Người sở hữu thương hiệu "phở Thìn" nói gì giữa lùm xùm nhượng quyền?
(Dân trí) - Hà Nội có hai thương hiệu Phở Thìn gồm "Phở Thìn Bờ Hồ" và "Phở Thìn 13 Lò Đúc". Nhiều người hay nhầm lẫn trước 2 thương hiệu cùng mang một tên "Thìn", nhưng thực tế lại không cùng "huyết thống".
Quán Phở Thìn ở Bờ Hồ do cụ Bùi Chí Thìn (1928-2001) thành lập năm 1955. Quán đơn sơ, giản dị, đậm chất phố phường Hà Nội với bàn ghế đặt dọc theo con ngõ trên góc phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) gần 70 năm qua.
Ngày nay, quán do cháu đích tôn nhà họ Bùi, là anh Bùi Chí Thành (34 tuổi) tiếp quản. Quán phục vụ phở tái, chín, nạm, gầu. Bát phở có nước trong mang hương vị đậm đà, hòa quyện cùng sợi bánh mềm mại.
Theo ước tính, mỗi năm, Phở Thìn Bờ Hồ thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Từ đó, danh tiếng cửa hàng được truyền đi khắp bốn phương, vượt qua biên giới Việt Nam, chinh phục nhiều quốc gia khác. Cửa hàng cũng thường xuyên xuất hiện trong các bài báo, tạp chí, quảng cáo về ẩm thực.
Năm 2005, Phở Thìn Bờ Hồ được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu "Phở Thìn", theo các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 61194 và 277810.
Như vậy, theo văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu "Phở Thìn" thuộc về gia đình anh Thành. Nhiều người có thói quen gắn thêm địa danh Bờ Hồ thành Phở Thìn Bờ Hồ để dễ phân biệt.
Chủ thương hiệu là ông Bùi Chí Đạt (chú ruột của anh Bùi Chí Thành), địa chỉ ghi trên cổng thông tin của Cục Sở hữu Trí tuệ là: Số 2 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng).
Trao đổi với PV Dân trí, anh Bùi Chí Thành cho biết, số 2 Lò Đúc là địa chỉ nhà trên chứng minh thư của ông Đạt, nhưng trên thực tế gia đình ông sinh sống tại số 1 Lê Văn Hưu.
"Chúng tôi sẽ sớm chuyển địa chỉ thương hiệu về số 1 Lê Văn Hưu để tránh nhầm lẫn", anh Thành nói.
Năm 2013, sau khi hết hạn bảo hộ thương hiệu, gia đình anh Thành tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký. Hai năm sau, thương hiệu "Phở Thìn" được cấp bằng, có hiệu lực đến ngày 26/12/2024.
Năm 2019, Phở Thìn Bờ Hồ vinh dự là món ăn được phục vụ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Số lượng phục vụ tới 4.000 bát.
Ngoài 61 Đinh Tiên Hoàng, hiện Phở Thìn Bờ Hồ có thêm 2 chi nhánh (số 1 Lê Văn Hưu, số 1 Hàng Tre). Các quán này do các con cháu trong gia đình họ Bùi quản lý.
Quán Phở Thìn 13 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do ông Nguyễn Trọng Thìn (71 tuổi) xây dựng từ năm 1979. Quán chủ yếu phục vụ món phở bò tái lăn "trứ danh", mức giá có thời điểm lên đến 90.000 đồng/bát từng gây tranh cãi dữ dội.
Năm 2009, ông Thìn được mời sang Hàn Quốc dạy nấu phở bò tái lăn. Cửa hàng có tên "Pho Tang" được ra đời sau đó tại xứ sở kim chi, với hàm ý phở nấu từ công thức do người Việt tặng, cũng như một lời biết ơn với món phở của ông Thìn.
10 năm sau, Phở Thìn Lò Đúc một lần nữa thu hút sự chú ý khi mở chi nhánh tại Nhật Bản.
Năm 2021 là thời điểm thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chuyển mình mạnh mẽ, nhiều chi nhánh được mở tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM; thậm chí tại nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Mỹ...
Ông Nguyễn Trọng Thìn nhiều lần đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc tuy nhiên đều bị từ chối hoặc hồ sơ đang trong trạng thái giải quyết.
Chủ nhãn hiệu "Phở Thìn": "Chúng tôi bán phở, tập trung giữ gìn hương vị"
Vài ngày gần đây, khi thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc xảy ra lùm xùm, anh Bùi Chí Thành cho biết, quán của anh ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Khi Phở Thìn Lò Đúc bán thương hiệu ở khắp nơi, nhiều người đã nhầm lẫn đó là Phở Thìn nhà tôi. Họ nghĩ nhà tôi nhượng quyền, mở nhiều cửa hàng. Việc nhiều người nhầm lẫn giữa hai thương hiệu đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, chuyện cũng chưa có gì nặng nề cho đến khi ông Thìn nhượng quyền ở nhiều nơi", anh Thành nói.
Người đàn ông này cũng cho biết, quán của gia đình anh mở trước quán Phở Thìn 13 Lò Đúc. Quán chuyên bán phở truyền thống (tái, chín, nạm, gầu) và không bao giờ bán phở tái lăn - món đã gắn với tên tuổi của ông Nguyễn Trọng Thìn. Từ trước đến nay, nhiều khách đã phân biệt được Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn Lò Đúc. Tuy nhiên, có một số người vẫn nhầm lẫn.
Nhiều khi người ta ăn ở chi nhánh "Phở Thìn Lò Đúc" không ngon thì họ lại nói chung là: "Ôi Phở Thìn không ngon". