Chán môn Văn, học sinh không viết nổi lá đơn thường

“Con tôi hỏi các môn Toán, Lý, Hoá chỉ yêu cầu thuộc công thức để giải những bài tập mới nhưng tại sao môn Văn cứ hết hỏi “Chí Phèo”, “Sóng” rồi đến “Vợ nhặt”…” - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Bùi Mạnh Nhị chia sẻ với tư cách là một phụ huynh có con đang học phổ thông.

Học sinh yêu Văn hơn với hoạt động sân khấu hóa tác phẩm
Học sinh yêu Văn hơn với hoạt động sân khấu hóa tác phẩm.


Học sinh sẽ reo hò nếu không phải thi Văn

Tình trạng học sinh chán học Văn cùng với sự thay đổi chậm chạp ở bộ môn này khiến nhiều thầy cô giáo lo ngại môn Văn sẽ mất dần khả năng ứng dụng trong thực tế. Ví dụ điển hình là có trường hợp học sinh tốt nghiệp THPT không viết nổi lá đơn thông thường.

TS Chu Văn Sơn, Khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội lo ngại: “Môn Văn có đi vào vết xe đổ của môn Lịch sử khi có 1 năm không thi tốt nghiệp môn này, học sinh đã xé vở ôn thi rải trắng sân trường. Nếu không ngăn chặn tình trạng chán Văn, giả định nếu không thi tốt nghiệp môn Văn, học sinh có thể còn hò reo to hơn thế" - TS Chu Văn Sơn nhấn mạnh.

“Chúng ta đang dạy và học môn Văn trong tình trạng đầy nghịch lý. Chưa bao giờ người dạy văn được trang bị nhiều kiến thức, nhiều phương pháp hiện đại và có được sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin như bây giờ. Đáng ra, chất lượng học Văn phải tốt hơn, tình yêu của học trò với môn Văn phải cao hơn nhưng thực tế là chưa bao giờ học sinh Việt Nam lại chán học Văn như bây giờ” - TS Chu Văn Sơn nhận định.

Nguyên nhân được TS Chu Văn Sơn chỉ ra là các môn khoa các môn học tự nhiên được ưu tiên hơn xã hội. Nhu cầu giải trí với công nghệ nhiều hơn làm văn hoá đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học Văn. “Tôi chắc chắn nhiều thầy cô dạy Văn không định hướng cho con vào ngành này bởi nó không hứa hẹn nhiều về đời sống” – TS Chu Văn Sơn khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là học sinh không chán Văn nói chung mà chỉ chán Văn trong nhà trường. Vậy, tình trạng chán môn Văn trong trường học phải do nhà trường chịu trách nhiệm. 

Không để “thiếu lửa” giờ học Văn

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, cách ra đề, đánh giá môn Văn hiện nay trong nhà trường đang hạn chế sự sáng tạo của cả thầy lẫn trò. Việc quanh quẩn với những tác phẩm trong sách giáo khoa là nguyên nhân đẻ ra văn mẫu.  

“Cùng chấm thi, 1 giám khảo khen cho 9 điểm nhưng tôi chỉ cho 5 vì tôi đã từng luyện thi, biết bài nào là bài mẫu. Con tôi cũng tâm sự, khi được ra đề mở, con rất say mê, tự tìm tòi tư liệu nhưng bài kiểm tra nào bám theo hướng dẫn của giáo viên thì con rất khổ sở vì bài thường đồng dạng” – ông Bùi Mạnh Nhị cho biết. Phân tích về cách ra đề cũ kỹ của môn Văn, nhiều thầy cô đồng tình, lâu nay, thi môn Văn cứ yêu cầu học sinh phân tích nhân vật, đoạn thơ, đoạn văn ở nhiều tác phẩm khác nhau. Đó là vì không có đề thi phát huy sáng tạo như cho học sinh tái tạo nhân vật theo ý tưởng hiện đại của mình, đoán định đường đi, cấu trúc lại nhân vật đó…

Đưa ra định hướng đổi mới môn Văn phổ thông, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, các chương trình giáo dục tiên tiến đều đề cao tính công cụ của các môn học. Trên nền đó, học sinh có năng khiếu, say mê ở lĩnh vực nào sẽ nâng cao ở lĩnh vực đó. Môn Văn giúp học sinh hình thành năng lực giao tiếp và năng lực tiếp nhận văn bản (đọc, nghe, tạo văn bản viết và nói). Môn Văn phải hướng tới trang bị cho học sinh khả năng viết các loại văn bản với đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, mục đích giao tiếp khác nhau… Theo ông Đỗ Ngọc Thống, đây là nền tảng cốt lõi mà người lao động nào cũng nên có. 

TS Chu Văn Sơn phân tích, ngoài  thay đổi đề thi, cách thức kiểm tra, để học sinh yêu Văn hơn, cần điều chỉnh đồng bộ ở nhiều khâu. Cần lưu ý, môn Văn không chỉ có chức năng thông tin mà còn có tính hình tượng, thẩm mỹ, nhân văn... Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng truyền thụ của giáo viên.

“Tôi rất băn khoăn là tâm của người dạy Văn lúc này đã đi theo hướng sa sút và số giáo viên say mê với nghề ngày một ít. Lòng thầy cô không có lửa thì làm sao học sinh yêu Văn. Nhiều tiết dạy Văn ở trường rất thiếu chất Văn” - TS Chu Văn Sơn khẳng định. 

Theo Vinh Hương
An Ninh Thủ Đô