Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến “độ nóng” tuyển sinh

(Dân trí) - Khi được hỏi về Trường Thực nghiệm, nhiều phụ huynh có chung câu trả lời: “Tôi nghe nói tốt lắm, học mà cứ như chơi vậy. Bên cạnh đó chi phí học tập lại khá mềm”. Sự thật đúng như vậy nhưng ẩn chứa sau đó còn nhiều điều mà không phải ai cũng hiểu.

Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến “độ nóng” tuyển sinh
Phụ huynh chờ đợi để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm. (Ảnh: Nhân Hà)
 
Sự khác biệt đến từ…cơ chế

Nhìn tổng thể chung thì Trường Thực nghiệm cũng chẳng khác gì các đơn vị công lập khác. Bắt đầu từ năm 2002 trường cũng tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục đại trà. Hiện tại chỉ có duy nhất ở bậc tiểu học trường đang thực hiện hai chương trình song song đó là giáo dục đại trà và giáo dục công nghệ.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thầy Lê Kim Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm khác biệt nhất so với các trường khác đó là cách thức tổ chức hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên (GV) không tạo áp lực cho HS nên dẫn đến xóa sổ tình trạng dạy thêm học thêm”.

Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao mô hình đơn giản như vậy mà không nhân rộng, các trường công lập gặp khó khăn gì khi triển khai? Những người trong cuộc khi đi tìm hiểu sẽ không khó để phát hiện ra: Nhân rộng không đơn giản bởi không chỉ có sự tâm huyết của thầy cô mà cần cả một cơ chế rộng mở. Sở dĩ Trường Thực nghiệm có được thành công cũng nhờ yếu tố “may mắn”.

Trước tiên vào thời điểm hiện tại, trường trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) nên cơ cấu về nhân lực, tỷ lệ GV/lớp hoàn toàn khác biệt so với trường công. Nếu như ở trường công bình thường, thực hiện theo Thông tư 35 thì chỉ rơi vào 1,5 GV/lớp thì ở Trường Thực Nghiệm, con số này là 1,9. Ngoài ra, ngay ở bậc tiểu học nhà trường đã áp dụng việc phân bộ môn giống như cấp THCS, nghĩa là mỗi GV chỉ phụ trách một lĩnh vực để đi chuyên sâu chứ không như ở trường tiểu học khác là phân thành GV văn hóa, xã hội, tự nhiên…

Sở dĩ trường được cơ chế như vậy bởi vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo sự chỉ đạo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và sự phối hợp chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình. Trong năm học 2010-2011, trường thực hiện dạy theo chương trình công nghệ giáo dục ở một nửa số lớp các khối 1, 2, 3 các môn Tiếng Việt, Toán, toàn bộ các khối với môn Giáo dục lối sống, từ lớp 2 đến lớp 5 với môn Tiếng Anh. Trường cũng thực hiện những đề tài nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong các giờ học theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, GV dạy chương trình Giáo dục công nghệ cũng tham gia vào giáo dục đại trà nên đã có sự lồng ghép tạo cách học phong phú và hiệu quả hơn. Mặc dù hai chương trình này có sự khác biệt nhưng ở ở trường GV toàn là những người học chuyên sâu, có trình độ cao… nên không khó để kết hợp.

Ngoài ra cũng có một thực tế mà ai cũng có thể hiểu là Trường Thực nghiệm không chịu “sức ép” từ những con số thành tích. Chẳng phải chạy đua với ai để xếp hạng, chẳng có sức ép nào từ đơn vị quản lý về tỷ lệ khá, giỏi…Bởi điều quan trọng nhất ở đây đó là kết quả của sự…thử nghiệm. Trong khi đó trường công, thậm chí là ngoài công lập, luôn chạy đua để nâng cao các chỉ số để khẳng định thương hiệu của mình. Quan trọng hơn cả là có con số “đẹp” để báo đơn vị quản lý.

Tuyển sinh nóng: Đâu phải mỗi vì chất lượng

Chứng kiến hình ảnh phụ huynh chen lấn nhau mua đơn dự tuyển khiến nhiều người sẽ nghĩ: Trường thực nghiệm là số 1! Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là vậy. Ở Hà Nội có nhiều trường công nếu được tuyển sinh theo cái cách của trường Thực nghiệm thì “độ nóng” có khi còn cao hơn rất nhiều.
 
Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến “độ nóng” tuyển sinh
Phụ huynh chen nhau vào cổng trường Thực Nghiệm sáng 13/5/2012 khi cổng vừa được mở ra. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Được tuyển sinh từ rất sớm, vùng tuyển lại cả địa bàn Hà Nội nên chuyện phụ huynh đổ xô đến cũng là điều dễ hiểu. Không ít người khi được hỏi đều bộc bạch: “Muốn cho con thử sức, không được thì về trường công đúng tuyến. Có thêm cơ hội tại sao lại không tham gia”.

Trong khi đó những năm qua chỉ mỗi vấn đề tuyển sinh trái tuyến ở các trường công ở Hà Nội cũng khiến nhiều người "choáng váng". Qua đó cho thấy, nếu mở rộng vùng tuyển thì nhiều trường công có kém gì Trường Thực nghiệm trong những ngày qua. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Mô hình dạy học nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Trường Thực nghiệm cũng không phải là ngoại lệ. Bản thân các trường ở Hà Nội cũng đến học hỏi mô hình và chắt lọc những ưu điểm để áp dụng”.

“Đã có không ít hội thảo bàn về vấn đề này mà vẫn chưa có lời giải đáp về mô hình này. Chúng ta nên hiểu không phải tự nhiên mà trường giữ tên Thực nghiệm hàng chục năm nay” - vị hiệu trưởng này nói.

Trả lời báo chí, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho biết: Trường Thực nghiệm là nơi thử nghiệm những chương trình giáo dục, những cái hay, mới của các nhà nghiên cứu giáo dục, phần nào đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên được người dân ưa chuộng.

Vâng, nếu quả đúng là như vậy thì con em những người mà những ngày qua phải vật lộn “thâu đêm” để kiếm lá đơn dự tuyển vào lớp 1 có khác gì là công cụ “thí nghiệm” của những nhà nghiên cứu. Bởi vậy, phụ huynh cần nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định về nơi cho con theo học. Đừng nhìn vào những thành tích của các cá nhân từng học ở Trường Thực nghiệm như GS Ngô Bảo Châu… để đặt quá nhiều kỳ vọng vào con em mình.

 

Sau khi nhận đơn dự tuyển, Trường Thực nghiệm sẽ tiến hành đo nghiệm các chỉ số trong đó có cả tiêu chí về sức khỏe, kiểm tra khả năng nhận biết của trẻ. Nhà trường sẽ chọn 140 trẻ đủ yêu cầu cho vào học lớp 1. Số trẻ này sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm học chương trình đại trà và một nhóm học chương trình Giáo dục công nghệ. Sở dĩ tách nhóm như vậy là nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện.

 

N.H.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm