Xung quanh việc tước bỏ chức danh của một PGS:

Cơ chế sinh ra… “tội”?

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử ra đời và phát triển của danh hiệu giáo sư, một PGS bị tước chức danh - đó là PGS. Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hà Nội. Việc ông Dũng làm sai, ông phải chịu. Tuy nhiên, xung quanh việc này vẫn còn một số điểm đáng lưu ý.

Hơn 15 năm qua, Việt Nam dưới nhiều danh nghĩa khác nhau như Chính phủ, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Học vị chức danh khoa học, Hội đồng học hàm Nhà nước, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã công nhận, bổ nhiệm gần 7.000 GS, PGS, và ngay chỉ sau đúng một tuần Quyết định số 487/TTg- KG ngày 24/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét, công nhận và tước bỏ các chức danh GS, PGS có hiệu lực, một trong 7.000 người đó đã “lâm nạn”.

 

Thủ phạm hay... nạn nhân?

 

PGS. Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hà Nội, người bị tước chức danh vì đã vi phạm khoản 1 điều 9 trong Nghị định 20 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Một trong những điều khoản của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) đề ra để một ứng viên đạt yêu cầu được phong tặng chức danh GS, PGS đó là có ít nhất một cuốn sách do mình chủ biên để đưa vào giảng dạy.

 

Có lẽ vì yêu cầu này đã “khiến” ông Trịnh Xuân Dũng phạm sai lầm: không trung thực trong việc mang danh chủ biên sách và giáo trình phục vụ cho giảng dạy, học tập, đồng nghĩa với việc giả dối trong khoa học. 3 cuốn sách: "Nghiệp vụ phục vụ buồng trong khách sạn du lịch"; "Hướng dẫn viên du lịch"; "Bar và đồ uống"... đều là sách dịch nhưng ông Dũng đã mang danh để đủ tiêu chuẩn được xét chức danh PGS và đem vào giảng dạy tại Trường CĐ du lịch.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Dũng đã xin lỗi khi phải từ chối trả lời các câu hỏi vì muốn giành thời gian để tĩnh tâm hơn. Khi chúng tôi hỏi  e.mail, ông Dũng đưa một chiếc card bị xé nham nhỏ phần tên và các chức danh, chỉ còn lại một mẩu nhỏ như là hiện diện cho một nỗi buồn khó giấu...

 

Sự im lặng... nhạy cảm!

 

Trong khi dư luận ầm ầm lên án “đại văn xào”, PGS “rởm” thì trong đội ngũ GS, PGS bao trùm là không gian im lặng của... miễn bàn. Nhiều vị GS, PGS đã kiên quyết từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này vì lý do: Nhậy cảm! GS Nguyễn Quý Đức, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một ví dụ. Lúc đầu, ông có nhận lời phỏng vấn nhưng gần như ngay lập tức sau đó, dù nài nỉ thế nào cũng không thể gặp được ông vì ông... đi công tác đột xuất và chưa biết lúc nào mới về!

 

Vụ việc ông Dũng coi như đã xong. Việc ông Dũng làm sai, ông phải chịu. Danh hiệu đã tước mà người mà người bị tước cũng không khiếu nại gì. Tuy nhiên, những người trong cuộc dường như đang ngầm chứa một sự cảm thông mà không thể công khai nói nên lời, bởi họ hiểu đoạn trường ai có qua rồi mới hay... Và chắc đó cũng là nguyên nhân của sự “nhạy cảm” mà nhiều người muốn né tránh.

 

Hậu quả của một cơ chế lỗi thời

 

Đã liên tục mười năm nay, GS. Hoàng Tuỵ luôn than phiền về con đường chức danh GS. Ông cho rằng, đó chỉ là một con đường mà những người tạo lập nó luôn tìm tòi, sáng tạo nhưng thực ra gần đây, nó chẳng “sáng” gì mà ra điều chỉ “tạo” ra nhiều sự phi lý. Và với sự “sáng tạo” oan nghiệt đó, nhiều nhà khoa học lừng danh trên thế giới nếu đăng ký chức danh GS ở VN sẽ bị loại ngay vì không đạt tiêu chuẩn! Các thủ tục và tiêu chuẩn xét tuyển của VN luôn thể hiện một quan niệm khá thô sơ qua các phép tính thống kê về GS, PGS nên đề ra những trình tự nhiêu khê, rắc rối và phiến diện chỉ nhằm phục vụ một quy trình xét duyệt chắng giống ai!

 

Theo GS.Hoàng Tuỵ, tại sao lại cần yêu cầu ứng viên bắt buộc phải có một vài cuốn sách để làm chủ biên? Các tiêu chuẩn phong tặng GS, PGS nước ngoài có các yêu cầu kiểu như thế đâu? Thu hồi chức danh là một thực tế đáng buồn nhưng phải thấy rõ đây là một hậu quả tất yếu cơ chế quản lý hiện nay. Đương nhiên, một GS, PGS tỏ ra không xứng đáng thì cũng nên thu hồi chức danh. Có điều là nếu thực hiện đúng biện pháp này thì phải thu hồi chức danh đến 1/3 GS, PGS hiện có. Cho nên, tôi thấy đề ra việc này có vẻ nghiêm túc chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì!

 

Theo "đà" nhận xét của GS Tuỵ, phải chăng ông Trịnh Xuân Dũng là thủ phạm nhưng có thể cũng chỉ là nạn nhân của một guồng máy bảo thủ và cổ lỗ?

 

Sẽ thay đổi quy trình xét duyệt

 

GS. Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký HĐCDGSNN cho biết:

- Chúng ta không nên đặt ra vấn đề đánh giá chất lượng các GS, PGS vì cho đến nay, chưa có khảo cứu nào về chất lượng đội ngũ GS, PGS, cũng chưa có các tiêu chí để đánh giá chất lượng đội ngũ này. Trên thực tế, chúng ta vẫn coi GS, PGS là các chức danh nên không quy định trách nhiệm và quyền hạn không giao nhiệm vụ cụ thể cho họ thì chưa thể đặt ra vấn đề đánh giá chất lượng.

 

Sự gian dối để có chức danh, nguyên nhân chính xác có phải do hội đồng thiên vị, thiếu trách nhiệm và cả những vấn đề liên quan đến việc chạy chọt khác? Tôi cũng đã từng nghe nói (nhưng không có đủ bằng chứng để kết luận) việc chạy chức danh GS, PGS là có, nhưng tôi cũng không dám khẳng định rằng không có chuyện “chạy” này.

 

GS nói có chuyện chạy chức danh. Vậy, sự chạy này phải chăng chính là sản phẩm của quy trình xét duyệt?

 

Sắp tới, quy trình xét duyệt sẽ thay đổi. Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước không phong hay công nhận các chức danh nữa mà các trường ĐH bổ nhiệm, kèm theo đó là giao nhiệm vụ, xác định rõ quyền lợi, quyền hạn, điều kiện làm việc... của các GS, PGS. Khi đã phân cấp mới có cơ sở rà soát, kiểm điểm những người được phong có thực sự xứng đáng hay không. Hội đồng nhà nước chỉ xét người được bổ nhiệm có đạt tiêu chuẩn, đảm bảo mặt bằng chung của toàn quốc. Sau đó, Hiệu trưởng ĐH sẽ trực tiếp bổ nhiệm.

 

GS Nguyễn Đình Hương, người trực tiếp xác minh vụ việc tước chức danh: Đó là chuyện phải làm

 

“Chuyện tước chức danh của PGS Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là một chuyện phải làm và chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc. Tuy nhiên, theo tôi, việc tước chức danh này cũng chỉ là chuyện rất bình thường vì có phong thì phải có tước. Tôi khẳng định lại: Đây là chuyện bình thường!”

 

 

Mai Minh, Hồng Hạnh

(thực hiện)

Dòng sự kiện: PGS Dũng