4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Trong số 265 thành viên các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2024, người lớn tuổi nhất đã 76 tuổi, trẻ nhất mới 43 tuổi.

Năm 2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành với 265 thành viên. Trong đó, GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn (SN 1948), Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin là người lớn tuổi nhất. 

4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành - 1

GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Ông Sơn đã 76 tuổi, từng là Phó chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghỉ hưu từ năm 2013.

GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Viện Toán học liên tục từ năm 2009 đến nay.

Ông cũng tham gia 3 nhiệm kỳ Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin gần đây.

GS Sơn là chủ biên 8 cuốn sách, chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước và 5 đề tài cấp Bộ/tương đương, công bố 30 bài báo ở tạp chí trong nước và 52 bài báo trên tạp chí nước ngoài. Ông thành thạo 3 ngôn ngữ: Nga, Anh, Pháp.

Trong số 265 thành viên các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2024 có 4 nhà khoa học có độ tuổi ở thế hệ 8X.

Thành viên trẻ tuổi nhất là PGS.TS Nguyễn Minh Đức (SN 1981), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Giao thông vận tải năm 2024.

4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành - 2

PGS.TS Nguyễn Minh Đức (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Ông Nguyễn Minh Đức được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2017. Ông là một trong số ít phó giáo sư tham gia vào hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.

Trước đó, ông đã có 5 năm (2018-2022) là thành viên Hội đồng Giáo sư ngành Giao thông vận tải.

Về thành tựu khoa học, ông Đức là chủ biên 6 cuốn sách, công bố 15 bài báo tạp chí trong nước, 19 bài báo tạp chí quốc tế, 2 đề tài cấp Bộ và tương đương.

Cùng với PGS.TS Nguyễn Minh Đức, có 3 nhà khoa học khác, sinh năm 1980, tham gia vào hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.

Trong đó, Hội đồng giáo sư liên ngành cơ khí - động lực có tới 2 ủy viên sinh năm 1980, đều đã là giáo sư.

Đó là GS.TS Nguyễn Đức Toàn (SN 1980) đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Chức vụ hiện tại là Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam.

4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành - 3

GS.TS Nguyễn Đức Toàn (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Ông được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2014, giáo sư năm 2021. Ông Toàn là thành viên hội đồng giáo sư cơ sở Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021, 2022 và 2023.

Ông là chủ biên 3 cuốn sách, là chủ biên hoặc tham gia viết 9 cuốn sách chuyên khảo, giáo trình trong 5 năm trở lại đây.

Ông đã công bố 161 bài, trong đó có hơn 100 bài thuộc danh mục SCI(E), SCOPUS và nhiều công trình khoa học khác.

Thành viên 8X khác trong hội đồng này là GS.TS Lê Anh Tuấn (SN 1980), giảng viên cao cấp tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam. Ông Tuấn được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2016, giáo sư năm 2021.

4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành - 4

GS.TS Lê Anh Tuấn (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Ông là thành viên hội đồng giáo sư cơ sở Trường đại học Hàng hải Việt Nam năm 2021, 2022, 2023.

Về nghiên cứu khoa học, ông Tuấn đã chủ biên 2 sách chuyên khảo, 2 giáo trình, chủ trì/chủ nhiệm 4 đề tài cấp Bộ và tương đương. Trong 5 năm qua, ông có 3 sách chuyên khảo, giáo trình. 

GS Tuấn đã công bố 22 bài báo tạp chí trong nước và 45 bài báo quốc tế (30 bài báo ISI, 15 bài báo hội thảo).

Nhà khoa học 8X cuối cùng góp mặt trong hội đồng giáo sư ngành năm nay là PGS.TS Nguyễn Đăng Nam (SN 1980) đến từ Trường Đại học Duy Tân.

4 nhà khoa học 8X ngồi Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành - 5

PGS.TS Nguyễn Đăng Nam (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Ông Nam được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2018.

Ông Nam là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Duy Tân trong các năm 2019 và 2022. Ông cũng là thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Luyện kim giai đoạn 2019-2023.

Về thành tựu khoa học, ông Nam công bố 9 bài báo trên các tạp chí trong nước và 78 bài tiêu biểu trên tạp chí quốc tế, chủ trì 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ hoặc tương đương, chưa có sách chuyên khảo hay giáo trình.