Giáo sư Toán cũng “bó tay” với đề Toán: Bộ Giáo dục nói gì?
(Dân trí) - Trả lời tại buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 27/6, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái là đương nhiên”.
"Một đề thi mọi thí sinh đều làm được không phải đề thi thành công"
Tại buổi họp báo, phóng viên một số báo cùng chung băn khoăn rằng: Năm nay, các đề thi được giá có độ phân hóa tốt, nhưng về độ khó thì dường như khó hơn nhiều năm ngoái. Chẳng hạn, đề thi Toán/Hóa học mà Giáo sư Toán/ Hóa học cũng không thể giải hết trong 90 phút, dường như đề thi đang nghiêng vào phục vụ mục đích thi Đại học, Bộ Giáo dục có ý kiến gì?
Trả lời vấn đề này, ông Sái Công Hồng Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&Đ cho biết, năm nay Bộ tiếp tục triển khai phương án tất cả các môn thi theo hình trắc nghiệm, trong mỗi phòng thi có 24 mã đề thi; ngoại trừ môn Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Theo ông Hồng: “Về độ khó của đề thi, trước hết nói về độ khó phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung tất cả các môn thi, bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11 (chủ yếu là lớp 12). Tỷ lệ lớp 12 chiếm 80-85%, lớp 11 là 15-20%. Như vậy nếu trao đổi về độ khó thì tôi nhấn mạnh, đề thi không vượt quá nội dung kiến thức các em học. Thứ hai, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Các câu hỏi nâng cao vẫn nằm trong kiến thức lớp 12 và lớp 11”.
Đối với các môn Tự luận như môn Văn thì cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó; gồm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Riêng đối với các đề thi trắc nghiệm vẫn như năm trước, nhóm câu hỏi dễ được tạo thành từng nhóm sắp xếp ở phía trên rồi lần lượt khó hơn ở phía dưới để giúp các em làm tuần tự từ dễ đến khó”.
Hội đồng thi tuân thủ chỉ đạo Ban chi đạo thi quốc gia, đó là đề thi năm nay tăng cường phân hóa. Một đề thi mà tất cả các em đều có thể làm được không thể gọi là một đề thi thành công. Ở trong đề thi có những câu từ rất dễ đến rất khó để tăng cường độ phân loại với các thí sinh. Ở đây không phải tất cả đề thi khó mà chỉ có các câu hỏi khó nhằm phân loại thí sinh giỏi. Đối với học sinh trung bình có thể làm 50-60%. Muốn phân loại được thì câu hỏi độ khó phải tăng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Sái Công Hồng giải thích về hình thức ra đề thi THPT quốc gia 2018 (Clip: Hà Cường)
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Sái Công Hồng nhấn mạnh, nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó tăng lên là điều hiển nhiên bởi nội dung kiến thức được mở rộng ra cả lớp 11. Tuy nhiên các em học sinh đã được thông báo sớm, ngay từ khi các em còn học lớp 11 rằng đề thi năm nay sẽ có kiến thức lớp 11 nhằm tạo độ rộng kiến thức khiến cảm giác đề thi khó hơn. Năm 2018, Bộ chỉ công 1 đề thi tham khảo, đây không phải đề thi mẫu mà chỉ là tham khảo về cấu trúc.
Đối với đề thi môn Văn, cũng có các câu hỏi được chia ra 4 cấp độ từ nhận biết đến vận dụng cao. Do đó câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao thì độ khó cao. Trong nhiều năm gần đây, Bộ ra đề Văn theo hướng mở và năm nay cũng vậy. Trong ngày hôm nay, Bộ công bố đáp án môn Văn thì các nhà báo sẽ thấy đề ra mở như thế thì đáp án, phổ điểm sẽ như thế nào.
Về nguyên tắc, tác phẩm đưa vào đề thi môn Văn là chọn tác phẩm ở lớp 12 và lớp 11 (mỗi lớp 1 tác phẩm), như vậy đề thi năm nay đáp ứng yêu cầu này của hội đồng ra đề. Chúng tôi đã trao đổi, Tổ ra đề Văn khẳng định câu hỏi thứ 2 hoàn toàn chính xác (có băn khoăn cho rằng ở câu thứ 2 thuật ngữ "tiềm lực" dùng chưa chính xác mà phải là "nguồn lực).
Độ khó giữa các mã đề được cân bằng theo tiêu chuẩn quốc tế
Theo ông Sái Công Hồng, năm nay là năm thứ hai Bộ sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa như nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Nước sử dụng nhiều nhất ngân hàng đề thi chuẩn hóa là Mỹ ví dụ ACT, SAT...
“Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi, chúng tôi học tập quốc tế, chính là 4 tổ chức uy tín của quốc tế về ngân hàng đề thi chuẩn hóa, vì bản thân chúng ta còn non trẻ. Về cân bằng độ khó ngân hàng đề thi, chúng tôi tiếp tục cập nhật, tập huấn nâng cao năng lực ra đề. Còn câu hỏi “Cân bằng thế nào?” - đây là vấn đề kỹ thuật, có khi phải giải thích 4 ngày với nhiều tiêu chuẩn như: độ lệch chuẩn, phân hóa, sai số, áp dụng khoa học tâm trắc học...", ông Hồng giải thích.
Sẽ xét đặc cách với các trường hợp thí sinh vùng bão lũ không thể đến điểm thi
“Vừa rồi ở miền núi xảy ra lũ lụt, thí sinh không đến thi có được đặc cách không?”, phóng viên báo Thanh niên đặt câu hỏi, ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành phối hợp với nhau tốt, chủ động. Các địa phương chủ động thành lập ban chỉ đạo thi, chúng tôi thành lập 7 đoàn thị sát thi ở các địa phương khó khăn và thấy các địa phương đều có phương án dự phòng trước những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn ở Than Uyên, Lai Châu khi xảy ra lũ lụt đã đổi điểm thi khác. Đến nay, chỉ có 13 thí sinh không thể đến trường thi THPT Quốc gia, đây là nỗ lực rất lớn.
“Những trường hợp bất thường sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT Quốc gia. Năm nay, ở Lai Châu và Hà Giang, Bộ sẽ có phương án xét đặc cách. Công việc này thuộc về các Sở Giáo dục, dựa trên tình hình thực tế sẽ báo cáo phương án đặc cách với Bộ GD&ĐT”, ông Trinh cho hay.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT trả lời báo chí về có xảy ra tình trạng lọt đề Vật lý?
Có xảy ra tình trạng “lọt” đề Vật lý?
Câu hỏi về nghi vấn “lọt” đề thi Vật lý được phóng viên nhiều báo đặt ra. Theo ông Mai Văn Trinh, đề xuất hiện trước giờ thi môn đó gọi là lộ đề. Còn trong thời gian đang làm thì là lọt đề. Ở đây, một số đề thi môn Vật lý xuất hiện trên mạng xã hội khi các môn thi đã kết thúc như vậy không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi.
“Tại sao đề ra ngoài? Các thí sinh thi THPT Quốc gia được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi hình (chỉ có chức năng thu, không có chức năng phát). Có thể ở đây, có khả năng thí sinh tự do dùng các thiết bị đó, các em chỉ . Điểm B, Khoản B điều 14 xuất phát từ thực tiễn những năm 2011-2012nhằm tăng cường sự giám sát thí sinh khác và giám thị; việc này giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc, tránh gian lận. Chúng tôi sẽ cân nhắc thời gian tới có tiếp tục cho phép mang thiết bị ghi hình vào phòng thi nữa hay không."
Lệ Thu (ghi)