Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần đặt chất lượng lên hàng đầu

(Dân trí) - Góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT và các cơ quan nhà nước cấp trên cân nhắc, không quá câu nệ về tiến độ mà đặt chất lượng lên hàng đầu.


Ông Trịnh Ngọc Thạch – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Ông Trịnh Ngọc Thạch – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nhận định về những điểm mới của Dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể, ông Trịnh Ngọc Thạch – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, xây dựng chương trình GDPT tổng thể này, các chuyên gia của Bộ GDĐT đã tiếp cận được với xu hướng xây dựng chương trình GDPT của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Trước hết, nói về kỹ thuật thiết kế, những người xây dựng chương trình không bắt đầu từ việc xác định nội dung dạy học như những chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung, mà bắt đầu từ việc phân tích bối cảnh trong nước và thế giới, nhu cầu đào tạo nhân lực của Việt Nam (thể hiện qua Lời nói đầu của chương trình), mục tiêu GDPT, những yêu cầu về phẩm chất và năng lực mà học sinh cần đạt được (chuẩn đầu ra); từ đó mới xác định nội dung giáo dục (các lĩnh vực giáo dục, môn học và kế hoạch dạy học), phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Những người xây dựng chương trình cũng nhận thức rằng chương trình là một văn bản có giá trị pháp lý nhằm điều chỉnh hành vi xã hội để giải quyết một vấn đề lớn liên quan đến một bộ phận lớn nhân dân trong một giai đoạn khá dài;

Do đó, đã xây dựng văn bản này theo quy trình xây dựng chính sách, bao gồm các bước: đánh giá chương trình và việc thực hiện chương trình hiện hành, đề xuất chương trình mới, tổ chức thực nghiệm để đánh giá tác động của chương trình mới trước khi ban hành chương trình chính thức.

Về nội dung, chương trình GDPT tổng thể của Việt Nam được xây dựng phù hợp với mô hình phát triển năng lực của các chương trình giáo dục tiên tiến. Điều này thể hiện ở mục tiêu của chương trình, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục của chương trình.

Điểm mới thứ ba là chương trình GDPT tổng thể có tính mở, vừa bảo đảm những nội dung cốt lõi thống nhất trong toàn quốc, vừa dành quỹ thời gian và có hướng dẫn để các địa phương, cơ sở giáo dục vận dụng và bổ sung cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện và nhu cầu cụ thể của mình, đã cụ thể hóa nội dung này theo quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội Khóa XIII về Đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

chuyên gia cho rằng chương trình GDPT tổng thể quá tham vọng. Ví dụ, lẽ ra cấp tiểu học chỉ cần dạy cho học sinh biết đọc biết viết và thông thạo 4 phép tính, nhưng dự thảo chương trình GDPT tổng thể của ta lại có quá nhiều môn, gây áp lực không cần thiết cho học sinh. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Thời tôi đi học tiểu học, đúng là người ta chỉ yêu cầu học sinh biết đọc biết viết, làm được 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia, có khái niệm ban đầu về một số hình cơ bản và giải một số dạng toán đố.

Nhưng vào thời cách mạng công nghiệp 4.0 này, nếu những người làm giáo dục vẫn chỉ bằng lòng với chuẩn đầu ra của những năm 60 của thế kỷ trước thì không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và không thể “hội nhập quốc tế” như chúng ta đang mong đợi.

Tôi xin dẫn lại một đoạn mà tôi đánh giá rất cao trong Lời nói đầu của dự thảo chương trình: “Trong 30 năm qua, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.

Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.”

Nghiên cứu dự thảo chương trình, tôi thấy số môn học và thời lượng dành cho các môn học ở Tiểu học và THCS không thay đổi. Có chăng, một số môn học được tích hợp lại, đổi tên và sắp xếp khác với chương trình hiện hành nên nếu không đọc kỹ dự thảo thì dễ thắc mắc. Ví dụ, nếu chỉ đọc tên môn thì có cảm tưởng Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu xã hội là 3 môn khác nhau, học ở cả 5 lớp.

Nhưng sự thật là ở ba lớp đầu cấp, học sinh tiểu học chỉ học môn Cuộc sống quanh ta với mục đích bước đầu làm quen với sự vật, hiện tượng ở xung quanh; đến lớp 4, lớp 5, môn Cuộc sống quanh ta được tách thành 2 môn: Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội.

Ở cấp THPT, số môn học cũng không nhiều hơn. Ở lớp 11, 12, học sinh học 4 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục quốc phòng và an ninh; 2 môn bắt buộc có phân hóa: Giáo dục thể chất (dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn) và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Đối với các môn còn lại, học sinh chỉ cần chọn 3 môn phù hợp với nguyện vọng, khả năng của mình. Tóm lại là học sinh chỉ học 9 môn, trong đó 3 môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là những môn học và hoạt động giáo dục mang tính thực hành.

Việc tổ chức học các môn này do nhà trường sắp xếp phù hợp với điều kiện của mình; ví dụ có thể bố trí học Giáo dục quốc phòng và an ninh vào một tuần, bố trí Hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào một buổi trong tuần.

Ngoài ra, để đánh giá chương trình nặng hay nhẹ, chúng ta còn phải nghiên cứu chương trình các môn học hiện đang được soạn thảo.

Ông có góp ý gì cho dự thảo chương trình và việc thực hiện chương trình?

Dự thảo chương trình mà Bộ GDĐT công bố mới chỉ là chương trình tổng thể, tức là bộ khung của chương trình GDPT. Nhiều thử thách còn đang ở phía trước. Tôi mong Bộ GDĐT chỉ đạo sát sao để việc xây dựng chương trình các môn học và biên soạn sách giáo khoa thể hiện được đúng tinh thần đổi mới của chương trình tổng thể.

Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội Khóa XIII, tháng 9 năm tới đã phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trên toàn quốc. Tôi mong Bộ GDĐT và các cơ quan nhà nước cấp trên cân nhắc, không quá câu nệ về tiến độ mà đặt chất lượng lên hàng đầu.

Trân trọng cám ơn ông!

Việt An