2/10: Ngày hội của những người yêu sự học

(Dân trí) - Sau 13 năm thành lập (1996 - 2009), Hội Khuyến học Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Vào ngày 19/9/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam.

13 năm qua, những người làm công tác khuyến học trong cả nước đã tạo nên được con số “đáng nể”: 6,5 triệu người là hội viên, hội khuyến học; gần 3,5 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”; trên 35.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ khuyến học”; 80% xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng; gần 3 triệu học sinh nghèo, học sinh giỏi và thầy cô giáo vượt khó được khen thưởng và tặng học bổng; Quỹ khuyến học có trên 450 tỷ đồng…

2/10 chính là ngày hội của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài.
 
2/10: Ngày hội của những người yêu sự học - 1
Các đại biểu về dự ĐH Thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II

Tổ chức có số hội viên đông nhất nước!

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tặng cho Hội một bức trướng với 3 dòng chữ vàng:“Hội khuyến học Việt Nam; Khuyến học, khuyến tài; Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập”.

Cùng với việc trao tặng 3 dòng chữ trên, Bộ chính trị đã khẳng định rằng: "Khuyến học khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta và Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị đã xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam được giao nhiệm vụ làm nòng cốt liên kết phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài của các lực lượng xã hội , góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm cho “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Trong suốt 13 năm qua, khuyến học, khuyến tài đã trở thành một cuộc vận động lớn trong nhân dân cả nước. Cuộc vận động này đã phát triển sâu rộng trong mọi cộng đồng dân cư từ những thôn bản xa xôi đến những đô thị sầm uất, cơ quan, doanh nghiệp, nhà chùa, giáo xứ…
 
Hàng nghìn cán bộ của Đảng và chính quyền các cấp, hàng vạn cán bộ, hội viên khuyến học, hàng chục vạn nông dân, công nhân, trí thức chiến sĩ trong quân đội và công an đã trở thành những tấm gương tiêu biểu cho phong trào khuyến học hoặc đại diện cho các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, tổ dân cư khuyến học… đâu đâu cũng rộ lên phong trào khuyến học, khuyến tài.
 
Hiện, tổng số hội viên trong cả nước đã lên tới hơn 6,5 triệu người, chiếm 7,64% dân số với 10.709 tổ chức Hội ở xã phường; 152.562 chi hội trong các bản làng, phum sóc… 19.016 chi hội hoạt động trong các trường học.

Tháng 9/1999, khi Chính phủ có quyết định cho thành lập Quỹ Khuyến học, tính trong cả nước, lúc đó Quỹ Khuyến học mới chỉ có vài trăm triệu. Sau 10 năm, quỹ trong cả nước đã có tới trên 450 tỷ đồng. Quỹ Khuyến học Việt Nam phối hợp với Công ty Biti's, Tập đoàn VNPT, Viettell, Công ty Golf Long Thành... tổ chức các chương trình học bổng như "Nâng niu tài năng Việt", "Chắp cánh tài năng Việt", "Vòng tay đồng đội"… đã tặng 15.701 suất học bổng.

Người người học tập, nhà nhà học tập

Đẩy mạnh cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là giá trị hiếu học, trọng học trong nhân dân. Giá trị đó kết tinh trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng qua cả nghìn năm lịch sử. Vì thế, để phát huy giá trị này, suốt thời gian năm qua, Trung ương Hội đã chỉ đạo chặt chẽ phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học như những tế bào làm nên xã hội học tập. Tính đến giữa năm 2009 trong cả nước đã có 3,5 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học" và 35.128 dòng họ được công nhận là "Dòng họ khuyến học".
 
2/10: Ngày hội của những người yêu sự học - 2
Ông Trần Xuân Lập (hội viên Hội Khuyến học) bên cạnh đàn ong khuyến học xã Trường Xuân (Quảng Ninh - Quảng Bình)

Các tổ chức của Hội tại hầu hết các tỉnh thành đã tích cực vận động nhân dân theo học các lớp xoá mù chữ, bổ túc tiểu học và bổ túc trung học cơ sở cho 14.040 người thoát nạn mù chữ, cùng ngành giáo dục và các đoàn thể xã hội vận động trên 40.000 người học các lớp bổ túc trung học cơ sở và trung học phổ thông, trực tiếp mở lớp dạy nghề hoặc phối hợp với một số tổ chức xã hội giúp cho gần 200.000 người học nghề ngắn hạn.

