Bộ GD-ĐT: Ưu tiên dạy trực tuyến các môn lý thuyết cho cấp trung học

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Để linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19, các địa phương chủ động phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp, ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết với cấp trung học.

Chiều 27/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ ký ban hành công văn số 3699/BGDĐT-GDtrH, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Theo đó, nhiệm vụ chung của Giáo dục trung học là bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) đối với lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp từ 7 đến 12.

"Các địa phương chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương.

Bộ GD-ĐT: Ưu tiên dạy trực tuyến các môn lý thuyết cho cấp trung học - 1

Các địa phương chủ động phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp, ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết với cấp trung học. (Ảnh: M. Hà). 

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến", công văn nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT đồng thời yêu cầu thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp- trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đối với lớp 6, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo các văn bản đã được Bộ ban hành về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Kế hoạch dạy học khi xây dựng cần bám sát yêu cầu cần đạt theo CT GDPT 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Đối với học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật, trong quá trình tổ chức dạy học, các nhà trường cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

Bộ GD-ĐT: Ưu tiên dạy trực tuyến các môn lý thuyết cho cấp trung học - 2

Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, Bộ GD-ĐT hướng dẫn rõ các yêu cầu trong kiểm tra đánh giá.

Môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo CT GDPT 2018 được hướng dẫn tổ chức đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với thực hiện của nhà trường. Đối với các trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo CT GDPT 2018, tiếp tục thực hiện 2 môn học này theo CT GDPT 2006.

Tuy nhiên, các trường này cần lưu ý tăng cường nội dung bổ trợ theo CT GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học trên theo CT GDPT 2018 ở cấp THPT.

Song song với hướng dẫn thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, Bộ GD-ĐT hướng dẫn phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá với giáo dục trung học.

"Không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của CT GDPT; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19", văn bản nêu.

Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, Bộ GD-ĐT hướng dẫn rõ các yêu cầu trong kiểm tra đánh giá.

Theo đó, môn Lịch sử và Địa lí sẽ chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm nội dung của hai phân môn này theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của hai phân môn, tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật bao gồm hai nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật. Mỗi nội dung chọn một kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì.

Bộ GD-ĐT khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ môn học này thông qua bài thực hành, dự án học tập. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét. Kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương, giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó.

Bộ GD-ĐT khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm