Cần rà soát lại chức danh giáo sư, phó giáo sư

Đó là khẳng định của giáo sư, tiến sĩ khoa học Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Sau sự kiện lần đầu tiên một phó giáo sư (ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng Cao đẳng Du lịch Hà Nội) <a href="http://www1.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/4/109807.vip">bị tước bỏ chức danh</a>.

Phóng viên đã có cuộc chuyện trò cùng giáo sư xung quanh vấn đề này.

 

Xin ông cho biết sai phạm cụ thể của ông Trịnh Xuân Dũng dẫn đến việc bị tước bỏ chức danh PGS?

 

Theo nghị định 20 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), ông Dũng đã phạm vào khoản 1, điều 9, tức là đã không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn về đạo đức của nhà giáo. Cụ thể, trong hồ sơ xét công nhận chức danh của ông Dũng có nộp mấy quyển sách do mình chủ biên. Theo đơn tố cáo của quần chúng và sau khi thẩm tra, chúng tôi xác nhận đó là sách dịch. Theo quy định thì sách dịch không được tính điểm.

 

Một sai phạm nghiêm trọng hơn là trong quyển sách đó (chúng tôi tìm được 3 quyển) không đề tên tác giả, không đề tên người dịch, chỉ đề tên ông Dũng là chủ biên. Công văn của Cục Bản quyền đã xác nhận ông Dũng vi phạm quy định về bản quyền của Việt Nam, vi phạm công ước Bern vì không đề tên tác giả gốc, không đề tên người dịch. Việc chỉ đề tên chủ biên là sự lập lờ, không trung thực.

 

Ngay từ năm 2003, khi nhận đơn tố cáo ông Trịnh Xuân Dũng, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã thẩm định, nhưng không đủ bằng chứng kết luận. Đến tháng 12/2004, người tố cáo mới chuyển đến một số quyển sách dịch do ông Dũng làm chủ biên và những nhân chứng, bằng chứng để có thể kết luận.

 

Ông Cát cho biết, sau khi được hội đồng yêu cầu, ông Dũng đã viết một bản tường trình, đề cập đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, trong đó có những giải thích Hội đồng không chấp nhận. Ví dụ ông Dũng nói việc đề tên chủ biên vào quyển sách, hoặc tập hợp tài liệu để nộp vào hồ sơ xét duyệt không phải lỗi của anh. Việc ấy do một nhân viên làm, ông Dũng chỉ ký thôi. Thực chất, làm hồ sơ công nhận chức danh GS, PGS là việc của cá nhân, không phải của cơ quan.

Sau sự việc của ông Dũng, nhiều người đặt vấn đề quy trình thẩm định hồ sơ xét duyệt bổ nhiệm chức danh GS, PGS có kẽ hở, để lọt lưới những người không xứng đáng. Ông nghĩ thế nào về điều này?

 

Đúng là quy định nộp hồ sơ có vấn đề. Đợt 2001 là tiếp tục từ năm 1997, trong quy định chỉ yêu cầu nộp bìa, phụ lục và một chương quyển sách của người đề nghị xét bổ nhiệm chức danh, nên người thẩm định không phát hiện được. Từ năm 2002, hội đồng đã sửa lại quy định là phải nộp toàn bộ quyển sách, có thể bản chụp.

 

Còn việc để lọt thì phải tìm nguyên nhân chính xác là đâu. Nguyên nhân chủ quan có phải do hội đồng thiên vị, thiếu trách nhiệm, ăn hối lộ, tham nhũng? Nguyên nhân thứ hai là khách quan, bản thân đương sự đưa hồ sơ không trung thực. Từ xưa đến nay cũng có một số đơn tố cáo người sắp được bổ nhiệm, hội đồng đã xem xét, nhưng đều không đủ bằng chứng để kết luận là sai. Anh Dũng là trường hợp đầu tiên có đủ bằng chứng xác thực.

 

Với vai trò như trọng tài, xem xét điều kiện công nhận chức danh GS, PGS, Hội đồng cũng phải có trách nhiệm trong trường hợp của ông Dũng?

 

Mỗi người có phạm vi quyền hạn nhất định, hội đồng phải tin vào sự xác nhận của các cơ quan chức năng. Ví dụ về mặt con người, thủ trưởng của cơ quan đã xác nhận là tốt thì mình phải tin, hay quyển sách đã xuất bản thì mình phải tin vào nhà xuất bản, trừ khi có bằng chứng phát hiện tất cả sai phạm để đưa ra công luận, cơ quan thanh tra xem xét lại. Còn hội đồng không có nhiệm vụ thanh kiểm tra lại những đơn tố cáo, xác minh ông hiệu trưởng đóng dấu đỏ xác minh cán bộ của mình đúng hay không. Cái này thuộc vào trách nhiệm của tác giả, trách nhiệm của cá nhân nhà xuất bản.

 

Nhiều người dân phản ánh đã có sự chạy chức danh GS, PGS. Là Tổng thư ký, ông có nghe thông tin này  không?

 

Tôi từng trả lời một cơ quan báo chí rằng chúng tôi có nghe nói, nhưng không có đủ bằng chứng để kết luận việc chạy chức danh GS, PGS là có. Nhưng tôi cũng không dám khẳng định rằng không có chuyện chạy chức danh giáo sư, phó giáo sư.

 

Vậy hằng năm hội đồng có rà soát lại những chức danh mình đã phong?

 

Không thể làm được. Trong chức năng, nhiệm vụ chúng tôi cũng không được phân công. Chúng tôi chỉ làm khi có đơn tố cáo người được bổ nhiệm GS, PGS có sự gian lận, không trung thực.

 

Sắp tới sẽ thay đổi cách làm, tức là Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước không phong hay công nhận các chức danh nữa mà các trường ĐH bổ nhiệm, kèm theo đó là giao nhiệm vụ, xác định rõ quyền lợi, quyền hạn, điều kiện làm việc... của các GS, PGS. Phải có cái này thì mới rà soát, kiểm điểm được những người được phong có làm đầy đủ trách nhiệm của mình, có thực sự xứng đáng. Hội đồng nhà nước chỉ xét người được bổ nhiệm có đạt tiêu chuẩn, đảm bảo mặt bằng chung của toàn quốc. Nếu đủ tiêu chuẩn thì hiệu trưởng ĐH mới được bổ nhiệm.

 

Với tư cách cá nhân, ông có cho rằng cần thiết phải rà soát lại việc bổ nhiệm GS, PGS có hoàn thành được nhiệm vụ?

 

Cái đấy là cần thiết, sau một thời gian ví dụ 3-5 năm. Nếu anh làm tốt thì tiếp tục giữ hàm GS, PGS, nếu không thì cho nghỉ. Giáo sư và phó giáo sư không phải là được phong suốt đời, nó gắn với một công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chứ không hẳn phải là cái danh. Những người không làm công tác này nữa, chuyển sang làm việc khác thì sẽ phải miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, chứ không phải tước bỏ.

 

Theo tinh thần của Luật giáo dục mới có hiệu lực từ năm 2006, nghị định 20 sẽ được sửa đổi, sẽ có quyết định của thủ tướng về việc này.

Người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung sau: có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo, trung thực, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ; có bằng tiến sĩ từ đủ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng; có đủ số công trình khoa học theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước; có báo cáo khoa học tổng quan các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ của cá nhân phù hợp với chuyên ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; đạt số phiếu tín nhiệm của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp.

Ngoài những tiêu chuẩn và điều kiện chung trên, chức danh phó giáo sư có những tiêu chuẩn riêng sau: có ít nhất 6 thâm niên đào tạo đại học hoặc sau đại học, trong đó 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh phó giáo sư đang đào tạo đại học hoặc sau đại học; hướng dẫn chính ít nhất một học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; có đủ số bài báo khoa học đã được công bố theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên với kết quả nghiệm thu ít nhất là đạt yêu cầu; sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho lĩnh vực chuyên môn.

(Trích Nghị định số 20/2001 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư)

 

 

 

Theo Hồng Khánh

Vnexpress

Dòng sự kiện: PGS Dũng