TS.Lê Thống Nhất: Điều gì đã làm tăng độ khó đề Toán quá mức cho phép?
(Dân trí) - Nhà giáo Lê Thống Nhất, người dạy Toán THPT giàu kinh nghiệm cũng là tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp dạy Toán cho rằng, những người ra đề thi Toán THPT Quốc gia đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm.
Theo TS. Lê Thống Nhất, có nhiều bất cập trong cách ra đề thi môn Toán, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua. Độ khó của đề Toán năm nay cũng đang là chủ đề "nóng" được dư luận, giới chuyên môn quan tâm.
Dưới đây là bài phân tích TS. Lê Thống Nhất gửi đến báo Dân trí:
Đề khó mà không phân hóa tốt là chuyện thường!
Với chuyên môn của mình, tôi chỉ xin tập trung vào đề thi môn Toán trong bài viết này. Mong rằng được trao đổi khoa học với những ai chịu trách nhiệm về vấn đề này và xin thêm ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục.
Về độ khó của đề thi, trước hết cần căn cứ nội dung. Đại diện Bộ GD&ĐT giải thích rằng, Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia, đó là đều nằm trong chương trình lớp 12, 11, chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ % nội dung lớp 12 khoảng 75-80%, lớp 11 khoảng 15- 20%, toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các môn học.
Thứ hai, cấu trúc đề thi 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với 2017: 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong chương trình.
Bên cạnh đó, Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa. Vì thế, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Như vậy, không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu để dành cho học sinh khá giỏi làm, mục đích là để phân loại thí sinh.
Nói độ khó của đề tăng lên so với 2017 là đúng, vì năm nay mở rộng thêm kiến thức lớp 11. Nhưng đều này học sinh đã được thông báo từ đầu năm học. Năm nay, bộ cũng đã công bố đề thi tham khảo để thí sinh tham khảo về cấu trúc. Tôi nhấn mạnh, toàn bộ nội dung đều nằm trong chương trình.
---
Toàn bộ lý luận trên chưa chứng minh được đề thi là phù hợp với kỳ thi càng không trả lời được câu hỏi: Đề năm nay quá khó!
Tỷ lệ nội dung cho từng lớp không quyết định độ khó hay dễ. Bởi vậy dù thêm kiến thức lớp 11 và năm sau có cả lớp 10 thì cũng thế. Trước đây thi tự luận là thi toàn bộ kiến thức đã học ở phổ thông. Với tỷ lệ nào thì muốn dễ hay khó bao nhiêu cũng được.
Cấu trúc đề thi với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao cũng không quyết định chuyện đề khó hay dễ. Điều quan trọng là: những câu hỏi cơ bản có làm mất thời gian hay không, có làm chỉ trong chưa đến 2 phút hay không? Với các kiến thức nâng cao, có cần phải luyện thi mới làm được hay đã sẵn có trong sách giáo khoa?
Tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại không đúng, bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được bởi vì làm khó với quá nhiều thí sinh thì những sự khó đó không có tác động đến phân loại học sinh. Khó mà không phân hóa là chuyện thường!
Đây có thể ví von dễ hiểu là: Bộ GD&ĐT cho rằng tôi nấu món ăn này theo đúng công thức hướng dẫn trong sách dạy nấu ăn nên đây là món ăn ngon! Nên nhớ tay nghề của đầu bếp khi thực hiện công thức mới quyết định món ăn.
Nhà Toán học, thầy giáo, học sinh giỏi Toán cũng phải… ngao ngán
Tôi được biết, học sinh THPT chuyên của thành phố lớn, từng giải Nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giởi Toán do Sở GD&ĐT tổ chức đã phải kêu lên là tính toán nhiều và dài nên để chọn đúng phương án mất rất nhiều thời gian, em không kêu là khó vì trình độ em chắc chắn rất quá đủ cho kỳ thi này. Em học sinh này chỉ làm đúng 37 câu. Như vậy nếu lựa chọn về tốc độ cho kịp 90 phút sẽ trả giá cho việc tính toán sai sót.
Thầy Trần Quang Vinh dạy chuyên Toán THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu ngồi giải trong điều kiện không có áp lực tâm lý tại nhà mình cũng phải vượt thời gian 90 phút. Chắc chắn là vượt nhiều vì có đến 38 câu thầy phải giải bằng phương pháp tự luận để chọn phương án. Không hiểu Hội đồng ra đề có cách nào khác để chọn phương án không?.
Thầy Trần Mạnh Hùng, giáo viên Toán THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã khóc khi không thể làm hết đề thi Toán.
Thầy Nguyễn Anh Dũng, nguyên giáo viên THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa (cũng đã từng dạy THPT Chu Văn An, trường Marie Curie Hà Nội, dạy trên VTV2, từng có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và 3 học sinh đạt giải Toán quốc tế) sau khi ngồi làm bài đã khẳng định: "Tôi tin rằng không thể có giáo viên nào giải 20 câu cuối trong 90 phút."
GS. Nguyễn Tiến Dũng (đang giảng dạy tại Pháp) và TS. Trần Nam Dũng (ĐHKHTN, ĐHQG TP HCM) chỉ giải 5 câu khó thôi mà một thầy giải 4 câu hết 60 phút, còn một thầy giải 3 câu hết 30 phút. Các thầy đều là những tay giải toán sơ cấp có tiếng.
Điều gì đã làm tăng độ khó quá mức cho phép?
Đó chính là số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỷ lệ quá nhiều. Những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm mà thôi. Khi ra đề, Hội đồng có nghĩ đến ở mỗi câu: để chọn phương án đúng phải mất bao nhiêu phút không? Có cần giải để chọn phương án không? Nếu giải thì nhanh nhất hết bao nhiêu phút? Để làm rõ điều này, đề nghị Bộ GD&ĐT công khai "Cách chọn phương án đúng" cho các đề thi, còn công khai đáp án A, B, C, D chưa phản ánh rõ điều này. Nếu không có đáp án về cách chọn phương án thì không thể biết đề khó hay dễ.
Một nhà khoa học Việt Nam đang giảng dạy ĐH ở Nhật Bản vừa nhắn cho TS. Lê Thống Nhất: "Bộ công bố đáp số, chứ không phải đáp án. Đáp án phải có lời giải để đi đến đáp số (vì sao chọn phương án A/B/C/D). Cảm ơn anh".
Đó chính là thời gian thi chỉ là 90 phút chứ không vô hạn. Đề thi Toán sẽ trở thành dễ ngay nếu chúng ta cho học sinh làm trong 360 phút hoặc lâu hơn nữa.
Một số thầy cô cho rằng, đề thi sẽ làm nóng các lò luyện. Tôi không cho là như thế! Bởi dù có luyện thế nào thì cũng không thể "vắt chân, lên cổ" để giải được đề thi như vậy!
Xin chia sẻ thời tôi chỉ đạo làm đề thi Olympic Toán Tuổi thơ (thi tự luận): Sau khi hoàn chỉnh đề thi qua nhiều bước, tôi đề nghị 3 cán bộ chuyên môn ngồi giải đề thi này để đo thời gian hoàn thành bài thi, dù việc này phải thực hiện lúc 1h sáng. Qua đó mới biết được khối lượng đề thi có phù hợp với thời gian làm bài hay không? Kể ra Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia cũng thử như thế thì biết ngay phù hợp hay không phù hợp. Những năm đầu làm cố vấn của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", khi ra câu hỏi toán cho cuộc thi, điều khó nhất cho tôi là câu hỏi giải trong 30 giây!
Đề thi không phù hợp thời gian làm bài sẽ không phù với với kỳ thi! Chính điều này làm khó cho thí sinh.
Giải pháp nào cho chuyện này?
Chúng ta phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm. Chứ không phải chỉ biết "trắc nghiệm hoá" đề tự luận.
Chúng ta cần xem lại kỳ thi "2 trong 1" khi năng lực ra đề không đảm bảo yêu cầu này. Ra đề thi trắc nghiệm đã chưa quen lại còn phải lo "2 trong 1".
Trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi hay không? Điều này khác hẳn với thực nghiệm ngân hàng đề mà Bộ GD&ĐT đã làm.
TS. Lê Thống Nhất
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!