Mấy năm nay, khi đã xây dựng được nhiều loại quỹ khuyến học, khuyến tài, Hội đã cố gắng để hàng năm có trên dưới 2,5 triệu học sinh nghèo được nhận học bổng khuyến học, hàng chục vạn cháu vượt khó, học giỏi được phần thưởng, hàng chục nghìn thầy cô giáo được trợ cấp một phần kinh phí của Quỹ để có thêm điều kiện bám lớp, bám trường. Ngoài ra, Hội đã vận động và giúp đỡ cho 3.519.933 em đứng trước nguy cơ phải bỏ học có điều kiện đến trường…

Ở những địa phương có nhiều học sinh nghèo, lại ở cách xa trường, Hội đã tặng hàng nghìn xe đạp để các cháu đi lại thuận lợi hơn (An Giang, Thanh Hoá, Bến Tre, Cần Thơ….). Sau những trận lũ lụt, các tổ chức Hội ở địa phương đã trích tiền mua cho học sinh hàng trăm ngàn vở viết, hàng ngàn bộ sách giáo khoa và hàng trăm tấn lương thực… Chỉ riêng Lao Cai, năm qua nhân dân đã trợ giúp học sinh 119.688kg lương thực và gần 1,5 tỷ đồng để mua vật liệu sửa lại trường sở.

Để giúp học sinh có nền nếp học tập ở nhà, Hội khuyến học ở nhiều địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh….đã phối hợp với gia đình và cán bộ khối phố, thôn xóm quản lý giờ học tối ở nhà qua những hình thức như tiếng kẻng khuyến học, tiếng trống khuyến học. Nhiều nơi, Hội đã vận động các gia đình dành cho các cháu một "góc học tập"… Sự quản lý này đã hạn chế rất nhiều hiện tượng học sinh lêu lổng, tụ tập chơi bài, chơi trò chơi trên máy tính điện tử, chơi bi-a… hoặc tham gia các vụ quậy phá, gây gổ, bày trò tinh nghịch.

Nhiều nông dân nghèo ở các tỉnh đã hiến đất cho nhà trường như Bạc Liêu (511.700m2), Trà Vinh (119.477m2), Vĩnh Long (50.000m2), Hậu Giang (39.134m2), Lao Cai (12.504m2), Kiên Giang (7656m2). Tại tỉnh Điện Biên, gia đình các ông Lò Văn Chiến, Lò Văn Bình, Cà Văn Tiệm, Vừ Vàng Dơ, Giàng A Sinh, Lường Văn Pách, Nguyễn Văn Đảo đã hiến 25.000m2. Đăk Nông, ông Hồ Tiến Thoại đã hiến 7.000m2 đất, ông Lê Văn Hùng 1.000m2, ông Điểu Kđôi 1.000m2. Ở Long An, ông Trà Văn Mẫn hiến 10.000m2. Ở Cà Mau, riêng bà Tăng Thị Ên hiến 13.847m2, ông Cao Thuận Phong 12.000m2, ông Trần Văn Thạnh 10.000m2

Đặc biệt, nhân dân trong cả nước có rất nhiều sáng kiến để phát triển các hình thức đầu tư cho khuyến học. ở rất nhiều thôn xóm, bản làng, mọi người đều bắt gặp những đàn gà khuyến học, hàng cây khuyến học, ao cá khuyến học, khu ruộng khuyến học, đàn ong khuyến học... (nhân dân góp đất để sản xuất, lấy tiền ủng hộ khuyến học)…

Phong trào khuyến học ngày càng lôi cuốn nhiều người tham gia, thực hiện khẩu hiệu "Người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, cả nước trở thành một xã hội học tập".

Hồng Hạnh