Phát hiện cá thể cá mập ma sơ sinh siêu hiếm
(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá, đây là phát hiện rất quan trọng về loài cá mập ma, bởi trong lịch sử hiếm khi con người được chứng kiến cá thể sơ sinh của loài này.
Một cá thể cá mập ma sơ sinh quý hiếm vừa được nhóm nghiên cứu phát hiện ở độ sâu khoảng 1.200 m gần đảo Nam, New Zealand. Cá mập ma vốn là loài ít được biết tới, sống ở rất sâu dưới đáy đại dương.
Nó còn được gọi là "Chimaera", vốn là loài quý hiếm có vây hình cánh. Loài này có họ hàng với cá mập và cá mú. Nhưng cá mập ma đã tách khỏi chi này khoảng 300 triệu năm. Tổ tiên cuối cùng của chúng sống cách đây gần 400 triệu năm.
Sở dĩ bị xếp vào loài sinh vật huyền bí nhất dưới đáy đại dương bởi các chuyên gia rất hiếm khi ghi hình được loài này. Chúng sống ở tầng rất sâu của đại dương ôn đới, khoảng 2.600 m dưới đáy biển. Số ít xuất hiện ở độ sâu hơn 200 m.
Theo Viện nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand (NIWA), cá thể này có cơ thể tương đối giống thạch, với đầu nhọn và cặp mắt đen lớn.
Con vật bị mắc lưới trong chuyến khảo sát của NIWA ở độ sâu hơn 1.000 m dưới biển nhằm đánh giá số lượng một loài cá địa phương.
Do bụng của cá thể này chứa đầy lòng đỏ trứng nên các chuyên gia nhận định nó mới nở. Được biết, loài này cũng giống như nhiều loài cá mập khác và cá đuối, chúng đẻ trứng dưới đáy biển và con non ăn lòng đỏ trứng cho tới khi nở ra.
"Chúng ta chưa biết nhiều về cá mập ma. Những gì biết được hầu hết là các mẫu vật trưởng thành. Rất hiếm khi thấy con non của loài này nên chúng tôi rất phấn khích", bà Brit Finucci, thành viên trong nhóm nghiên cứu tại NIWA, chia sẻ.
Các chuyên gia cũng tin rằng, nhờ phát hiện này sẽ bổ sung thêm hiểu biết về giai đoạn con non của loài. Sau đó, họ có thể so sánh với dạng trưởng thành để tìm hiểu sự thay đổi màu sắc, kích thước và thói quen ăn uống từ giai đoạn sơ sinh tới trưởng thành.
Cá mập ma có hình dáng bên ngoài khá kỳ lạ với những chiếc vây hình cánh, phần đầu và mặt chứa nhiều tế bào giác quan giúp chúng dễ dàng cảm nhận chuyển động trong nước và định vị chính xác con mồi nhờ cảm biến đặc biệt trên mũi.
Chúng có cơ thể thuôn dài mềm mại với cái đầu cồng kềnh và một lỗ mang. Loài này có thể phát triển chiều dài lên tới 1,5 m. Da của chúng mịn và trần trụi, không có vảy bong bóng. Để tự vệ, hầu hết những con cá mập ma đều có một gai độc ở phía trước vây lưng. Đây là cách để chúng "bay" qua nước.
Không giống như tên gọi "đáng sợ" của mình, cá mập ma thường chỉ ăn những loài nhuyễn thể. Còn đối với những nhà nghiên cứu, đây vẫn là loài sinh vật khá bí ẩn.