Quảng Ninh:
Kỹ năng nghề của người thợ phản ánh đầy đủ chất lượng lao động
(Dân trí) - Ông Vũ Quang Trực, Phó giám đốc Sở LĐ-TB& XH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, kỹ năng nghề của người thợ là thước đo chuẩn mực và phản ánh đầy đủ nhất về chất lượng lao động.
Từ ngày 6/12 đến hết ngày 12/12/2021, tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, phân hiệu đào tạo Hoành Bồ (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12.
Đây là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 3 điểm Hà Nội, Quảng Ninh và Vĩnh Long.
Thực hiện chương trình hoạt động bên lề kỳ thi thi, sáng nay (9/12) Sở LĐ-TB &XH tỉnh phối hợp Hội đồng thi số 5 tổ chức Hội thảo chuyên môn với chủ đề "Giải pháp tổ chức thi kỹ năng nghề kết hợp thi tay nghề giỏi và thi thợ giỏi các cấp".
Ông Vũ Quang Trực, Phó giám đốc Sở, Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 5 chủ trì, lãnh đạo Liên đoàn lao động, lãnh đạo các đoàn có thí sinh có thí sinh tham dự kỳ thi ngày 8/12 cùng dự trực tiếp; lãnh đạo các trường cao đẳng trên địa bàn dự trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quang Trực nhấn mạnh, kỳ thi năm nay là kỳ thi có nhiều điểm mới, thí sinh dự thi được mở rộng cả về đối tượng và độ tuổi. Đặc biệt có sự tham gia của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đối với tỉnh Quảng Ninh đây cũng là lần đầu tiên người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và học sinh các nghề mỏ hầm lò được tham dự kỳ thi tại Hội đồng thi số 5.
Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần này, Hội đồng thi số 5 được giao nhiệm vụ tổ chức thi cho 3 nghề thi trực tiếp đó là: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò với 47 thí sinh. Đây cũng là 3 nghề mới được tổ chức lần đầu tiên tại kỹ thi cấp quốc gia và lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức kỳ thi này.
Cũng theo ông Trực, kỹ năng nghề của người thợ là thước đo chuẩn mực và phản ánh đầy đủ nhất về chất lượng lao động nói chung và năng lực làm việc của cá nhân từng người thợ nói riêng. Đặc biệt, đối với các nghề có yêu cầu cao về tay nghề, trình độ kỹ thuật và các vị trí việc làm, công việc có liên quan mật thiết đến công tác an toàn lao động. Từ đó góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kỳ thi kỹ năng nghề cũng là một trong những hoạt động chuyên môn lớn của giáo dục nghề nghiệp; do đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cố gắng tổ chức tốt kỳ thi cấp cơ sở, thúc đẩy phong trào thi đua trong các cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đóng góp quan trọng xoay quanh chủ đề mà hội thảo hướng tới.
Với chuyên đề "Trách nhiệm của nhà trường trong việc gắn kết với doanh nghiệp nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động", ông Lưu Văn Minh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh cho rằng, để hình thành kỹ năng nghề cho người lao động thì việc đào tạo các Nhà trường là cơ bản để hình thành kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra của các nhà trường. Đồng thời để hoàn thiện và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thì việc kết hợp với doanh nghiệp đào tạo, tổ chức thực tập cho người lao động ở tại doanh nghiệp là rất quan trọng. Trước khi đề cấp đến trách nhiệm của nhà trường trong việc gắn kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh với tại hội thảo trước vấn đề "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh" cũng nhận định, để có cơ sở cho việc thực hiện đào tạo nghề chất lượng cao phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp; các cơ quan chức năng cần điều tra, khảo sát và xác định nhu cầu nguồn lao động có tay nghề cao.
Ngoài ra, cũng chú trọng các yêu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng đối với từng nghề đào tạo, nhu cầu của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp lớn, tập đoàn và theo từng giai đoạn cụ thể.
"Việc xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng cụ thể, chính xác sẽ tránh được việc đào tạo dàn trải, không đáp ứng yêu cầu chất lượng hoặc thừa gây lãng phí nguồn lực của xã hội", vị đại diện này chia sẻ.
Tại tham luận về "Phát triển nguồn nhân lực và giải pháp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động trong ngành Giao thông vận tải", đại diện Công đoàn ngành này cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những mặt đạt được thì chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành chưa hiệu quả; công tác tuyển sinh ở một số bậc đào tạo của một số trường vẫn gặp khó khăn; số lượng và chất lượng đào tạo có nơi, có chỗ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng và yêu cầu về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Vị này cũng cho rằng, trong thời gian tới, để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động trong ngành Giao thông vận tải cần đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo theo cách tiếp cận năng lực từ việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả người học theo chuẩn năng lực thực hiện; mở rộng, liên kết tổ chức các loại hình đào tạo ngoài ngân sách, đặc biệt là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội thi cho các giảng viên, giáo viên. Đảm bảo giáo viên các trường, trung tâm đạt chuẩn; tham gia các cuộc thi tay nghề quốc gia và quốc tế; tổ chức thường xuyên hội thi tay nghề giỏi trong ngành.
Từ năm 2.000, sau khi tiếp nhận công tác quản lý nhà nước về dạy nghề (và chuyển thành giáo dục nghề nghiệp từ năm 2015) tới nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã 12 lần tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề (KTKNN) toàn quốc; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã 11 lần tổ chức KTKNN cấp tỉnh. Trước các kỳ thi cấp tỉnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều tổ chức thi cấp cơ sở.
Qua các lần tổ chức thi cấp tỉnh và tham gia KTKNN quốc gia, cho thấy rõ trình độ kỹ năng nghề của người lao động trong tỉnh và chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Đồng thời thông qua đó, để các CSGDNN và người học/lao động trẻ rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức đào tạo và học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và chất lượng nguồn nhân lực.