Bản lĩnh của cô giáo chủ nhiệm khi trò ăn vạ, doạ tự tử
(Dân trí) - Đối với những học sinh đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm các bậc học phổ thông đã phải kiên nhẫn, thấu cảm và thay đổi chính mình ra sao để dìu dắt những “mầm non" được là chính mình và phát triển vượt trội.
Tôn trọng sự khác biệt của học trò
Cô giáo Phạm Ngọc, giáo viên chủ nhiệm trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ câu chuyện về “Hạnh phúc và tôn trọng - Những đứa trẻ tự dẫn đường". Cô kể câu chuyện về một cô học trò cá tính, say mê nhạc rock, nhảy hiện đại và bóng rổ.
Cô bé nổi bật với với mái tóc xanh và rất tinh nghịch, hay trêu đùa bạn bè về những điểm yếu của các bạn nhưng lại có tâm hồn nhạy cảm. Vì một cuộc va chạm nho nhỏ với bạn học, bị bạn bè “xa lánh", cô bé học sinh ấy suýt có ý định chuyển truờng nhưng cô Ngọc đã động viên, trò chuyện tâm tình như một người bạn khiến cô bé có được sự đồng cảm cần thiết ở lứa tuổi 15 đầy biến động cảm xúc.
Từ đó, cô bé tóc xanh đã có những sự điều chỉnh khiến cho bản thân trở nên cởi mở và học hành tiến bộ hơn, được 9,2 điểm trung bình các môn học.
Từ trường hợp của nữ sinh này, cô giáo Phạm Ngọc đã rút ra bài học: "Hoá ra mọi đối tượng tôi đã từng mường tượng lại thiếu vắng một mảnh ghép vô cùng thú vị, ấy là những đứa trẻ cá tính, thông minh, tự tin và nhạy cảm. Những đứa trẻ ấy không “sẵn sàng” để ngoan và vâng lời, chúng lại cũng luôn có xu hướng đi lệch ra những quỹ đạo thông thường để làm những điều mình nghĩ.
Chúng mang sẵn phẩm chất của những người dẫn đường trong tương lai nhưng lại cần được rèn luyện để có sự kỉ luật cần thiết. Ấy là những đứa trẻ khiến bản thân mỗi cô cần phải cố gắng nhiều hơn cả, làm đúng hơn cả và tôn trọng hơn cả để đồng hành, hạnh phúc và tiến bộ. Chỉ có hạnh phúc và tôn trọng mới là điều kiện để mỗi đứa trẻ khai mở tối đa tiềm năng của mình mà không cần ai ép buộc".
Trò hay ăn vạ, doạ tự tử cô giáo chủ nhiệm có cách xử lý thông minh và kiên nhẫn
Một trường hợp học trò có biểu hiện thách thức hơn đối với giáo viên chủ nhiệm là học trò hay ăn vạ, thường doạ đánh bạn bè, thậm chí yêu cầu bạn phải nhảy từ tầng 2 xuống mới buông tha, học trò này còn từng đe doạ tự tử. Đáng nói là cậu học trò này đã 12 tuổi nhưng vẫn thường có biểu hiện nổi khùng không kiểm soát được cảm xúc.
Phương pháp đặc biệt của cô Lan Hương đã giúp cậu bé đặc biệt học được cách điều khiển cảm xúc cá nhân.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, GVCN của học trò nói trên kể rằng có lần trong giờ học học trò không ghi bài, bạn bè nhắc nhở thế là em nổi khùng lên, lấy tay bóp vào cổ mình kêu con muốn chết rồi lại nằm lăn ra đất, các thầy cô giáo hết dỗ dành lại phân tích nhưng không ăn thua, em càng được thể kêu gào lớn hơn. Đưa học sinh vào phòng y tế em còn doạ cả y tá.
Đối với học trò này, ban đầu cô giáo Lan Hương cảm thấy mệt mỏi, cáu giận không biết phải xử lí thế nào. Cô cũng đã cố gắng tìm hiểu, nói chuyện với gia đình nhưng không tìm ra nguyên nhân tình huống của học trò.
Phải mất nhiều thời gian theo dõi, cô Hương nhận thấy trò có biểu hiện của chứng ăn vạ, do vậy cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông qua sách tâm lý để tìm ra phương pháp giáo dục riêng cho cậu học trò đặc biệt.
“Ăn vạ có 5 cấp độ. Cấp độ 1 là giận dữ, cấp độ 2 là giận dữ và buồn bã, cấp 3 là “Đừng chạm vào tôi", cấp độ 4 là “Tôi cần cái ôm" và cấp độ 5 là hết giận.
Khi trẻ ở cấp độ 1,2,3 thì không nên chạm vào, để trẻ tự trải qua trong an toàn, điều này sẽ làm trẻ trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để bé tự nhiên trải qua cấp độ 5. Bởi bất cứ tác động nào lên cấp độ 1, 2 và 3 đều dẫn đến sự kéo dài và mãnh liệt hơn ở lần ăn vạ sau ”.
Mỗi lần nghe các trò trong lớp tìm và báo “ Con thưa cô bạn N lại…” là cô Hương lại "nóng hết cả mặt" nhưng rồi cô lại tự nhủ bản thân: bình tĩnh, hãy nhớ đến 5 cấp độ.
Dần dần, cô Hương tìm được "bí quyết" để dạy dỗ đối với học trò ương bướng này. Khi trò cố tình ăn vạ, cô sẽ "lò đi trong an toàn", tức là không để trò hành động nguy hiểm nhưng không tác động khi trò đang ăn vạ ở cấp độ 1,2,3. Chỉ đến khi cảm xúc của trò đã phần nào bình ổn hơn, cô mới nhẹ nhàng bày tỏ tình cảm và tìm cách khuyên nhủ học trò.
Đó là cách cô Hương đã áp dụng và thành công với học trò này. Sang lớp 7, số lần ăn vạ của học sinh N. này đã giảm hẳn. Việc đe doạ tự tử cũng đã không còn. Qua câu chuyện này, cô giáo muốn nhấn mạnh sự quan trọng của bình tĩnh và kiên nhẫn cũng như kiến thức tâm lí với học trò đặc biệt, đó là cách các thầy cô giáo có thể thử để giúp đỡ những học trò đặc biệt.
Thay đổi định kiến tư tưởng vì học trò
Cô giáo Phương Diệp vì học trò mà tìm hiểu về những người đồng tính, thay đổi định kiến về đồng tính.
Vì học trò mà kiên nhẫn là điều mà cô giáo Hương đã làm, còn với cô giáo Phương Diệp, GVCN lớp ở trường THPT Trần Hưng Đạo thì là việc thay đổi tư tưởng định kiến của chính bản thân mình.
Năm đó trong lớp cô Diệp chủ nhiệm có một học sinh nữ có nhiều biểu hiện khá đặc biệt. Em rất quý mến cô giáo và cô cũng nhanh chóng nhận ra cảm xúc quý mến đó có những điều khác thường so với những học sinh khác. Tiếp tục quan sát cô Diệp nhận ra em có nhiều hành động “sàm sỡ” với các bạn nữ trong lớp. Nhiều học sinh phản ứng khá mạnh về việc này và bản thân cô Diệp cũng bất ngờ và bổi rối vì chưa có nhiều kiến thức về đồng tính.
“Lúc bấy giờ việc một người trưởng thành đồng tính còn chưa được chấp nhận chứ không nói gì tới một học sinh đồng tính trong nhà trường. Thêm nữa các hiểu biết về người đồng tính của cá nhân tôi nói riêng và của đồng nghiệp cũng như mọi người nói chung còn khá hạn hẹp. Lúc đó tôi chưa hiểu biết gì nhiều nên thực ra cũng có thành kiến với người đồng tính nói chung.
Song khi đó là học trò của mình thì tôi chỉ thấy thương chứ không hề “sợ” hay ghét. Vì thế có một động lực rất lớn thôi thúc tôi phải làm gì đó cho em. Tôi bắt đầu việc giúp đỡ em bằng cách phải thực sự hiểu biết về vấn đề. Tôi bắt đầu tìm kiếm các nguồn tài liệu để đọc về người đồng tính”.
Nhờ hiểu biết về người đồng tính, cô Diệp đồng cảm với học trò hơn và đã dành nhiều thời gian tâm sự rằng thiên hướng giới tính là việc hết sức tự nhiên, cô không ép học trò thay đổi, nhưng hành vi là thứ em có thể lựa chọn và quyết định, vì vậy cô hi vọng em luôn có những hành vi đúng đắn với các bạn.
Nhờ sự định hướng của cô giáo, cô bé học sinh ấy đã không còn làm phiền các bạn bằng hành vi và lời nói không đứng đắn. Hiện tại, em đã trưởng thành, đang sinh sống và làm việc ở Tây Ban Nha.
Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà lắng nghe tâm sự của các giáo viên chủ nhiệm.
Bàn luận về nghệ thuật giáo dục trong công tác chủ nhiệm, Hiệu trưởng trưởng THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy ông Đàm Tiến Nam nói: “Nét đẹp văn hoá trong công tác chủ nhiệm xuất phát từ tấm lòng yêu thương học trò sâu sắc, từ sự thấu cảm của thầy cô với mỗi học trò. Yêu thương học trò thôi chưa đủ, thầy cô còn truyền ngọn lửa đó tới các con, giúp định hình lối sống tử tế, nhân văn sâu sắc cho một thế hệ, giúp lan toả nét đẹp văn hoá rộng rãi trong cuộc đời.
Những câu chuyện nhỏ, những tình huống hàng ngày nhưng ý nghĩa của nó rất lớn vì các thầy cô giáo làm là để vun trồng tương lai cho học trò. Mầm cây tương lai ấy sẽ đơm hoa kết trái hay còi cọc sâu bệnh phụ thuộc vào tay người chăm sóc, vào môi trường. Một môi trường nhân văn, nhân ái, đoàn kết và chia sẻ, một bàn tay yêu thương giúp định hình tính cách và tạo nên tương lai tốt đẹp của mỗi học trò.
Trên đây là những câu chuyện, tâm sự được chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề công tác chủ nhiệm: “Nét đẹp văn hoá nghệ thuật giáo dục tầm cao" được tổ chức tại tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo các trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm, chuyên gia và phụ huynh học sinh quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Hội nghị cũng thu hút các giáo viên đến từ các trường ngoại tỉnh như THPT Hồng Đức (Hưng Yên), Tiểu học Hương Sơn (Vĩnh Phúc) tới tham dự. Hội nghị là nơi các giáo viên chủ nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong công tác, với mong muốn tạo cho học trò môi trường học tập tốt nhất, giúp các trò phát triển cả về trí tuệ và nhân cách.
Mai Châm