Cần tổng kết đánh giá mô hình Trường Thực nghiệm
(Dân trí)-Với sự kiện phụ huynh xô đổ cổng trường thực nghiệm khi chen chúc mua đơn dự tuyển vào trường, ngôi trường này lại càng được dư luận quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao đã qua ba chục năm rồi mà vẫn thực nghiệm, “không biết người ta còn thực nghiệm đến bao giờ”?
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia giáo dục về mô hình trường thực nghiệm.
Trao đổi với Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Việc phụ huynh thức đêm xếp hàng mua đơn cho xin học tiểu học cho con ở trường thực nghiệm xảy ra nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới xảy ra hiện tượng này vì điều kiện cơ sở vật chất tốt, ăn ở, dạy dỗ học sinh có nề nếp nên được nhiều phụ huynh thích. Trước đây, chương trình thực nghiệm này đã được tổng kết nghiệm thu một lần. Đó là thời kỳ tôi còn làm chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu mô hình thực nghiệm này, Hội đồng chỉ đồng ý cho thử nghiệm chương trình Toán tiểu học, các chương trình khác không được đồng ý. Sau đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các chương trình phải quay về chương trình chung. Do đó, một thời gian trường thực nghiệm dạy theo chương trình chung của Bộ. Đến khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì lại cho thực hiện thí điểm mô hình này tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Theo tôi cần có sự tổng kết, đánh giá mô hình này. Nếu tốt thì mở ra, không tốt thì đóng lại”.
“Quan điểm của tôi, cả nước chỉ cần một chương trình học và có nhiều bộ sách giáo khoa còn hay hơn là nhiều chương trình khó quản lý về chất lượng” - GS Dong cho hay.
Đồng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ với báo chí: “Hiện Bộ GD-ĐT chưa có đánh giá cụ thể mang tính khoa học xem hay ở chỗ nào, dở chỗ nào nên chưa thể mở rộng mô hình này. Vì thế cho nên Bộ Giáo dục chưa có chủ trương rõ là như vậy”.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, việc chưa có được đánh giá khoa học của mô hình thực nghiệm có nhiều nguyên nhân, về cơ bản trong việc nghiên cứu khoa học giáo dục chúng ta chưa thực hiện liên tục, chưa theo dõi được vấn đề và chưa đi đến cùng.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT khẳng định: “Chương trình thực nghiệm được áp dụng bởi nhiều tính tích cực của phương pháp giáo dục như: tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sách tạo của học sinh... Tuy nhiên sẽ không thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm”.
Trong khi đó, qua trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Kha - Viện trưởng Viện Giáo dục, cơ quan quản lý trực tiếp trường Thực nghiệm, cho biết: Viện chưa đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc nhân rộng mô hình của trường này vì thực nghiệm giáo dục khác với thực nghiệm khác, “dạy người” là vấn đề phức tạp. Trên cơ sở thực nghiệm của Viện thì Bộ cũng đã cho phép nhân rộng từng bước mô hình công nghệ giáo dục, trước hết là với môn tiếng Việt lớp 1.
Theo ông Kha, không thể ào ào triển khai đại trà được, những gì đưa vào thực nghiệm phải có tổng kết, đánh giá một cách khoa học chứ không phải chỉ bằng cảm tính. Khi chỉ là mô hình của một trường thì sẽ rất khác khi áp dụng đại trà, chỉ có thể tốt nếu điều kiện để thực hiện nó (giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức...) phải tương ứng.
Theo báo Tuổi Trẻ, từ năm 1978, GS Hồ Ngọc Đại đã sáng lập Trung tâm công nghệ giáo dục để nghiên cứu về công nghệ giáo dục. Và, Trường PTCS Thực nghiệm tại Hà Nội được GS Hồ Ngọc Đại với cộng sự lập nên nhằm áp dụng công nghệ giáo dục đối với môn học tiếng Việt.
Đến năm 2008, trường được chuyển về trực thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục theo mô hình liên cấp tiểu học, THCS. Sau hơn 30 năm hoạt động, trong những năm gần đây, Trường PTCS Thực nghiệm quay lại dạy theo chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT, chỉ một nhóm lớp học sinh được tiếp tục áp dụng công nghệ giáo dục với mục đích phục vụ việc nghiên cứu của Bộ GD-ĐT.
Hồng Hạnh (tổng hợp)