Câu chuyện phía sau dòng chữ kỳ lạ khiến ai đi qua nhìn thấy cũng bị ám ảnh

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dòng chữ được viết nguệch ngoạc trên tòa tháp cao suốt hơn 70 năm khiến bất cứ ai đi ngang qua vô tình nhìn thấy cũng bị ám ảnh.

Dòng chữ được viết theo phong cách graffiti xuất hiện trên tòa tháp cao chót vót ở Hagley, một ngôi làng nhỏ thuộc hạt Worcestershire, Anh, với nội dung "Ai đã nhét Bella vào gốc cây du?" Suốt hơn 70 năm qua, đến nay vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

Với nhiều người dân và du khách khi tới đây, vô tình nhìn thấy dòng chữ lạ, đa phần cho biết họ cảm thấy bị ám ảnh.

Câu chuyện phía sau dòng chữ kỳ lạ khiến ai đi qua nhìn thấy cũng bị ám ảnh

"Ai đã nhét Bella vào gốc cây du?"

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều tháng 4/1943. Bốn cậu thanh niên từ một ngôi làng lân cận đi săn trứng chim ở Hagley Wood thì họ bắt gặp một cây du lớn. Trong phần thân rỗng của cây đại thụ này, cả nhóm phát hiện ra thứ giống như một hộp sọ của động vật. Nhưng sau khi nhìn kỹ, 4 thanh niên kinh hoàng khi nhận ra hộp sọ đó có cả tóc và răng của người.

Tất cả rất sợ hãi và cho rằng đã xâm phạm vào vùng đất của ai đó nên lặng lẽ đặt hộp sọ vào chỗ cũ. Chúng thỏa thuận với nhau không được ai hé lộ ra phát hiện khủng khiếp này với người khác.  

Câu chuyện phía sau dòng chữ kỳ lạ khiến ai đi qua nhìn thấy cũng bị ám ảnh - 1
Phần hộp sọ của nạn nhân được tìm thấy trong hốc cây (Ảnh: Amusing).

Nhưng bí mật này quá sức chịu đựng với Tommy Willetts - em út của cả nhóm. Tommy kể toàn bộ sự việc cho cha mẹ mình. Sau đó, những người này báo lại cảnh sát.

Khi cảnh sát tiến hành kiểm tra hiện trường, họ không chỉ tìm thấy hộp sọ tách rời khỏi bộ hài cốt, mà còn có bộ xương gần như hoàn chỉnh cùng một chiếc giày, một chiếc nhẫn cưới bằng vàng và một số mảnh quần áo. Một bàn tay bị đứt lìa khỏi cơ thể cũng được phát hiện chôn gần đó.

Các chuyên gia pháp y xác nhận, đây là bộ xương của một phụ nữ chừng 35 tuổi, tử vong ít nhất 18 tháng trước. Mảnh vải taffeta trong miệng nạn nhân cho thấy cô đã chết vì ngạt thở. Ngoài ra, theo kết quả nhận định ban đầu, người phụ nữ bị sát hại và nạn nhân bị đẩy vào thân cây khi "cơ thể vẫn còn ấm". Bởi lẽ, một khi thi thể đã co cứng sẽ không nhét vừa hốc cây đó.

Tuy vậy, cảnh sát không thể xác định được danh tính nạn nhân. Thời điểm đó, Thế chiến thứ 2 đang diễn ra rất gay gắt là nguyên nhân cản trở công tác điều tra. Rất nhiều nam giới và phụ nữ đã tham chiến hoặc chuyển đi nơi khác, bị báo mất tích nên cuộc điều tra dần rơi vào ngõ cụt.

Dòng chữ bí ẩn xuất hiện và những giả thuyết

Đến mùa Giáng sinh năm đó, những hình vẽ graffiti bí ẩn bắt đầu xuất hiện trong làng. Đó là những chữ viết in hoa bằng phấn trắng: "Ai đã nhét Bella vào gốc cây du?"

Đây cũng là lần đầu tiên, nạn nhân được gọi bằng tên chính thức. Theo các cảnh sát, điều này chứng tỏ chủ nhân của những dòng chữ này có quen biết với người phụ nữ xấu số, hoặc đây chính là hung thủ để lại lời nhắn trong vụ giết người. Phải chăng đây là cách hung thủ cố ý chế giễu cảnh sát bằng cách gửi thông điệp như một lời thách thức?

Dần dần, cái tên Bella nổi tiếng khắp vùng. Mọi người đều nhận định đây là tên của nạn nhân và ngay chính các cảnh sát cũng sử dụng nó để điều tra.

Kết quả ban đầu cho thấy, họ nhận được thông tin về một cô gái bán hoa có tên Bella sống ở Birmingham, mất tích năm 1941. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức.

Câu chuyện phía sau dòng chữ kỳ lạ khiến ai đi qua nhìn thấy cũng bị ám ảnh - 2
Dòng chữ được viết trên tòa tháp cao, gây ám ảnh suốt gần một thế kỷ (Ảnh: Amusing).

Nhờ những dòng chữ graffiti liên tục xuất hiện và dai dẳng khiến bí ẩn vụ án giết người không chìm xuống. Nhiều thập kỷ trôi qua, các giả thuyết mới cũng xuất hiện. Một trong số đó liên quan tới giả thuyết nạn nhân là người Hà Lan, chuyển thông tin mật cho Đức Quốc Xã rồi bị thanh trừng vì tội phản quốc. Cái tên Bella cũng được trích từ tên thật của người phụ nữ này.

Từ năm 1970, dòng chữ gây ám ảnh này được sơn lên bức tường trong lâu đài Công tước Wychbury Obelisk ở công viên Hagley. Phía cảnh sát vẫn không ngừng điều tra vụ án. Hơn nửa thế kỷ sau kể từ thời điểm phát hiện ra thi thể nạn nhân, hồ sơ vẫn được mở tới năm 1999. Tuy nhiên, hầu hết các nhân chứng không còn nữa và danh tính thực sự về người phụ nữ "Bella" cùng chủ nhân dòng chữ trên vẫn sẽ là một ẩn số.

Tới thời điểm hiện tại, vụ án không bị quên lãng nhưng gần như rơi vào ngõ cụt. Nhiều người vẫn mong rằng danh tính của "Bella" sẽ được xác nhận, qua đó phần nào giúp xoa dịu nỗi đau của người đã khuất.