Cha mẹ độc hại: Nữ sinh bật khóc vì bị chính mẹ ruột miệt thị ngoại hình
(Dân trí) - Cha mẹ độc hại (toxic parents) được hiểu là các bậc phụ huynh có xu hướng làm tổn thương con cái của họ bằng lời nói và hành vi tiêu cực.
Theo trang Healthline, "cha mẹ độc hại" không phải một thuật ngữ y học hay một khái niệm được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, cụm từ "cha mẹ độc hại" thường được dùng để chỉ các bậc phụ huynh luôn khiến con cái cảm thấy tội lỗi, sợ hãi hoặc áp đặt một nghĩa vụ nào đó lên con cái của họ.
Các bậc phụ huynh độc hại thường có xu hướng hợp thức hóa những hành động và lời lẽ tiêu cực của họ. Thậm chí, ngay cả khi họ biết điều họ đang làm với con cái là không đúng, họ vẫn sẽ không xin lỗi và biện minh bằng câu nói: "Thương cho roi cho vọt".
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có cha mẹ độc hại thường phải chịu rất nhiều áp lực về mặt tinh thần. Nếu sự độc hại đó tiếp diễn trong một thời gian dài, chúng có thể bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Tôi bị miệt thị ngoại hình bởi mẹ của mình
P.T.T (đang học đại học tại Hà Nội) là một người mắc chứng béo phì. Mặc dù đã nỗ lực giảm cân bằng nhiều phương pháp khác nhau, cân nặng của bạn vẫn không cải thiện.
T.T tâm sự: "Em nghĩ rằng việc bị body shaming (miệt thị ngoại hình) là điều mà bất cứ ai có vấn đề về cân nặng sẽ phải đối mặt. Nhưng điều khiến em tổn thương nhất là mình lại nghe những lời lẽ đó từ chính mẹ của mình.
Người ta nói, nhà là nơi bảo vệ, che chở mình khi mình gặp khó khăn. Thế nhưng, mình chưa bao giờ được bảo vệ trong chính ngôi nhà của em. Mọi người có thể sẽ nghĩ mình nghiêm trọng hóa vấn đề nhưng nếu ở trong hoàn cảnh của em, chắc ít người chịu được".
Bạn T. kể rằng có lần bạn lấy hết can đảm, đăng một tấm hình lên mạng xã hội. Trong khi tất cả bình luận của bạn bè đều là những lời khen ngợi theo hướng tích cực thì mẹ bạn chỉ để lại một bình luận khiến bạn hụt hẫng: "Xóa đi!".
"Em có hỏi mẹ rằng vì sao mẹ lại muốn mình xóa tấm ảnh đó đi thì những gì mình nhận lại là những câu như "Có đẹp đẽ gì đâu mà khoe ra?", "Mặt to như cái thớt đăng lên cho thiên hạ cười chê à?" và "Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi".
Đối với em, những lời nói lúc đó của mẹ có sức sát thương cực lớn và em đã có suy nghĩ này trong một khoảng thời gian khá dài: Đến cả mẹ còn không chấp nhận mình thì còn ai có thể chấp nhận được?", T.T trải lòng.
Suy nghĩ đó lớn dần, khiến T.T ngày càng tự ti, mặc cảm về ngoại hình của bản thân. Bạn không còn đăng tải bất cứ tấm ảnh nào trên mạng xã hội, dần thu mình lại và không dám gặp gỡ hay làm quen với những người khác giới.
Những gì mà bạn P.T.T trải qua chỉ là một trong số những hậu quả của việc sống chung mái nhà với các bậc phụ huynh độc hại. Miệt thị ngoại hình, hay khái quát hơn là bạo lực ngôn từ, là một dấu hiệu rõ ràng của toxic parents (cha mẹ độc hại).
Im lặng không phải cách giải quyết
"Em đã sống chung với việc bị mẹ chửi mắng, miệt thị ngoại hình trong một thời gian dài. Lúc đầu, em chỉ biết im lặng, tự nhốt bản thân trong phòng và khóc. Mẹ biết, nhưng mẹ không bao giờ xin lỗi.
Thế nhưng sự uất ức của em đã lên đến đỉnh điểm vào ngày anh trai em kết hôn. Hôm đó đã là một ngày rất vui đối với em, cho đến khi cả nhà chuẩn bị đi rước dâu.
Mình đã đắn đo rất nhiều về việc nên mặc như thế nào trong đám cưới của anh. Cuối cùng, em quyết định may một bộ váy. Khi mình mặc bộ váy đó và đi ra ngoài, mẹ đã hét lên "Mày có bị điên không mà ăn mặc như thế? Vào thay quần áo ngay!", trước mặt tất cả họ hàng và bạn bè của anh trai em", T.T nhớ lại.
Ngay lúc đó, T.T đã bật khóc và quyết định không đi rước dâu cùng cả nhà. T.T tâm sự: "Em biết là ngoại hình của mình không đẹp đẽ, nhưng em luôn cố gắng giảm cân từng ngày và em cũng có quyền mặc những gì mình thích".
"Em nhận ra rằng im lặng không phải cách giải quyết. Sau đó, em chờ đám cưới của anh xong xuôi và yêu cầu cả nhà ngồi lại để nói chuyện với nhau. Em đã nói ra hết tất cả suy nghĩ và cảm xúc của mình khi bị chính người thân chê bai ngoại hình, rằng em đã tổn thương thế nào, mặc cảm thế nào.
Em cũng thẳng thắn yêu cầu mẹ xem lại cách góp ý về ngoại hình của em. Mặc dù mẹ muốn tốt cho em nhưng cách nói lại khiến em thấy tổn thương hơn là được yêu thương.
Ban đầu, mẹ chỉ im lặng. Sau khi nghe bố và anh trai mình nói rằng nếu mẹ tiếp tục cư xử như thế sẽ chỉ khiến hai mẹ con càng ngày càng xa cách, mẹ dường như đã hiểu ra.
Sau ngày hôm đó, những lời lẽ khó nghe của mẹ về ngoại hình của em ít dần, thay vì chửi mắng thì mẹ bắt đầu mua cho em ngũ cốc, thức ăn giảm cân và đốc thúc em tập thể dục", T.T chia sẻ.
Cách để "đối phó" với cha mẹ độc hại
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình, rất khó để thay đổi hành vi của các bậc phụ huynh độc hại. Thay vào đó, những ai trong hoàn cảnh này có thể thử thiết lập một ranh giới giữa với cha mẹ.
Theo tiến sĩ tâm lý học Chivonna Childs, cha mẹ sẽ không tự nhiên thay đổi hay bớt "độc hại". Do đó, bạn có thể sẽ cần phải tránh xa họ một thời gian để tự chữa lành, mặc dù điều đó có thể sẽ rất khó khăn.
"Việc tạo ra một ranh giới là điều bạn cần phải làm, không chỉ với cha mẹ, mà với bất cứ ai có xu hướng độc hại trong cuộc sống của bạn. Bạn cần phải thể hiện cho họ thấy cư xử thế nào là phù hợp và thế nào là không.
Bạn có thể tâm sự với một người bạn đáng tin cậy khi bạn quyết định đặt ra những ranh giới. Họ có thể hỗ trợ bạn về mặt cảm xúc để bạn có thêm động lực duy trì ranh giới của bạn", bà nói.
Việc đặt ra một ranh giới với cha mẹ không có nghĩa là bạn sẽ không có bất cứ sự tiếp xúc nào với cha mẹ của mình trong cuộc sống của bạn. Điều đó chỉ đơn giản là bạn cần có không gian riêng, cả về mặt thể chất và tinh thần.
Do đó, khi đã quyết định thiết lập một ranh giới với cha mẹ, hãy mạnh mẽ và thẳng thắn nói với họ nếu họ có dấu hiệu vượt qua ranh giới đó.
Ngoài ra, tiến sĩ Childs cũng nhấn mạnh rằng: "Bạn nên tập trung vào chính mình trong quá trình tự chữa lành và tự giải thoát khỏi phụ huynh độc hại. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn là nguyên nhân của vấn đề và cảm thấy tội lỗi khi tạo ra ranh giới với cha mẹ mình bởi bạn không có lỗi".