Trả lương theo kỹ năng -Xu hướng năm 2022 có thể xoay chuyển văn hóa doanh nghiệp
(Dân trí) - Trả lương theo kỹ năng đang dần cho thấy những điểm mạnh của mình so với hình thức trả lương truyền thống, giúp doanh nghiệp mở rộng "bể tuyển dụng" và tái cấu trúc mô hình quản trị trong doanh nghiệp và thúc đẩy văn hóa học tập.
Ở khía cạnh người lao động, hình thức trả lương theo kỹ năng cũng giúp thúc đẩy động lực nâng cấp kỹ năng, từ đó xác định tiêu chí cụ thể để được thăng tiến trong công việc.
Paid-by-skill: Hình thức mới lên ngôi giúp HR "dễ thở" hơn
Một khảo sát của LinkedIn chỉ ra rằng, trong năm vừa qua, số tin tuyển dụng theo kĩ năng và trách nhiệm tại Mỹ tăng 21%, trong khi đó số lượng tin tuyển dụng không yêu cầu về bằng cấp cũng tăng khoảng 40%.Số liệu này phần nào cho thấy hình thức tuyển dụng và trả lương theo kỹ năng đang "lên ngôi" ở thời điểm hiện tại.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, xu hướng tuyển dụng và trả lương theo kỹ năng mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả doanh nghiệp và người lao động. "Theo Harvard Business Review, những nhân viên phục vụ nhà hàng có đến 70% số kĩ năng phù hợp với các vị trí chuyên viên chăm sóc khách hàng. Điều này có nghĩa là, việc chỉ xem xét bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc liên quan có thể khiến doanh nghiệp bỏ sót những ứng viên thực sự phù hợp. Thay vào đó, với hình thức tuyển dụng và trả lương theo kỹ năng, nhà quản trị có "barem điểm" để ra quyết định tuyển dụng hoặc xem xét việc thăng tiến, còn nhân viên cũng có những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu và phát triển hơn."
Cũng theo bà Tiêu Yến Trinh, việc doanh nghiệp chuyển sang hình thức trả lương theo kỹ năng còn thúc đẩy tái cấu trúc của doanh nghiệp thành mô hình vòng tròn. Theo đó, các nhân viên đủ kỹ năng mà công việc yêu cầu sẽ được kết hợp với nhau để thực hiện dự án. Cách phân chia này giúp mỗi người phát triển khả năng làm chủ công việc của mình và hợp tác với người khác, đồng thời, tạo ra động lực cho mỗi người lao động nỗ lực học tập kỹ năng cho các cơ hội thăng tiến của mình. Về mặt tuyển dụng, hình thức này giúp doanh nghiệp chọn được các ứng viên sở hữu bộ kỹ năng phù hợp với tiêu chí công việc mà doanh nghiệp đang tìm kiếm và đưa ra một mức lương tương xứng với ứng viên. Đây cũng là cách mà HR có thể dùng để đánh giá người lao động hằng năm, cũng như xem xét tăng lương, thăng cấp nội bộ.
Nhưng cũng như bất cứ chiến lược nhân sự nào khác, dù nhìn thấy lợi ích của xu hướng này thì trong giai đoạn chuyển giao, cả nhân sự và người lao động vẫn còn nhiều điểm e dè vì đã quá quen thuộc với cách thức trả lương truyền thống. Việc áp dụng hình thức mới này sao cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và tình hình chung trên thị trường cũng là một đề toán cần nhà quản trị phải có cách giải hiệu quả.
Cẩm nang giúp doanh nghiệp làm quen với paid-by-skill
Paid-by-skill như "bình cũ rượu mới", để doanh nghiệp có thể nghìn ly không say thì việc làm quen ban đầu là cực kỳ quan trọng. Bởi, "Paid-by-skill sẽ không dừng lại ở việc thay đổi phương thức đánh giá và trả lương, mà còn ảnh hưởng đến cả văn hóa và cách thức vận hành của toàn bộ doanh nghiệp. Do đó, nhà quản trị cần suy nghĩ vạch ra chiến lược phù hợp về lộ trình học tập và phát triển của nhân viên, cũng như "nâng cấp" đội ngũ HR để thích ứng với phương pháp nhân sự mới này trong dài hạn", bà Tiêu Yến Trinh cho biết.
Dưới đây là những điều doanh nghiệp cần chuẩn bị trước khi "chuyển mình" sang hình thức trả lương mới.
Điểm đầu tiên và tiên quyết, bộ phận HR cần nắm trong tay một bộ tiêu chí các kĩ năng cần có, phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, với mỗi vị trí tuyển dụng, HR và line manager cần phối hợp để đưa được danh sách đầu việc và yêu cầu về kỹ năng cho mỗi đầu việc đó. Từ đó, bằng kinh nghiệm của mình, HR sẽ tiếp tục sắp xếp theo những nhóm lớn để tạo thành một bộ kỹ năng cần thiết. Điểm cuối cùng là HR cần lượng hóa những tiêu chí trên theo thang điểm và xác định điểm "qua môn" cho nhân viên. Bảng điểm này có thể ứng dụng trong cả việc tuyển dụng và xem xét tăng lương, thăng tiến cho nhân viên.
Để bộ tiêu chí kĩ năng có thể hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp còn cần quy hoạch lại một số giá trị của mình. Hãy bắt đầu từ công tác tư tưởng và bồi dưỡng văn hóa học tập, cạnh tranh lành mạnh để tránh sự bất mãn của một bộ phận nhân viên kì cựu luôn tự hào về thâm niên, nay bất bình khi những "người mới" lại có thể ngang hàng, thậm chí có mức lương hơn mình. Ngoài ra, cách thức quản lý nhân viên cũng cần lấy giá trị rõ ràng và minh bạch làm tiền đề để đảm bảo nhân viên không bỡ ngỡ trước hình thức trả lương mới mẻ này và không "kiện cáo" cho kết quả đánh giá cuối năm.
Trả lương theo kỹ năng - nghe qua thì đơn giản nhưng để có thể làm quen và ứng dụng vào quy trình tuyển dụng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách nhuần nhuyễn thì cần cả một chiến lược dài hạn với từng bước quy hoạch hợp lý. Và thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có thể là một cơ hội tốt để bộ phận HR thử một phương pháp mới, để rũ bỏ những bất ổn của một năm đầy thách thức và đón đầu một tương lai phù hợp với xu hướng hơn.