Thi THPT quốc gia 2018:
Cách giải câu hỏi khó nhất trong đề thi Toán THPT quốc gia gây tranh luận
(Dân trí) - Nhiều giáo viên dạy Toán bậc THPT thừa nhận đề thi Toán THPT quốc gia cực khó nhưng lại phân hóa mạnh học sinh; Những câu hỏi khó đang gây tranh luận vẫn có thí sinh giải được và sẽ có em đạt điểm 10 môn Toán trong kỳ thi này nhưng sẽ ít.
Dưới đây là ý kiến nhận định của giáo viên về phổ điểm thi môn Toán và cách giải câu hỏi khó trong đề thi Toán gây tranh luận.
Liệu có điểm 10?
Cô giáo Nguyễn Ngọc Xuân bộ môn Toán, trường chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình nhận định, đề thi THPT quốc gia môn Toán năm 2018 có sự phân hoá rõ ràng. So với Đề thi năm 2017, mức độ tính toán ở 15 câu hỏi cuối (dùng để phân loại học sinh khá, giỏi thực sự) giảm đi 50% nhưng mức độ tư duy thì nặng gấp đôi.
Điều này có lợi cho các học sinh nắm kiến thức sâu sắc, bản chất và có tư duy trong sáng, nhưng lại gây khó khăn cho các học sinh học theo hình thức thuộc bài, thiên về tính toán, đặc biệt các học sinh học thêm ở các lò luyện, học trực tuyến chưa gặp các dạng bài này nhiều.
"Đề thi đã chỉ cho chúng tôi thấy hạn chế của bản thân là không “xoay” các bài tập đã có một cách kỹ lưỡng, thiếu bài toán “tổng hợp” kết nối kiến thức của các chương, các đơn vị kiến thức. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng học sinh ở các trường Chuyên vẫn có nhiều học đạt điểm cao và cả điểm tuyệt đối, 10 điểm nhưng sẽ rất ít” - cô Xuân khẳng định.
Thầy giáo Hoàng Hữu Văn - giáo viên Trường THCS-THPT Newton cho rằng, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 50%, từ câu 1 đến câu 25, phù hợp để xét điều kiện tốt nghiệp. Mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 50%, chủ yếu nằm ở nội dung chương trình lớp 12.
Phần này có tính phân loại tốt, phù hợp để xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Học sinh có kiến thức cơ bản có thể có điểm trung bình, học sinh khá có thể đạt được 7 - 8 điểm. Học sinh phải học thật tốt mới có được điểm 9 với đề thi này.
Thầy Hoàng Đăng Thưởng - giáo viên Trường THPT Hưng Hoá, Tam Nông, Phú Thọ nhận định, đề thi đòi hỏi thí sinh phải hiểu chắc kiến thức từ cơ bản đến nâng cao mới có thể làm tốt bài thi. Học sinh khá mới có thể đạt đến 7,5 điểm.
Theo thầy Lê Văn Cường - giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), để làm được các câu vận dụng cao trong đề, thí sinh phải nắm kiến thức rất vững, kĩ năng vận dụng tốt, hiểu bản chất. Với đề thi này, học sinh đại trà có thể được 5 điểm, nhưng để đạt 8-9 điểm phải là học sinh giỏi và điểm tuyệt đối sẽ rất "hiếm".
Theo một chuyên gia về kiểm tra đánh giá thì đối với câu hỏi thi tự luận và câu hỏi thi trắc nghiệm nhiều lựa chọn có bản chất khác nhau ở điểm: tự luận là yêu cầu viết đáp án, còn trắc nghiệm thì chọn đáp án (đáp án không phải viết mà được cho sẵn để lựa chọn).
Do đó phương pháp trả lời câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn cũng có thể đa dạng hơn so với câu hỏi tự luận. Có thể giải câu hỏi trắc nghiệm có nhiều cách như: tính toán, lập luận, suy luận, loại trừ phương án, giải ngược... không chỉ giải thông thường như tự luận, hoặc trong các bước làm như tự luận sẽ sử dụng các phương pháp nói trên để rút bớt các bước phải tính toán dài dòng.
Dưới đây cô giáo Nguyễn Ngọc Xuân, giáo viên bộ môn Toán, trường chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình gửi đến bạn đọc cách giải quyết một số câu hỏi trong những câu hỏi cuối của Mã đề 106 (hầu như các Câu hỏi từ 36 đến 50 ở mỗi Mã đề đều tương tự, chỉ khác nhau về số liệu):
Nhật Hồng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!