1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Khai mạc Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II

(Dân trí) - Sáng nay, 24/9, Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của gần 600 đại biểu. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cũng có lẵng hoa gửi tới chúc mừng đại hội.
 
Khai mạc Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II - 1

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu khai mạc đại hội (Ảnh: Việt Hưng)
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam, đã gửi thư tới đại hội. Đại tướng đánh giá cao bước phát triển của phong trào khuyến học với những mô hình độc đáo trong 9 năm qua.  

 

Đại tướng hi vọng, đại hội lần này sẽ là động lực đưa phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập lên một tầm cao mới, góp phần chuyển nhanh mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, tiến tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, phát hiện bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, bảo đảm thành công cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh, năm 2000 tại Đại hội thi đua Khuyến học đầu tiên, cả nước mới chỉ có 40 tỉnh, thành có tổ chức Hội với 500.000 hội viên, đến nay tổ chức Hội đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành, quận huyện với số lượng hội viên đã lên đến 6,5 triệu người.

 

Cùng với sự phát triển về bề rộng đã xuất hiện những mô hình đặc thù như “gia đình hiếu học” (GĐHH), “dòng họ khuyến học” (DHKH), “cụm dân cư khuyến học”. Nếu năm 2004 mới có 1,5 triệu gia đình đăng ký đạt danh hiệu GĐHH và vài trăm dòng họ đăng ký đạt danh hiệu DHKH, đến năm 2008 cả nước đã có gần 3,5 triệu gia đình đạt danh hiệu GĐHH và trên 35.000 dòng họ đạt danh hiệu DHKH.
 
Để tạo cơ sở học  tập thường xuyên cho người lớn, nông dân, lao động ở thành thị và cho những người không có điều kiện đến trường, các Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường đã được phát triển nhanh, mạnh. Nếu năm 1999 cả nước chỉ có 7 Trung tâm thì nay đã có 9.500 Trung tâm học tập cộng đồng, chiếm 86% số xã phường trong cả nước, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra, là đến năm 2010, 80% xã phường phải có Trung tâm học tập cộng đồng.

 

Quỹ khuyến học các cấp đã được thành lập bằng nhiều hình thức phong phú, trước hết bằng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các doanh nhân thành đạt, nhà chùa, nhà thờ,… để cấp học bổng cho các trẻ em nghèo được đi học và các em học giỏi vượt khó đi lên, thực hiện công bằng giáo dục. 
 
Khai mạc Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II - 2

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới dự Đại hội 
(Ảnh: Việt Hưng) 

 

Ngoài việc góp tiền cho quỹ khuyến học, nhiều nơi nhân dân còn đóng góp vật liệu xây dựng để sửa chữa trường lớp, hiến hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường học, như các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang và rất nhiều tỉnh khác…

 

Bắt nguồn từ TPHCM “học bổng 1&1”, sáng kiến nuôi “heo đất khuyến học” của TP Hồ Chí Minh, “ống tiết kiệm khuyến học” của Thanh Hoá, “Tết khuyến học”, “Tháng khuyến học” của Nghệ An, phong trào “ba đỡ đầu” của Quảng Ninh và rất nhiều hình thức sinh động… đã được nhân rộng ra nhiều nơi trong cả nước. 

 

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ khuyến học cấp học bổng cho 2,5 đến 3 triệu học sinh nghèo được đi học, khen  thưởng cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên học giỏi các cấp, giúp đỡ cho hàng ngàn giáo viên dạy giỏi nhưng gặp khó khăn trong cuộc sống. 
 
Biết chữ để không bị bắt nạt
 
Tại đại hội, nhiều điển hình của phong trào thi đua khuyến học đã chia sẻ những kinh nghiệm đa dạng, nhưng câu chuyện sinh động từ thực tiễn hoạt động của mình.
 
Ông Nguyễn Đình Bưu, Chủ tịch Hội Khuyến học Thanh Hoá tâm sự: “9 năm làm Khuyến học, tôi đã tận tuỵ, hết lòng tâm huyết vì sự nghiệp khuyến học, nhiều lúc sức yếu, bệnh tật nhưng vẫn nhiệt tình và cố gắng làm việc. Cũng trong 9 năm liền tôi đã vận động được gần 18 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học của tỉnh Hội”.
 
Nhờ vậy, hàng ngàn HSSV được nhận học bổng, được khen thưởng. Cả tỉnh hiện có 27 loại Quỹ Khuyến học đang hoạt động, trong đó Hội Khuyến học trực tiếp hoặc tham gia quản lý 14 Quỹ.
 
Khai mạc Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II - 3
Các đại biểu tham dự Đại hội (Ảnh: Việt Hưng) 
 
Chia sẻ với đại hội về hoạt động công tác khuyến học của mình, Linh mục Phê rô Bùi Duy Tân ở giáo xứ Hải Hưng, Cần Thơ cho biết, Hải Hưng là một giáo xứ rất nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Người dân  sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, nhiều gia đình đông con, có tới 5,6 người con, trong khi số ruộng lại ít nên cuộc sống rất thiếu thốn. Đa số các em sau khi học xong trung học, hoặc bỏ học nửa chừng, lại tiếp tục công việc của cha mẹ, làm bạn với mảnh đất, cây lúa.
 
Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự đồng tình của bà con giáo dân trong giáo xứ, sự yểm trợ nhiệt tình của các ân nhân xa gần, ban đầu, giáo xứ đã xây phòng học,  mua sắm một số thiết bị, máy móc phục vụ cho việc giảng dạy. Sau nhiều năm hoạt động, nhiều em đã thi đậu vào các trường Sư phạm Âm nhạc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nhiều em đã có nghề ổn định.
 
Còn Đại đức Thích Thiện Đức, tỉnh An Giang cho rằng: “Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, trước hết phải xây dựng và đào tạo con người trí tuệ”.  Từ suy nghĩ đó, trong những năm gần đây chùa luôn quan tâm giúp đỡ cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn “nghèo hiếu học”. Tại chùa thường xuyên nuôi gần 20 học sinh nghèo. Từ năm 2000 đến nay, nhà chùa đã ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, giáo viên nghèo gần 2  tỷ đồng.
 
Khai mạc Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II - 4

Các đại biểu chụp ảnh với lãnh đạo Hội (Ảnh: Việt Hưng) 
 
Đại diện cho phong trào gia đình hiếu học, ông Giàng A Lự, dân tộc Mông ở bản Láng Luông, xã Láng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: “Ngày xưa tôi không biết chữ, mua bán toàn bị bắt nạt. Tôi quyết tâm đi học lấy cái chữ để không bị người khác bắt nạt. Tôi thấy mình có văn hoá thì làm việc gì cũng được nên đã vận động bà con trong bản đi học”. Bản thân Giàng A Lự đã hiến hơn 3.000m2 đất để xây trường mầm non trong xã. Ông có 6 người con và tất cả đều được đi học.
 
Ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác khuyến học của các địa phương và tập thể, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc VN thay mặt Nhà nước, trao tặng Huân chương Lao động hạng II, Huân chương Lao động hạng III cho 12 đơn vị xuất sắc nhất; Tặng 5 tỉnh được tặng bằng khen của Thủ tướng; 39 tỉnh được nhận cờ thi đua và hơn 400 cá nhân được tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học - khuyến tài.
 
Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm