"Chuyện gì đã xảy ra khi tôi nói bạn gái là béo?"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Khi bạn gái tôi mặc thử váy mới và soi gương, cô ấy hỏi tôi là bộ váy có khiến cô ấy trông mập hơn không. Câu trả lời của tôi đã khiến cô ấy xịu mặt xuống", chàng trai tâm sự.

Một chàng trai chia sẻ: "Vào năm cuối đại học của tôi, trong một lần lên mạng, tôi đã bắt gặp một hình ảnh thay đổi suy nghĩ của tôi theo đúng nghĩa đen. Đó là bức ảnh một con lợn biển đang ngượng ngùng lấy tay che miệng kèm dòng chữ: "Bạn không béo, bạn rất đẹp... Thực ra là bạn vừa béo, vừa đẹp".

Đột nhiên, tôi nhận ra rằng một người có thể vừa béo vừa xinh đẹp, béo và thành công, béo và thông minh, béo và đáng yêu.

Vài ngày sau đó, bạn gái của tôi đứng trong phòng tắm thử một chiếc váy mới. Cô ấy hỏi tôi: "Anh yêu, bộ váy này có làm em trông mập hơn không?".

Tôi vẫn nhớ tới hình ảnh tôi đã thấy trên mạng. Vì vậy, thay vì nói: "Không, em yêu, trông em không béo," tôi đã hét lên: "Em béo và đẹp".

Trong một khoảnh khắc, bạn gái tôi đã im lặng. Sau đó, khuôn mặt của cô ấy xịu xuống và cô ấy lầm bầm: "Em không thể tin rằng anh vừa nói điều đó".

Tôi nhận ra rằng, "béo" đối với bạn gái tôi vẫn là một thuật ngữ tiêu cực. Vào thời điểm đó, bạn gái của tôi chưa biến "béo" thành một thứ gì đó tích cực và mạnh mẽ. Và khi tôi - người được cho là yêu cô ấy nhất - hét vào mặt cô ấy là cô ấy béo, hiển nhiên cô ấy dễ dàng bị tổn thương.

May mắn thay, một lời xin lỗi, một cái ôm và một nụ hôn đã khiến tình hình của chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn.

Giờ đây chúng tôi không còn yêu nhau nữa nhưng chúng tôi vẫn thi thoảng gặp nhau và trong thời gian qua, bạn gái tôi đã đi theo phong trào nhìn nhận tích cực về cơ thể.

Cách đây vài tuần, chúng tôi ngồi ăn tối và nói chuyện về công việc thì cô ấy nói: "Anh biết em thích gì không? Đồ ăn". Tôi đã trả lời vui vẻ: "Đó là bởi vì em béo".

Lần này, cô ấy chỉ cười, gật đầu và nói: "Ừ, đúng vậy".

Chuyện gì đã xảy ra khi tôi nói bạn gái là béo? - 1

Nhiều cô gái cảm thấy tổn thương khi bị nhận xét là béo (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Sonya Renee Taylor, tác giả nổi tiếng người Mỹ với cuốn sách bán chạy mang tên Cơ thể không phải là lời xin lỗi, nhà hoạt động tập trung vào vấn đề giải phóng cơ thể, công bằng chủng tộc, cho biết: "Béo gầy cũng chỉ như cao hay thấp mà thôi. Chúng ta cần cho phép cơ thể tồn tại mà không đặt chúng vào một hệ thống phân cấp xác định cơ thể nào tốt và cơ thể nào xấu".

Thật tiếc khi xã hội đã tạo ra những hàm ý tiêu cực cho từ "béo" - bắt nguồn từ ý tưởng rằng có nhiều hơn một lượng chất béo nhất định sẽ khiến một người không khỏe mạnh. Nhiều người nghĩ rằng béo có thể đồng nghĩa với xấu xí, ngu ngốc, lười biếng... 

Các chuyên gia nói rằng các thế hệ phụ nữ lớn tuổi cũng có tác động quan trọng đến cách một cô gái trẻ nhìn nhận cơ thể của mình. Ngay cả khi mọi người chỉ nhận xét tiêu cực về cơ thể của chính họ nhưng điều đó vẫn dựa trên quan niệm rằng "béo" là một từ xấu.

Ví dụ một bà mẹ thường xuyên soi gương và than thở: "Trời ơi, tôi béo quá", điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con gái của người đó trong quan điểm về ngoại hình.

Virgie Tovar, thạc sĩ, nhà văn, nhà hoạt động vì sự tích cực của cơ thể, nói: "Trong một thời gian dài, tôi nhìn nhận từ "béo" theo hướng tiêu cực. Cuối cùng tôi đã nhận ra rằng bản thân từ này vốn không gây khó chịu mà cách chúng ta sử dụng nó mang hàm ý khó chịu".

Vấn đề ở đây là: Tất cả chúng ta đều phải tự quyết định cảm giác, ý nghĩa của những từ như "béo". Với một số người, từ "béo" vẫn chứa đựng những điều tiêu cực nhưng đã có những người chọn cách nhìn nhận nó một cách trung lập hoặc tích cực. 

Hiện tại phong trào tích cực về cơ thể đang được nhiều người ủng hộ. Đó là một phong trào xã hội tập trung vào việc chấp nhận mọi cơ thể, bất kể kích thước, hình dạng, màu da, giới tính và khả năng thể chất, đồng thời thách thức các tiêu chuẩn sắc đẹp xưa cũ.

Những người ủng hộ phong trào tích cực về cơ thể tập trung vào việc đánh giá cao chức năng và sức khỏe của cơ thể con người, thay vì vẻ bề ngoài.

Theo Refinery

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm