Dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT:

GS Phạm Tất Dong: Dẹp được tiêu cực rồi hãy đổi mới

(Dân trí) - “Cái cơ bản nhất là những tiêu cực đang diễn ra phải dẹp, chưa dẹp được mà càng đổi mới thì tiêu cực đó càng luồn lách. Giống như con lươn, cho xuống bùn, bịt đầu này nó ra đầu kia”.

GS.TS Phạm Tất Dong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã chia sẻ như vậy với PV Dân trí về Dự thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

GS.TS Phạm Tất Dong.

GS.TS Phạm Tất Dong.

Dự thảo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lần này được đánh giá là thể hiện sự thẳng thắn, đúng mức hơn trong đánh giá thực trạng, nguyên nhân làm rõ hơn mối liên hệ về nội dung giữa các phần của Đề án. Trong đó, mục tiêu của Đề án tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội để giáo dục và đào tạo trở thành một nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước… GS đánh giá thế nào?

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì phải chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình xã hội học tập. Xưa nay, Việt Nam rất coi trọng việc học của thế hệ trẻ nhưng học suốt đời như thế nào trong Đề án lại không nói rõ. Điều này cho thấy Đề án chưa đề cập đúng mức vấn đề giáo dục người lớn. Không có học suốt đời thì làm sao mà ra Xã hội học tập được. Trong thế kỷ XXI, xã hội học tập là điều kiện tiên quyết để giúp một nước trở thành một xã hội phát triển bền vững, văn hóa và văn minh.

Tôi thấy, nhiều ý kiến góp ý cho cải cách giáo dục chỉ nói đến lĩnh vực giáo dục chính quy chứ không nói đến lĩnh vực giáo dục không chính quy. Tôi không đồng ý về điểm này. Đối với việc học tập suốt đời, học tập không chính quy và năng lực tự học là vô cùng quan trọng.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp, Ban soạn thảo đề án cho biết, coi đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có đổi mới chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá? GS nghĩ sao?

Các giải pháp mà Đề án đưa ra chỉ tập trung xem Bộ GD-ĐT quản lý cái gì mà trong khi đó yêu cầu học là học suốt đời của toàn dân, một mình Bộ GD-ĐT không lo xuể. Mục tiêu giáo dục - đào tạo đưa ra đổi mới còn hẹp. 25 triệu học sinh, sinh viên học như thế nào thì khá rõ, còn 60 triệu người lao động, người cao tuổi, người nghỉ hưu… sẽ học như thế nào? Đề án không nói rõ mục tiêu này. Tôi thấy Đề án chưa toàn diện.

Theo Giáo sư ưu điểm của đề án này là gì?

Ưu điểm của Đề án đặt ra được rất nhiều vấn đề đang bức xúc để giải quyết những cái cần làm ngay. Tuy nhiên, cần nhìn xa hơn, ví dụ về thi cử. Nếu không có mục tiêu đào tạo thì đổi mới thi cử, sách giáo khoa liệu có “trúng đích” không ? Phải có mục tiêu giáo dục - đào tạo nhân cách trong thời gian.

Chẳng hạn, người lao động có nghề thì phải đạt yêu cầu nào vào năm 2020 (khi về cơ bản Việt Nam là một nước công nghiệp). Trình độ tin học, trình độ ngoại ngữ, trình độ nghiệp vụ ở mức độ nào. Sau đó mới lo tới sách giáo khoa phổ thông viết cái gì? Giáo trình dạy nghề viết cái gì, Sách giáo khoa và trình độ Đại học viết cái gì?. Nếu vẫn quyết định chương trình phổ thông là 12 năm thì phải đạt đến mức độ nào? Ví dụ: Học xong phổ thông có nói thạo được một ngoại ngữ không? Mà phải đạt trình độ nói và viết một ngoại ngữ thì việc học ngoại ngữ sẽ phải từ mẫu giáo, tiểu học hay trung học cơ sở…

Trong khi chưa thật rõ mục tiêu, đồng thời còn nhiều vấn đề chưa gỡ rối mà cứ đề ra những cái mới thì ngày càng rối thêm. Cái cơ bản nhất là những tiêu cực đang diễn ra phải dẹp, chưa dẹp được mà càng đổi mới thì tiêu cực đó càng luồn lách. Giống như con lươn, cho xuống bùn, bịt đầu này nó ra đầu kia.

Tại sao vậy thưa GS ?

Vì chưa làm được cái chính mà chỉ lo làm cái phụ. Thực ra mà nói, để người ta đánh giá học sinh một cách chính xác, mở ra cho học sinh phổ thông đi theo đúng hướng thì những em có bằng phổ thông đúng chất lượng cần gì phải cấm vào đại học, ai có năng lực thì vào đại học.

Tôi nghĩ đầu vào đại học không nên chặt quá, càng chặt, càng tiêu cực, càng luyện thi… làm như vậy sẽ đỡ tốn kém hàng trăm tỷ mỗi năm cho nhân dân. Nhưng, với chất lượng phổ thông hiện nay thì làm sao có đông đảo học sinh theo học đại học được. Nếu chấm dứt thi vào đại học thì phải cương quyết đánh giá thật chặt đầu ra. Các doanh nghiệp sẽ không tuyển nguồn nhân lực thấp như vậy đâu. Nên để trường đại học tự tuyển sinh. Tôi rất đồng ý với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã phát biểu trước đó.

GS kỳ vọng về Đề án này như thế nào?

Đổi mới giáo dục mà không có tính toán cụ thể thì vẫn rất dễ nảy sinh tiêu cực. Tôi không kỳ vọng nhiều vào Đề án sẽ đem lại chất lượng mới cao hơn hẳn so với bây giờ.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)