Đánh trẻ khi dạy chữ "cho chừa thói cẩu thả" vì còn đánh là còn... thương?
(Dân trí) - Trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 bị cô đánh được nhiều phụ huynh cho là... bình thường, song cũng gây ra những ý kiến tranh cãi kịch liệt.
Trên diễn đàn phụ huynh, một bà mẹ chia sẻ về câu chuyện con mình học chữ để chuẩn bị vào lớp 1. Cô giáo là một người có tiếng dạy tốt và "chắc tay", cũng là giáo viên chủ nhiệm sắp tới của con chị.
Tuy nhiên, bà mẹ kể, trong quá trình dạy chữ cô hay xưng "mày - tao" với học trò, kiểu như "mày viết không nắn nót, tao lấy thước kẻ đánh vào tay". Và đúng như vậy, nếu trẻ viết không đẹp, cô sẽ đánh vào tay chúng.
Khi chị chia sẻ sự việc, rất nhiều phụ huynh vào bình luận cho rằng cô giáo xưng hô "mày - tao" với trẻ hơi khó nghe, còn việc cô đánh trẻ khi dạy chữ... là bình thường.
Đi cùng đó, nhiều người kể hành trình học chữ của con mình cũng như vậy, bị cô đánh, không chỉ đánh vào tay. Có phụ huynh khẳng định chắc nịch: "Để con viết được chữ, cô đánh vào tay là chuyện bình thường".
Có người khoe con mình bị cô đánh vào tay không biết bao nhiêu lần, "cho chừa cái tội cẩu thả". Đi cùng đó là các lý giải cô nghiêm khắc, đánh để uốn nắn, đánh để cho trẻ tập trung hơn chứ không phải để đánh để gây thương tích thì chẳng vấn đề gì.
Trước ý kiến phản đối việc đánh trẻ khi dạy chữ, nhiều người đẩy cuộc tranh cãi vào căng thẳng với tư tưởng "thương cho roi cho vọt".
Hàng loạt lý lẽ được đưa ra như "Các anh chị ở nhà có đánh không?", "Dạy mà không đánh thì đem con về nhà mà dạy" hay "Cô còn đánh là còn thương", "Các cô giáo giỏi đều nghiêm khắc như vậy"...
Cô giáo lớp 1 ảnh hưởng lớn đến hành trình lâu dài của trẻ
Ở chiều ngược lại, quan điểm "dạy chữ đánh trẻ là bình thường" bị phản ứng dữ dội. Trong đó, rất nhiều người là phụ huynh, giáo viên không chấp nhận việc cô đánh trẻ khi dạy chữ.
Có người thẳng thắn nói rằng cô giáo, phụ huynh xem việc "đánh trẻ khi dạy chữ là bình thường" thì cả cô và phụ huynh đều đang có tư tưởng lệch lạc.
Chia sẻ với người mẹ đang lo lắng trên, cô Lương Ngọc Anh - giáo viên lớp 1 ở Hà Nội cho hay - mỗi giáo viên có cá tính, quan điểm, phương pháp giáo dục riêng. Nhưng là giáo viên và cũng là người mẹ có con sắp vào lớp 1, cô An mong muốn con mình được học với một cô giáo cư xử đúng mực.
Kiến thức bố mẹ có thể bổ sung, dạy thêm cho con nhưng cô Anh cho rằng, những ấn tượng về cách đối nhân xử thế, những hành vi tiêu cực khó có thể xóa được trong trí nhớ và tuổi thơ trẻ.
"Giáo viên lớp 1 có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, nhân cách của trẻ về lâu dài. Với các con ở độ tuổi này, cô giáo chính là chuẩn mực", cô giáo Anh trải lòng.
Trước việc nhiều người ủng hộ việc cô đánh trẻ khi dạy chữ, cô Anh cho hay có thể do hệ trước đã quen với việc dùng đòn roi khi dạy học sinh, quen với việc bị đánh khi học chữ.
Còn trải nghiệm sau nhiều năm dạy lớp 1, cô Lương Ngọc Anh thấy việc đánh học sinh không mang lại kết quả gì cho việc dạy học, không giúp các con tiếp thu hay có kỹ năng tốt hơn, chỉ làm trẻ sợ và chán ghét việc học.
Ở câu chuyện này, cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1 - Trường tiểu học Nguyễn Thị Rành, Củ Chi, TPHCM - bày tỏ cô giáo nào giờ dạy chữ mà còn khẻ tay khi trẻ viết xấu thì nhiều khả năng... cô sắp về hưu.
Không đồng tình với việc giáo viên xưng "mày - tao" hay đánh học sinh khi dạy chữ nhưng Phương cho rằng cũng cân nhắc tình huống liệu phụ huynh có vì quá lo lắng mà làm quá vấn đề không.
Chúng ta cần xem xét việc cô hành xử như vậy là suốt quá trình dạy học hay là có khoảnh khắc nào đó không phải để bao biện mà để có đánh giá phù hợp. Bởi trong quá trình dạy học, theo cô Phương không phải lúc nào giáo viên cũng có thể ngọt ngào, cũng có lúc cô giáo khó tránh được cảnh "tức điên" người.
Từ tình huống trên, cô Trần Thị Kim Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng - cho hay, nếu giáo viên xưng hô "mày - tao" với học sinh là cô đã vi phạm đạo đức nghề giáo quy định về lòng nhân ái, bao dung độ lượng, ứng xử hòa nhã với người học.
Cách xưng hô như thế làm cho trẻ sợ hãi và nêu gương xấu về ứng xử với học sinh. Thậm chí, có trẻ có thể bị trầm cảm, không muốn đến trường vì cô giáo xưng hô "mày - tao", khác biệt với những gì bé đã hấp thụ ở gia đình, kiểu như bị sốc văn hóa.
Việc đánh trẻ khi trẻ viết chữ chưa đẹp, cô Hạnh khẳng định không giúp cho bé viết tốt hơn mà chỉ khiến bé kết nối việc học chữ với bị đánh, dẫn đến bé sợ viết, sợ học.
Trong trường hợp này, theo cô Hạnh, phụ huynh hãy trao đổi với giáo viên cũng như quan tâm đến quá trình điều chỉnh của cô, nếu cần hãy phản hồi đến nhà trường.
Cô Trần Thị Kim Hạnh nêu quan điểm, lớp 1 là cột mốc quan trọng trong hành trình học tập suốt đời của trẻ. Giáo dục cần phải thật sự ưu tiên, tập trung cho các em. Ưu tiên về mặt sĩ lớp phải thật ít, chỉ khoảng 20-25 em, giúp giáo viên tránh áp lực để giáo dục các em tốt nhất.
Đặc biệt, cần chú ý lựa chọn giáo viên dạy lớp 1 phải thật sự có tâm và có năng lực. Giáo viên phải hết sức cẩn thận trong ứng xử, giao tiếp, trong từng lời nói với trẻ.