sức khỏe tâm lý học đường. 

Vậy nhưng bà Hồng băn khoăn, năng lực của nhân viên tư vấn đang rất đáng báo động vì nhiều yếu tố như chưa có quy định chức danh, đãi ngộ thấp, năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng. 

Từ năm 2015, TPHCM bỏ chức danh nhân viên tư vấn tâm lý học đường khiến công tác này tại các trường gặp nhiều khó khăn.

Không có biên chế và vị trí công việc rõ ràng, nhiều nhân viên tư vấn học đường phải kiêm nhiệm đủ việc, khó tập trung cho chuyên môn. 

Ngay tên gọi cụ thể cho công việc này cũng không có. Người đảm nhận hoạt động tư vấn học đường khi thì được gọi là giáo viên, khi được gọi là nhân viên, khi được gọi là chuyên viên... 

Gần đây, Sở GD&ĐT TPHCM cùng các cơ quan chuyên môn lên tiếng đề xuất cần sớm có chức danh rõ ràng với nhân viên tư vấn học đường.