Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố
  1. Dòng sự kiện:
  2. Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố
  3. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"

Thùy Tiên bị khởi tố: Hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ lạm quyền, bán niềm tin

Hương Hồ

(Dân trí) - Các chuyên gia văn hóa, truyền thông đều cho rằng, vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố vì tội "Lừa dối khách hàng" là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều nghệ sĩ.

Từ "chốt đơn" đến "chốt niềm tin" khán giả - Lời cảnh tỉnh về ranh giới giữa cống hiến và trục lợi

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố vì tội "Lừa dối khách hàng" là một hiện tượng tiêu cực, đáng suy ngẫm.

Dưới góc độ văn hóa, bà nhận định: "Thùy Tiên đã phạm một lỗi văn hóa rất nặng trong ứng xử với cộng đồng, một khi cô đã là hoa hậu.

Và lỗi văn hóa này đang trở thành lỗi chung của một số nghệ sĩ nổi tiếng muốn kiếm tiền bằng các phương tiện - miễn là có thể.

Nếu lỗi văn hóa này có xu hướng trở thành phổ biến đối với nghệ sĩ nổi tiếng, thì quả là thảm họa với sự phát triển của văn hóa ứng xử trong xã hội Việt Nam hiện đại".

Thùy Tiên bị khởi tố: Hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ lạm quyền, bán niềm tin - 1

Bộ Công an khởi tố Hoa hậu Thùy Tiên (áo hồng) (Ảnh: Bộ Công an).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đây không chỉ là một vụ việc đơn lẻ mà cho thấy đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân trước công chúng.

"Khi một người đẹp đăng quang, hình ảnh của họ thường được gắn với những giá trị tốt đẹp như tri thức, lòng nhân ái và trách nhiệm cộng đồng. Vì vậy, việc tham gia sản xuất, buôn bán sản phẩm giả, lừa dối khách hàng sẽ khiến công chúng đặt câu hỏi về vai trò và giới hạn đạo đức của người nghệ sĩ", bà nhấn mạnh.

Bà Thái nhận định, hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ hiện nay rất phổ biến, nhưng ranh giới giữa chia sẻ cá nhân và quảng cáo thương mại đôi khi bị xóa nhòa.

Một số người đã tận dụng độ phủ sóng để buôn bán hay quảng bá cho sản phẩm giả, sản phẩm chưa được kiểm chứng hoặc thổi phồng công dụng, vô tình gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Bà bày tỏ: "Xã hội hiện đại đối mặt với nhiều hiện tượng, sản phẩm thiếu kiểm chứng, giả, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng. Trong bối cảnh ấy, khi người của công chúng đứng ra giới thiệu, buôn bán một sản phẩm, họ cần cân nhắc rất kỹ. Danh tiếng không nên trở thành công cụ để phục vụ mục đích thương mại bằng mọi giá".

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên là một "hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ" không chỉ cho cá nhân cô mà cho toàn bộ giới nghệ sĩ. Họ là những người đang nắm giữ ảnh hưởng lớn trong xã hội nhưng đôi khi lại quên "danh tiếng luôn đi kèm với trách nhiệm".

"Không có ai là vùng đất cấm. Việc bạn nổi tiếng không đồng nghĩa với việc bạn được miễn trừ trách nhiệm trước pháp luật hoặc dư luận. Không có du di khi bạn là người của công chúng, bởi chính bạn là người lựa chọn bước vào ánh sáng và ánh sáng ấy soi rõ từng hành động, từng phát ngôn của bạn", ông Long nói.

Chuyên gia cũng chỉ ra rằng, suốt nhiều năm qua, một bộ phận nghệ sĩ đã hình thành "công thức bất thành văn": Nổi tiếng rồi tự cho mình đặc quyền, và khi có khủng hoảng - dùng các hoạt động từ thiện như một "lá chắn đạo đức" - để chuộc lỗi.

Ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh: "Nhưng xã hội ngày nay đã thay đổi. Công chúng đã trưởng thành hơn, tỉnh táo hơn và đòi hỏi cao hơn.

Không còn chuyện lấy công chuộc tội, nhất là khi những sai phạm đó gây tổn hại trực tiếp đến niềm tin, tài sản hay sức khỏe cộng đồng. Đây không phải là thời đại của sự né tránh. Đây là thời đại của minh bạch và trách nhiệm.

Nghệ sĩ muốn giữ được ánh hào quang bền vững, họ phải học cách sống đúng mực trong cả khi sân khấu sáng đèn lẫn khi mạng xã hội đang âm ỉ dậy sóng".

Thùy Tiên bị khởi tố: Hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ lạm quyền, bán niềm tin - 2

Hoa hậu Thùy Tiên tại cơ quan công an (Ảnh: VTV).

Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh gọi vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố vì tội "Lừa dối khách hàng" là "hồi chuông cảnh tỉnh không dễ nghe nhưng rất cần thiết" đối với giới nghệ sĩ, KOL và toàn bộ ngành truyền thông.

Theo ông, trong kỷ nguyên mà ai cũng có thể trở thành một "người dẫn dắt" trên mạng xã hội, việc giữ ranh giới giữa chia sẻ và mua bán niềm tin trở nên mong manh.

"Nghệ sĩ, về bản chất, không phải người bán hàng, họ là người kết nối cảm xúc. Nhưng khi truyền thông xã hội mở ra cơ hội kiếm tiền thông qua quảng cáo cá nhân, thì vai trò của nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở việc "chốt đơn" sản phẩm, mà còn là "chốt niềm tin" của hàng triệu người dõi theo họ", ông Minh phân tích.

Và một khi niềm tin đó bị tổn thương, cái giá phải trả không chỉ là tiền bạc. "Đó là cả sự nghiệp, uy tín, thậm chí là sự hiện diện trong đời sống công chúng", ông Minh cảnh báo.

Ông Minh cũng cho rằng, có nhiều nghệ sĩ không cố ý lừa dối khán giả, nhưng vì thiếu kiến thức pháp lý, quản trị hình ảnh kém hoặc quá tin vào ê-kíp truyền thông, họ trở thành mắt xích vô tình trong những chiến dịch quảng bá không minh bạch, sai lệch bản chất sản phẩm.

Chuyên gia Hồng Quang Minh bày tỏ quan điểm: "Hiện nay, mức xử phạt hành chính 60-80 triệu đồng cho hành vi quảng cáo sai sự thật là quá nhẹ nếu so với lợi nhuận thực tế có thể kiếm được từ một post quảng cáo.

Khi chi phí marketing cho một sản phẩm chiếm từ 25% đến 60% tổng doanh thu, thì việc đầu tư vào người nổi tiếng để truyền thông sai lệch rất dễ bị các nhãn hàng, thậm chí là những doanh nghiệp mập mờ lạm dụng.

Và nếu nghệ sĩ không đủ tỉnh táo để biết đâu là giá trị thật, đâu là ranh giới đạo đức, thì chính họ sẽ trở thành "tài sản truyền thông bị định giá lại" bởi chính sai lầm của mình".

Ông Hồng Quang Minh chia sẻ thêm rằng, vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên còn là một tiếng cảnh báo cho cả một thế hệ nghệ sĩ đang lao vào cơn lốc livestream và "nền kinh tế người ảnh hưởng".

Ở đó mỗi nút chia sẻ, mỗi cú click, mỗi món hàng được bán hết, dường như hấp dẫn hơn cả một bản thu âm chỉn chu hay một vở diễn đổ mồ hôi suốt mấy tháng trời.

Theo ông Minh, thế hệ nghệ sĩ ngày nay đặc biệt là lớp trẻ lớn lên cùng mạng xã hội, họ không chỉ hát hay, diễn tốt mà còn phải giỏi nắm bắt trào lưu, xu hướng, đọc mong muốn khán giả và... học cách bán hàng.

Chuyên gia khẳng định: "Không sai khi nghệ sĩ tìm cách tận dụng sức ảnh hưởng của mình để kiếm tiền. Sai, là khi họ đánh mất ý thức rằng mình đang giao dịch bằng niềm tin, không chỉ là lượt view".

Thùy Tiên bị khởi tố: Hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ lạm quyền, bán niềm tin - 3

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong một phiên livestream bán kẹo Kera (Ảnh: Y.T.).

Môi trường quảng cáo sạch và vai trò của truyền thông trong định hướng văn hóa thần tượng

Vụ việc của Thùy Tiên đặt ra yêu cầu cấp thiết: Cần xây dựng ngành công nghiệp quảng cáo, tiếp thị có đạo đức. Và người tiêu dùng không trở thành nạn nhân của trò đánh tráo niềm tin.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, điều quan trọng nằm ở nhận thức và trách nhiệm cá nhân của nghệ sĩ.

"Người bán thì phải có người mua. Nếu người bán không có lương tâm mà người mua lại cả tin, thì sự lừa đảo sẽ còn tiếp diễn.

Truyền thông cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nhận biết các chiêu trò, tránh trở thành nạn nhân. Còn nghệ sĩ, nếu đã chọn con đường ảnh hưởng công chúng thì phải chịu trách nhiệm trước xã hội về lời nói và hành động của mình.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về người quảng bá, mà cả người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Nếu các bên đều có ý thức, những vụ việc tương tự sẽ giảm đi, và môi trường văn hóa - nghệ thuật cũng trở nên lành mạnh hơn", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho hay.

Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, nghệ sĩ, hay bất kỳ người ảnh hưởng nào cần xây dựng một nguyên tắc cá nhân rất rõ về loại sản phẩm mình không bao giờ nhận quảng cáo, về mức độ kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ.

Nghệ sĩ phải biết từ chối khi thấy có dấu hiệu không minh bạch, đừng vì hợp đồng hấp dẫn mà nhắm mắt làm ngơ. 

Ông Minh chia sẻ: "Điều quan trọng hơn cả là sau khi họ mãn hạn tù, hay trả giá đủ với pháp luật, cần có một nền tảng pháp lý chặt chẽ hơn, một hệ sinh thái truyền thông có đạo đức hơn. Và quan trọng nhất là sau đó, những nghệ sĩ dám sống thật với vai trò của mình: Một người truyền cảm hứng, không phải một chiếc "biển quảng cáo" biết đi". 

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng nhận định rằng, một ngành quảng cáo - tiếp thị có đạo đức không thể hình thành chỉ bằng các khẩu hiệu "sạch", "minh bạch", hay những chiến dịch mang tính phong trào.

Theo ông, nó cần một cuộc cải tổ bắt đầu từ ba trụ cột: Doanh nghiệp - người làm truyền thông - người có ảnh hưởng.

Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng cơ chế đánh giá tín nhiệm minh bạch, hợp đồng công khai, và văn hóa ảnh hưởng có trách nhiệm.

Đặc biệt, ông Long cho rằng, trong thời đại mạng xã hội, người tiêu dùng và các nền tảng công nghệ cũng nắm quyền lực không nhỏ: "Người tiêu dùng không còn là đối tượng bị động của quảng cáo. Mỗi lượt không mua, mỗi lần hủy theo dõi, mỗi dòng bình luận đòi hỏi đạo đức - đều là hành động tạo áp lực và góp phần định hình lại chuẩn mực thị trường".

Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok… cũng phải có trách nhiệm. Trong khi chế tài từ cơ quan chức năng còn nhẹ và gián tiếp, thì việc bị nền tảng "gỡ bài, khóa tài khoản, mất quyền thương mại hóa" lại là thứ mà nhiều nghệ sĩ lo ngại nhất. Đây là lúc cần thiết lập "cơ chế đánh giá tín nhiệm công khai đối với người làm nội dung" trên các nền tảng.

Cuối cùng, theo chuyên gia Hồng Quang Minh, chính truyền thông - với vai trò định hướng dư luận - phải là người kiến tạo lại văn hóa thần tượng.

Không phải thứ văn hóa đặt nghệ sĩ lên bục thờ, mà là văn hóa đối thoại - nơi nghệ sĩ được yêu vì tài năng, tôn trọng vì đạo đức và có trách nhiệm với từng hành vi của mình.

Truyền thông cần dũng cảm đặt câu hỏi, đào sâu bản chất thay vì chạy theo lượt view hay hiệu ứng đám đông.

Sự tử tế, minh bạch và chuẩn mực chính là ngọn đèn soi đường cho một môi trường showbiz văn minh - nơi danh tiếng không đồng nghĩa với đặc quyền, và ảnh hưởng đi kèm trách nhiệm.