Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?

(Dân trí) -Theo dư luận đánh giá, Trường Thực nghiệm có cách giảng dạy khác lạ nên tạo cảm giác HS học mà như chơi. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng vì trường có môi trường học thoải mái nên dường như cái “nết” của trẻ đã có sự sai lệch so với chuẩn.

Trẻ thiếu sự “rèn nết”

Đã không ít lần chúng tôi ghé thăm trường Thực nghiệm nhưng dường như chưa lần nào một HS cấp tiểu học nào cất lời “chào cô, chào chú”. Có người sẽ nói: “Chuyện thường tình ấy mà, cứ để cho trẻ tự nhiên”. Vâng, cũng là trẻ nhưng ở các trường tiểu học khác ở Hà Nội lại rèn được cái nết: “Thấy người lớn tuổi phải chào hỏi”. Mà chẳng phải ở bậc tiểu học mà ngay mẫu giáo, nết này đã được rèn, ấy vậy mà HS Trường Thực Nghiệm lại quên!

Nhiều HS lớp 7 trường THCS Thực Nghiệm nhận xét: ở trường bọn em không bị áp lực. Thầy cô thì quan tâm, giúp đỡ gần gũi với HS. Tuy nhiên các em này cũng thừa nhận sau khi học xong ở trường thì gia đình đã yêu cầu con mình đến với lớp học thêm.

Sáng nay, sau khi được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi được mời tham dự một tiết dạy theo chương trình giáo dục công nghệ của HS lớp 1. Khác với trường công khác là thấy cô và khách thì HS đứng dậy chào, các em Trường Thực Nghiệm chỉ biết ngồi và “buôn chuyện”. Chỉ đến khi cô giáo yêu cầu thì lớp trưởng mới đứng lên nhắc các bạn HS thực hiện “lễ nghi” chào hỏi.

Mặc dù biết rằng giờ là thời điểm cuối năm học, công tác thi cử đã xong nên HS “xả hơi”. Tuy nhiên, cái cảnh cô giảng bài trên bảng mà ở dưới trò quay ngang, quay dọc nói chuyện cũng thật khó coi. Thậm chí, còn có em gác chân lên ghế. Khi cô hỏi thì nhao nhao xung phong trả lời khiến ai chứng kiến cũng phải giật mình. Có thể vì có “khách” nên cô không nặng lời mà chỉ đưa ra lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Không biết khi không có khách thì lớp học sẽ ra sao?
 
Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?

Quang cảnh một tiết học của HS lớp 1 trường Thực Nghiệm.

Phương châm giáo dục của Trường Thực nghiệm là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả hoạt động đều gắn với lợi ích của HS. Xây dựng một nhà trường thân thiện, HS được học và phát huy tốt các khả năng học tập của mình. Xây dựng mối quan hệ thầy trò gần gũi thân thiện, sự đoàn kết gắn bó giữa HS với nhau, để thực sự Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, để đối với học sinh, Đi học là hạnh phúc”. Tuy nhiên từ thực tế đến phương châm này dường như đang có sự “khấp khểnh”.

Không gây áp lực học tập cho trẻ

Điều chúng tôi cảm nhận được khi tham dự tiết học theo phương pháp giáo dục công nghệ đó là sự cởi mở giữa cô và trò. Không xuất phát điểm từ những kiến thức nặng nề mà GV bắt đầu từ mức độ nhẹ nhàng thông qua các câu đố vui để qua đó xây dựng bài học.

Cô Nguyễn Bạch Yến, GV dạy lớp 1, người đã từng tham dạy cả chương trình Giáo dục đại trà và Giáo dục công nghệ tâm sự: “Tôi thấy dạy cả hai chương trình không có gì là khó, quan trọng vẫn là cách truyền đạt tới HS cũng như không gây áp lực học hành cho trẻ”.
 

“Phụ huynh trường Thực nghiệm đúng là có hai luồng quan điểm, mình biết rất nhiều mẹ chỉ muốn cho con chuyển trường ra. Các bạn ấy viết chữ xấu, ẩu kinh khủng luôn... Điều cốt lõi là bố mẹ phải biết rõ phương pháp giáo dục của trường rồi hãy quyết định có nên chọn trường đó cho con không”. -  Người gửi:  Đào Lan, email:  dlllq@yahoo.com 

Giải thích về việc nhiều bậc phụ huynh có con học trường công khi học chương trình đại trà kêu nặng và khó, cô Yến phân tích: Chúng ta hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy rõ, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con học trước chương trình. Khi vào học do biết trước nên nhiều trẻ có phần lơ là, mất tập trung nên cô đành phải ra bài ở mức độ khó hơn để các em phải chú ý học tập. Về nhà xem sách vở của con thấy bài khó thì phụ huynh lại tiếp tục cho con đi học thêm để nâng cao trình độ. Guồng quay nó cứ như vậy.
 
Một điều đặc biệt ở Trường Thực nghiệm là không bao giờ “chê” mà giáo viên chỉ “khen” và động viên trẻ. Chẳng hạn như khi một trẻ viết sai lỗi chính tả quá nhiều, thậm chí chữ còn xấu thì giáo viên nhận xét: Chữ viết khá đẹp nhưng bài làm còn sai nhiều. Em cần tập đọc nhiều hơn”.
 
Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?

Giáo viên Trường Thực Nghiệm không bao giờ "chê" HS mà chỉ "khen" HS.
 
Bên cạnh đó, việc Trường Thực Nghiệm được ưa chuộng cũng xuất phát sự sáng tạo của GV khi tạo ra sự kết nối giữa phụ huynh và con em họ. Nói Trường Thực nghiệm không ra bài tập cho HS tiểu học thì có phần không đúng. Thực tế trường vẫn ra bài tập nhưng dưới hình thức là nhắc nhở trẻ và tạo cho trẻ thói quan yêu cầu phụ huynh cũng tham gia. Ví dụ như, em cần học thuộc các bảng cộng, bảng trừ đã học để tính nhẩm tốt hơn; Em nhờ bố mẹ cho em dạng bài A sau đó em tự làm…
 
Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?

Một kiểu ra bài tập về nhà sáng tạo cho HS lớp 1 của GV Trường Thực nghiệm.

Các phương pháp này nói là mới thì cũng đúng vì hầu hết các trường công chưa thực hiện được nhưng “độc” thì không phải. Không khó để triển khai nhưng có lẽ trường công gặp khó bởi nguyên nhân xuất phát từ phía nhu cầu phụ huynh.

Cô giáo L.T.V.A - GV Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) cho biết: “Khi không ra bài tập về nhà thì phụ huynh có khi lại lên trường thắc mắc và còn yêu cầu giáo viên phải ra bài. Theo tôi dù phụ huynh có yêu cầu thì thầy cô cũng chỉ giao bài ở mức độ vừa phải bởi HS khi học 2 buổi/ngày đã được “nạp” đủ kiến thức”.
 

Hoạt động giáo dục của trường Thực nghiệm như thế nào?

 

Trả lời riêng với Dân trí, bà Lê Thị Mai Hương - Phó hiệu trưởng Trường Thực nghiệm cho biết: khâu tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường chủ yếu qua các bước sau. Thứ nhất về mặt hoạt động quản lí thì phân cấp chịu trách nhiệm từng khâu, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận: Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn, tổ chủ nhiệm... và có sự liên hệ chặt chẽ với hội cha mẹ HS trường. Thứ hai là về mặt hoạt động giáo dục thực hiện theo đúng chương trình được triển khai, không quá tải, không dạy thêm, tổ chức những giờ tự học giúp học sinh làm một phần bài về nhà. Về các hoạt động ngoại khóa thì tổ chức phong phú và phù hợp lứa tuổi, phát huy tính sáng tạo của HS. Bên cạnh đó, luôn có kế hoạch trong mọi hoạt động, theo dõi kiểm soát quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động.

Cũng theo cô Hương, yếu tố cần để triển khai mô hình này hiệu quả là cần đội ngũ cán bộ, GV có trình độ, có phẩm chất năng lực, có tâm với trẻ. Cần có những quy định, quy chế hoạt động phù hợp và hiệu quả.

Trước câu hỏi "HS vào trường được tách học hai chương trình, vậy vấn đề này phụ huynh có biết hay không?", phó hiệu trưởng Mai Hương cho biết: "Phụ huynh khi cho con em vào học trong nhà trường là đã chấp nhận để con được giáo dục theo chương trình triển khai, kể cả đại trà và chương trình CNGD. Nhà trường có trách nhiệm giáo dục để học sinh tiếp nhận được kiến thức theo yêu cầu và tham gia hòa nhập tốt khi lên các bậc học cao hơn".

Bà Hương cũng đưa ra lời khuyên: "Phụ huynh cho con vào Trường Thực Nghiệm cần quan tâm đến con nhiều hơn một cách tích cực, phụ huynh cũng có trách nhiệm trong việc làm bài của con ở nhà và khuyến khích con đặt câu hỏi nếu con chưa hiểu. Không nên sốt ruột hay ép con phải nhanh chóng đạt kết quả tốt hay mang các bạn ra để so sánh, tạo áp lực cho con".

 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm