“Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn làm cô giáo”
(Dân trí) - Mới đó mà tôi ra trường và đi dạy đã được 19 năm. Bao niềm vui cùng nỗi buồn đi cùng năm tháng. Thế nhưng, sau tất cả tôi vẫn thấy mình chọn đúng nghề.
Suốt mấy hôm nay, mẹ tôi - một người mẹ gần 70 tuổi cảm thấy lo lắng, bất an cho cô con gái làm nghề Sư phạm của mình. Mẹ liên tục nhắc nhở tôi việc phải giữ gìn hình ảnh người thầy. Mẹ mong tôi đừng bao giờ làm mẹ thất vọng.
Nhớ ngày tôi nộp đơn xin vào Sư phạm, mẹ tôi đã từng phản đối rất nhiều. Mẹ không muốn con gái làm cô giáo. Mẹ bảo nghề giáo vất vả và cũng dễ mất lòng. Mẹ muốn tôi chọn ngành khác “cho nhàn tấm thân”. Khi ấy mẹ đã khóc vì thương và lo lắng cho tôi.
Thế nhưng, tôi vẫn kiên quyết thuyết phục mẹ. Rằng con chỉ muốn làm cô giáo, con muốn được đứng trên bục giảng để truyền kiến thức cho học trò. Đây là đam mê và khát vọng của con. Cuối cùng, mẹ đã gật đầu đồng ý và động viên tôi cố gắng.
Nhanh thật, mới đó mà tôi ra trường và đi dạy đã được 19 năm. Bao niềm vui cùng nỗi buồn đi cùng năm tháng. Thế nhưng, sau tất cả tôi vẫn thấy mình chọn đúng nghề.
Nhớ ngày mới ra trường, đồng lương giáo viên khi ấy không đủ sống. Chúng tôi chỉ ăn cơm với cá khô. Cuộc sống của người thầy rất đạm bạc. Thế nhưng bù lại trò rất ngoan và tình cảm. Các em yêu quý và kính trọng thầy cô vô cùng. Khi ấy chúng tôi vừa là thầy, vừa là bạn, để trò trút bầu tâm sự. Có chuyện gì các em cũng nhờ chúng tôi tháo gỡ. Ngày lễ, Tết, các em đến thăm cô bằng cả tấm lòng. Những đóa hoa dại chứa bao tình yêu mến. Cô chân tình, trò cũng chân tình.
Ngày tháng dần trôi, lương nhà giáo dần được cải thiện. Mức sống cũng vì thế mà tăng lên. Thầy cô cũng không còn phải lo lắng về chuyện cơm áo, gạo, tiền nữa. Tất cả thời gian thầy cô đều dành cho công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, tình cảm cô trò bây giờ không còn được như xưa (chúng tôi thường nói với nhau như vậy). Nói chung, các gia đình đều ít con, điều kiện kinh tế khá giả. Các em bây giờ được cả gia đình và xã hội cùng quan tâm. Nhiều em còn luôn nghĩ thầy cô cần mình và sợ mình. Chỉ cần thầy cô nặng lời một chút là các em làm mình làm mảy rồi phản ứng thái độ liền. Chuyện bé xé ra to, thậm chí phụ huynh còn vào tận trường để hơn thua với thầy cô. Những chuyện như vậy xảy ra không phải là hiếm.
Thời gian này trong ngành Giáo dục xảy ra liên tiếp những vụ việc đau lòng. Nào là cô bạo hành trẻ, thầy xâm hại trò, rồi những hình phạt của giáo viên khiến trẻ không dám đến trường… Vụ việc này vừa lắng xuống lại tiếp tục sự việc kia. Phụ huynh bắt đầu nhìn thầy cô bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Đi đâu người ta cũng bàn luận về đạo đức nhà giáo đang bị xuống cấp... Nhiều thầy cô cảm thấy buồn cho ngành mình, nghề mình. Có người lại ân hận vì đã chọn nghề giáo.
Riêng tôi, gần 20 năm đứng trên bục giảng nhưng chưa khi nào tôi ân hận vì mình chọn sai nghề. Niềm vui của người giáo viên là sự thành đạt của lớp lớp học trò. Được đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức cho trò là niềm vui vô bờ bến của tôi.
Mấy hôm nay, mẹ tôi liên tục nhắc nhở con gái về việc giữ gìn hình ảnh người giáo viên. Mẹ bảo tôi, khi làm việc gì cũng cần phải suy nghĩ trước sau và hậu quả của nó. Đừng bao giờ lấy cái uy của người thầy để bắt trò phải theo mình. Mình là người dạy trò. Muốn trò ngoan, mình phải là tấm gương sáng. Học trò thời nào cũng thế. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Cứ chân tình để nhận lại chân tình.
Vâng, con rất cám ơn lời mẹ dạy. Bao nhiêu năm qua, con đã cố gắng không để mẹ thất vọng. Hàng ngày con lên lớp và vẫn hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Nếu được chọn lại, con vẫn xin chọn nghề Sư phạm.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!