Cái kết "đẹp" vụ 3 thầy trò bị từ chối cấp visa sang Mỹ
(Dân trí) - Được sự hỗ trợ từ phía Bộ GD&ĐT, 3 thầy trò tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đã được Đại sứ quán Mỹ cấp visa sau lần đầu bị từ chối.
Liên quan đến vụ 3 thầy trò "kêu cứu" (hai người ở Lâm Đồng và một học sinh ở TPHCM) vì bị từ chối cấp visa sang Mỹ dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế, trả lời phóng viên Dân trí trưa nay (8/5), đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, chiều 7/5, được sự hỗ trợ từ phía Bộ GD&ĐT, sáng nay, 3 thầy trò tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Mỹ đã được Đại sứ quán Mỹ cấp visa.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết thêm em Nguyễn Lê Quốc Bảo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đã được gọi phỏng vấn lần 2 vào sáng 8/5. Kết quả, Bảo đã được cấp visa đi Mỹ dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế.
Theo ông Quốc, em Bảo sẽ bay ra Hà Nội ngay trong chiều 8/5 để cùng với đoàn Việt Nam hoàn tất một số thủ tục chuẩn bị cho cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ.
Trước đó, Nguyễn Lê Quốc Bảo không được Lãnh sứ quán Mỹ cấp visa sau cuộc phỏng vấn đầu tiên ngày 25/4. Lịch phỏng vấn tiếp theo được hẹn vào ngày 30/5, song đã quá lịch thi. Sở GD&ĐT TPHCM đã có công văn gửi nhiều cơ quan đề nghị hỗ trợ thủ tục cho em.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Hùng, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng và em Lê Hoàng Trường Giang (Trường THPT Phan Đình Phùng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) bị từ chối cấp visa sang Mỹ.
Lê Hoàng Trường Giang và Lê Hà Thanh Phong là đồng tác giả của dự án Ứng dụng AI, IoT và ChatGPT vào mô hình nuôi tằm của bà con nông dân.
Dự án này đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia bậc THPT toàn quốc và đây là 1 trong 7 dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế được tổ chức tại Mỹ.
Do tác giả Lê Hà Thanh Phong có việc gia đình, không thể trực tiếp tham dự cuộc thi nên ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng thành lập đoàn sang Mỹ với 2 người gồm ông Nguyễn Xuân Hùng và tác giả là Lê Hoàng Trường Giang.
Khoảng 10h30 ngày 6/5, ông Hùng và học trò Lê Hoàng Trường Giang có mặt ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM để tham gia phỏng vấn, cấp visa.
"Khi được hỏi lý do đi Mỹ, chúng tôi trình bày đi Mỹ tham gia cuộc thi cùng đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trình hồ sơ nhưng sau đó không được chấp nhận cấp visa", ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết.
Dự án Ứng dụng AI, IoT và ChatGPT vào mô hình nuôi tằm của bà con nông dân được thầy giáo Phan Hữu Sỹ và 2 học trò lớp 10 Lê Hà Thanh Phong, Lê Hoàng Trường Giang (Trường THPT Phan Đình Phùng) lên ý tưởng, thực hiện.
Dự án bao gồm 9 khối chức năng chính, trong đó bao gồm hệ thống máy tính, các phần mềm, cảm biến, công nghệ kết nối không dây… thu thập giá trị nhiệt độ, độ ẩm trong nhà nuôi tằm, dữ liệu về thức ăn cho tằm để đưa ra các thông báo đến máy chủ.
Đồng thời hệ thống tự động kích hoạt, vận hành các thiết bị để đảm bảo về môi trường tốt nhất cho tằm phát triển, đảm bảo chất lượng trong chăn nuôi, giảm chi phí.
Cùng với hai thầy trò ở Lâm Đồng còn có em Nguyễn Lê Quốc Bảo, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM là một trong hai thí sinh thực hiện dự án "Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa" được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 cũng bị từ chối cấp visa trong khi bạn đồng hành cùng em là Lê Tuấn Hy được cấp visa.
Chia sẻ về dự án, Nguyễn Lê Quốc Bảo cho biết, dự án hướng tới việc hỗ trợ y bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh đưa ra kết quả chuẩn đoán từ hình chụp chiếu cắt lớp bằng việc tái tạo những hình ảnh 2D chuyển sang 3D mô phỏng, qua đó dễ dàng phục vụ cho thực hành y khoa.
Phần mềm dự án trải qua nhiều phiên bản và được nâng cấp dần lên để đáp ứng thông qua những trao đổi trực tiếp với các bác sĩ tại nhiều bệnh viện ở TPHCM.
Từ "đặt hàng" của các y bác sĩ cho dự án, nhóm bắt tay viết một thuật toán nghiên cứu sâu về hậu phân tích sau khi dựng 3D.