Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giáo dục

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Sáng nay 28/8, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giáo dục - 1

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu. (Ảnh: Thế Đại)

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…

Tham dự Hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.

Cùng đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2020-2021 là năm toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.

Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị hội nghị này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị tổng kết theo từng bậc học: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học. 

Năm học đã qua là năm kết thúc kế hoạch của 5 năm cũ và năm học mới là mở đầu cho kế hoạch 5 năm. Vì vậy, báo cáo tổng kết 1 năm, nhưng cũng là nhìn lại chặng đường 5 năm và kế hoạch cho 5 năm tới với những định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng mong muốn được nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận về những kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế, bất cập, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ của giáo dục đào tạo; ý kiến đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển giáo dục trong năm học tới…

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giáo dục - 2

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: Thế Đại

Vừa học vừa chống dịch

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo dục - đào tạo.

Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vừa hoàn thành kế hoạch năm học theo Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục.

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục vừa bảo đảm an toàn  phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và đạt được một số kết quả nổi bật.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giáo dục - 3

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục vừa bảo đảm an toàn  phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học. 

Cụ thể, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã đáp ứng được yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, minh bạch, nghiêm túc và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Để bảo đảm an toàn chống dịch, Bộ GD-ĐT điều chỉnh phương án thành hai đợt.

Theo đó, năm học 2020 - 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), trong đó có 12.000 em xét đặc cách tốt nghiệp.

STT

Đợt thi

Thí sinh đăng ký dự thi

Tỷ lệ               thí sinh dự thi

Thí sinh vi phạm Quy chế thi

Tỉ lệ tốt nghiệp

Thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp

1

Đợt 1

981.773

96,13%

18

96,88%

12.000

2

Đợt 2

11.657

97,98%

0

 

[Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT]

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là cơ sở ngoài công lập.

Công tác triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt còn nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Chất lượng giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thi Olympic năm 2021, với 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Năm học 2020-2021 cũng đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quy mô tuyển sinh sau tự chủ có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh đào tạo đại trà và tăng đào tạo chất lượng cao. Về tổ chức bộ máy, hiện đã có 88/175 hội đồng trường được thành lập theo luật mới (không tính các cơ sở GDDH thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); theo báo cáo của 45 bộ, ngành, địa phương cho thấy không có địa phương, bộ, ngành nào có vướng mắc về quy trình, thủ tục thành lập hội đồng trường theo quy định mới.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giáo dục - 4

Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, để địa phương, các cơ sở GDĐH có căn cứ tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên, Bộ GDĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDMN, GDPT công lập; các thông tư quy định chế độ làm việc của giảng viên đại học và giảng viên cao đẳng sư phạm.

Ngoài ra, để bảo đảm chế độ cho nhà giáo trong giai đoạn chờ chế độ tiền lương mới, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%.

Vẫn thừa thiếu giáo viên cục bộ

Mặc dù vậy, do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi.

Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học trực tiếp tại trường khi có đủ điều kiện và dạy học trực tuyến, trên truyền hình, qua mạng internet khi thực hiện giãn cách nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kĩ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc sắp xếp lại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương.

Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền Internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng. Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một bộ phận giáo viên còn vi phạm đạo đức nhà giáo, ngại thay đổi, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục đặt ra là xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, có tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19.