Chuyên gia kể việc lao động kém kĩ năng, tự sát khi căng thẳng công việc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Vì kém tiếng Nhật, ngại giao tiếp với khách nên một cô gái trẻ đang lao động tại Nhật đã chọn cách làm việc ca đêm suốt 3 năm trời, dẫn đến trầm cảm, có ý định tự sát - bà Thy kể câu chuyện mình biết.

Trao đổi về chương trình đào tạo với lãnh đạo các trường nghề, bà Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy - Giám đốc điều hành khu vực Bắc ASEAN, Human Dynamic Group - đề nghị các trường nên đưa học viên đến nhà máy, cơ sở kinh doanh càng sớm càng tốt, càng nhiều càng hay.

Theo bà, việc tiếp xúc với công việc từ sớm không chỉ giúp học viên nhanh nắm bắt kỹ năng nghề, mà còn biết cách giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình làm nghề, cũng như cân bằng giữa công việc và cuộc sống trước khi trở thành lao động thực thụ.

Chuyên gia kể việc lao động kém kĩ năng, tự sát khi căng thẳng công việc - 1

Theo các chuyên gia, trường nghề không chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng nghề mà còn phải trang bị cho các em nhiều kỹ năng mềm (Ảnh minh họa: TC Việt Giao).

Bà Thy cho rằng, kỹ năng giải quyết khó khăn đang ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động, đặc biệt là với các lao động trẻ. Trong giai đoạn đại dịch diễn ra và sau đại dịch, những kỹ năng như kiên cường, chịu đựng stress và ứng biến càng quan trọng đối với việc duy trì và phát triển nghề nghiệp.

Bà Dạ Thy kể câu chuyện mà bà từng giải quyết cho một đối tác là đơn vị xuất khẩu lao động đi Nhật. Một nữ lao động người Việt được đơn vị này đưa sang Nhật làm việc. Do cô gái trẻ chưa thông thạo tiếng Nhật nên rất ngại giao tiếp. Cô không giải quyết nguồn cơn vấn đề là năng lực ngoại ngữ mà né tránh bằng cách xin làm ca đêm để ít phải giao tiếp.

"Suốt 3 năm trời cô ấy đều làm ca đêm dẫn đến rối loạn đồng hồ sinh học, mất ngủ hơn 2 tháng trời và đi đến quyết định tự sát, may mà được phát hiện kịp thời. Bất cứ ai suốt 3 năm phải làm ca đêm thì đều có thể bị rơi vào tình trạng như cô ấy!", bà Dạ Thy nhận định.

Theo bà Dạ Thy, nữ lao động trên không có kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi gặp khó khăn, cô ấy đã chọn giải pháp là né tránh, dồn nén lâu ngày dẫn đến hành vi tiêu cực.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, trong tiêu chuẩn chất lượng lao động thì năng lực nghề nghiệp vẫn đứng đầu, các kỹ năng mềm đứng thứ hai.

Theo ông Tuấn, các kỹ năng tiêu biểu của người lao động sẽ thay đổi rất lớn trong thời gian từ nay đến năm 2025. Trong đó, 10 kỹ năng quan trọng thì có năm kỹ năng thuộc nhóm giải quyết vấn đề; hai kỹ năng thuộc nhóm tự quản lý; hai kỹ năng thuộc nhóm sử dụng, phát triển công nghệ và một kỹ năng tương tác.

Do đó, ông đề nghị các cơ sở đào tạo phải nghiên cứu và lồng ghép vào chương trình đào tạo của mình, không chỉ chú trọng vào đào tạo kỹ năng nghề.

Theo bà Dạ Thy, đơn vị của bà từng làm nhiều khảo sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp và nhận thấy có sự "lệch pha" khá lớn giữa trường và doanh nghiệp, nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp muốn lao động có thì trường không đào tạo.

Bà Dạ Thy cho rằng, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, tùy vào ngành mình đào tạo mà nhắm vào nhóm doanh nghiệp nào, khảo sát xem họ cần cái gì, cần lao động như thế nào để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

"Kỹ năng vốn là thế mạnh của các trường trung cấp, tôi không dám bàn về các kỹ năng nghề nhưng kỹ năng mềm là vấn đề mà các trường trung cấp cần lưu tâm. Cần quan tâm đến khía cạnh học viên sẽ đối mặt với những gì khi đi làm, chuẩn bị cho các bạn kỹ năng ứng phó với các khó khăn có thể xảy ra", bà Thy nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm