Việc tước bỏ chức danh PGS:

Chỉ là hình thức mang tính giáo dục!

(Dân trí) - “Việc tước bỏ chức danh PGS của anh Dũng là việc không thể không làm. Tuy nhiên, đối với Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước thì đây chỉ là một hình thức mang tính giáo dục”, GS. Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã cho biết như vậy.

GS. Đỗ Trần Cát cho biết thêm:

 

- Khi trao đổi với các nhà báo, tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đừng lợi dụng về vụ việc này để làm giật gân lên. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn tự do báo chí nên đừng nghe báo chí viết mà sợ hay mặc cảm. Nếu có nghe một vài bài báo bình luận nọ, kia thì đó cũng chỉ là một vài ý kiến giữa hơn 80 triệu dân, có thể nghe hoặc có thể bỏ qua. Tôi cũng từng là "nạn nhân" của báo chí, nên tôi rất thông cảm với sự mặc cảm này của anh Dũng…

 

Thưa GS, ông Dũng có trách móc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) rằng trong khi thông báo quyết định tước bỏ chức danh chưa đến tay ông mà Hội đồng đã phân phát rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng? (QĐ ra ngày 31/3 và bắt đầu từ 31/3, báo chí đã đua tin rầm rộ về vấn đề này, tuy nhiên, đến ngày 7/4, ông Dũng mới nhận được QĐ- PV)

 

Chúng tôi không có khả năng và chịu trách nhiệm thay báo chí được. Còn việc họp Hội đồng để đi đến quyết định là họp công khai, không phải họp kín. Quy trình của cuộc họp này là sau khi có Nghị quyết (NQ), Quyết định (QĐ) của HĐ rồi mới gửi cho đương sự. Sau khi có NQ, Chủ tịch HĐ căn cứ vào NQ đó để ký vào QĐ và gửi cho đương sự. NQ ra ngày thứ 6 (31/3), QĐ ra ngày thứ 2, gửi đi trong ngày thứ 2 và trong tuần đó đương sự nhận được. 

 

Ngay sau đó, báo chí đã biết được thông tin của HĐ và quyền tự do báo chí đăng trước khi đương sự nhận được cũng là lẽ đương nhiên, vì chúng tôi họp công khai nên ngay khi NQ ký là họ nhận được. Không có văn bản nào viết là NQ của HĐ phải giữ kín và NQ này cũng không phải là NQ cần giữ kín. Giữ kín NQ này là ngoài tầm tay của HĐ. 

 

Ông Dũng cũng có phản ánh, phải chăng kết luận của HĐ đối với ông là quá nặng nề và kết luận này, khi qua tay báo chí đã khiến ông bị tổn thương nghiêm trọng về danh dự?

 

Từng câu chữ trong quyết định đều đã được cân nhắc: “Vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo”. Tuy ông Dũng không vi phạm toàn bộ đạo đức của nhà giáo, mà vi phạm một phần đạo đức của nhà giáo, nhưng như thế đã không thể không kết luận là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo. Việc báo chí nói quá về sự việc thì báo chí phải chịu trách nhiệm. 

 

Chúng tôi không hề có ý cố tình đưa ra trước báo chí và việc trên nhiều tờ báo trong nhiều ngày qua đăng tải thông tin như vậy về anh Dũng là điều chúng tôi không hề muốn. Còn việc báo chí viết như vậy không thuộc trách nhiệm của HĐ. Tôi cũng không có thời gian theo dõi thường xuyên báo chí. Báo chí thì có anh viết thế này, anh viết thế kia, tôi không quan tâm. Vì thế, với anh Dũng, nếu nghe thông tin của báo chí mà gắn cho HĐ thì không nên. Báo chí nói gì là việc của báo chí chứ không phải của HĐ.

 

Đối với tôi quan trọng là điều này: nếu anh Dũng đêm về vắt tay lên trán nhận rằng, HĐ làm đúng. Thế là tôi yên tâm. 

 

Theo dư luận từ phía đội ngũ giảng viên của trường thì sau khi bị tước bỏ chức danh PGS của ông Dũng sẽ có 3 vấn đề sau mà trường CĐ Du lịch Hà Nội không thể tránh khỏi: 1. Việc tuyển sinh sẽ khó khăn. 2. Sinh viên thực tập cũng sẽ gặp khó khăn (vì trong 11 năm ông Dũng làm hiệu trưởng, sinh viên có “chỗ” để được thực tập đều là nhờ uy tín của hiệu trưởng). 3. Bạn bè quốc tế sẽ nhìn nhận thế nào, làm sao quảng bá được ngành du lịch VN khi trường CĐ Du lịch vừa được bầu là Chủ tịch Hội nghị Ban chấp hành mạng lưới các trường đào tạo du lịch vùng Châu Á- Thái Bình Dương, mà lãnh đạo của trường lại như vậy? 

 

Trong quá trình điều tra vụ việc sai phạm của anh Dũng, chúng tôi có nhiều công văn gửi Tổng Cục Du lịch và có nhận được một số công văn trả lời. Trong các công văn đó đều nói tốt về anh Dũng. 

 

Về kết  luận sai phạm của anh Dũng, chúng tôi luôn luôn muốn việc làm của mình công bằng và minh bạch nhất, và việc xét sai phạm chỉ bó hẹp trong phạm trù chức danh PGS thôi, chứ không kết luận rộng rãi sang các phạm trù khác. Bình diện của chúng tôi rất bó hẹp. 

 

Thực tế thì việc tước bỏ chức danh của anh Dũng có thể thực hiện cách đây một năm, nhưng chúng tôi có ý trì hoãn lại vì nếu triệu tập cả HĐ chỉ mỗi việc tuyên bố tước chức danh thì trường hợp của anh Dũng sẽ trở nên quá đặc biệt.

 

Thưa GS, sau khi nhận được quyết định, ông Dũng cũng thừa nhận là một người mắc lỗi trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, trên báo chí nhiều ngày qua luôn khẳng định đó là “tội”. Vậy, sự thực thì “tội” hay là “lỗi” đúng trong trường hợp này?

 

Trường hợp này, sai phạm chỉ nằm trong “lỗi” chứ không phải là “tội”. 

 

Xin cảm ơn GS!

 

Theo thông tin của chúng tôi thì người trực tiếp đi kiện ông Dũng là bà Nguyễn Thị Phú, nguyên là giáo viên của trường Trung học nghiệp vụ du lịch (nay là CĐ Du lịch) đã bị buộc thôi việc từ năm 2003, vì một trong những nguyên nhân là gian lận về bằng cấp. Tuy nhiên, theo ông Dũng, người kiện ông trực tiếp phải là ông Trần Văn Chấn- dịch giả của cuốn “Hướng dẫn viên du lịch” mà ông Dũng có làm hiệu đính. Ông Dũng khẳng định: “Do chủ quan nên tôi không biết ông Chấn đã có hành vi không tốt với tôi. Đó là không ra mặt kiện tôi về quyền tác giả mà đưa bà Phú đi kiện đồng thời giấu hết các tài liệu liên quan nên tôi không thể tìm ra. Nếu theo chính tác thì ông Chấn kiện tôi là đúng nhất”.

 

Khi chúng tôi đưa sự lắt léo này ra hỏi ý kiến của GS Cát, GS có nói: Chúng tôi không quan tâm đến những mâu thuẫn nội bộ dẫn đến kiện tụng. Về danh chính ngôn thuận thì anh Dũng không thể thanh minh được cho mình. Tuy nhiên, khi một số tờ báo “thổi bùng” sự việc này lên trong khi chúng tôi chỉ luôn coi sự việc mang tính giáo dục, có thể có nguyên nhân từ việc những người đi kiện có quan hệ với một số báo chí nào đó. 

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(thực hiện)

Dòng sự kiện: PGS Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm