Câu chuyện giáo dục:
"Cậu bạn học giỏi nhất lớp làm giao hàng" hay bi kịch của học sinh giỏi?
(Dân trí) - Học sinh học giỏi ở phổ thông rồi "gục ngã" ở bậc đại học hay "trượt dài" khi bước vào đường đời không còn là câu chuyện cá biệt của riêng ai.
Câu chuyện "Ngỡ ngàng gặp lại nam sinh học giỏi nhất lớp năm xưa làm... người giao hàng" thu hút sự quan tâm của nhiều người trong những ngày qua.
Học sinh học giỏi ở phổ thông rồi "gục ngã" ở bậc đại học hay "trượt dài" ở đường đời không là câu chuyện cá biệt của riêng "cậu bạn học giỏi nhất lớp năm xưa" mà của rất nhiều người quanh chúng ta.
Bà T.T.H, ở Khánh Hòa nói về việc gia đình vừa đón con trai về nhà sau khi cháu bỏ học giữa năm hai một trường đại học top đầu ở TPHCM. Trước đó, 12 năm liền ở phổ thông, cháu luôn là học sinh giỏi, xuất sắc, là niềm tự hào của gia đình.
Khi gia đình phát hiện, cháu đã bỏ học được hơn nửa năm, xơ xác trong nghiện game, cờ bạc online, nợ nần chồng chất và tâm thần bất ổn. Đến nay gia đình vẫn đang vật vã, điêu đứng với con.
Cú trượt ngã của cháu được lý giải là do chọn nhầm nghề, cháu không tìm thấy động lực, niềm yêu thích trong học tập.
Một nữ sinh đang học ngành ngôn ngữ tại một trường có tiếng khác ở TPHCM cũng rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Ở phổ thông chưa năm nào em trượt học sinh giỏi nhưng giờ càng học càng không vào, em nợ rất nhiều môn và thấy rõ bản thân không còn khả năng để theo học tiếp...
"Giờ em chỉ muốn đi làm một công việc nào đó như làm công nhân, nhân viên phục vụ hoặc rửa chén bát cũng được, để thấy mình còn... có giá trị", cô gái trải lòng.
Cuối năm 2022, Trường Đại học Luật TPHCM, nơi có điểm đầu vào chót vót đuổi học và cảnh báo nguy cơ bị đuổi học 120 sinh viên liên quan đến kết quả học tập.
Theo thống kê tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội trung bình mỗi năm 700-800 sinh viên bị buộc thôi học.
Còn tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cũng chỉ khoảng 70% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Có từ 5-6% sinh viên/khóa bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém.
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM có thời điểm cũng ghi nhận có cả ngàn sinh viên bị xem xét buộc thôi học và cảnh báo học vụ. Nhiều trường đại học khác đều ghi nhận tình trạng này.
Phần lớn sinh viên buộc thôi học do lực học yếu, không đáp ứng nổi yêu cầu sau quá trình không xác định mục tiêu rõ ràng, rơi vào sa đà, bỏ bê việc học bên cạnh số ít sinh viên đổi ngành, đi du học.
"Không phải cứ là học sinh giỏi ở phổ thông là có thể theo nổi đại học. Các em cần xác định thi vào trường đã khó nhưng việc duy trì học tập còn khó hơn, chứ không phải cứ trúng tuyển rồi kiểu gì cũng ra trường", phụ trách một trường đại học ở TPHCM cảnh báo.
Vị quản lý nhắc đến thực trạng... học sinh giỏi ở phổ thông, một vấn đề phải nói nhức nhối được đề cập lâu nay.
Theo dữ liệu từ Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh lớp 11, 12 đạt học lực giỏi trong cả nước (chưa có số liệu của 6 địa phương) là hơn 82%, trong đó 36,7% học sinh đạt loại giỏi và gần 46% học sinh học lực khá.
Hải Phòng dẫn đầu cả nước khi có đến 62% trong tổng số 42.500 học sinh đạt học lực giỏi. Tỷ lệ học sinh khá là 31,6% và chỉ có hơn 6% học sinh xếp loại trung bình và yếu, kém.
Hà Nội xếp thứ 2 với tỷ lệ học sinh giỏi lớp 11 và 12 chiếm 58,17%. Tiếp đó là Nam Định và Long An với trên 50% học sinh đạt học lực giỏi. Các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hải Dương, Tiền Giang, TPHCM, Vĩnh Long có tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi trên 40%.
Chúng ta đang có quá nhiều học sinh giỏi, giỏi toàn diện, giỏi ở các môn. Để rồi rất nhiều em không biết mình giỏi cái gì, không biết thế mạnh, năng lực của mình ở đâu. Không ít học trò khi chọn nghề rơi vào hoang mang không biết chọn gì vì em môn nào cũng giỏi, giỏi toàn diện.
Nhiều em bước vào đại học hay xa hơn là bước vào đời mới vỡ òa khi chọn nhầm ngành nghề, vỡ òa về năng lực của bản thân... khi khoác một chiếc áo rộng thùng thình mang tên "học sinh giỏi".
Không chỉ "gục ngã" ở đại học, nhiều sinh viên thoát được cửa ải này, cầm được tấm bằng ra trường thì một lần nữa hoang mang khi không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Theo báo cáo của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố vào cuối năm 2022, có 36,6% người giao hàng công nghệ (shipper) ở Việt Nam có trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36.
Chưa nói đến con số trong thời gian gần đây, lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TPHCM.
Còn báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân Lực 2022 của Tập đoàn tuyển dụng đa quốc gia ManpowerGroup chỉ ra Việt Nam xếp thứ 47/60 thị trường lao động toàn cầu;, đứng cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trình độ kỹ năng vẫn là một trong những điểm yếu lao động Việt Nam. Mặc dù có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%) nhưng số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với ba năm trước...
Chúng ta hân hoan trong những báo cáo về tỷ lệ học sinh loại giỏi, trong những trò vui tưng bừng khoe thành tích, điểm số của con trên mạng xã hội của nhiều ông bố bà mẹ.
Nhưng sau những điểm 9, điểm 10, sau những niềm hân hoan đó có khi là những cú trượt, lạc lối vì không tìm được hướng đi phù hợp.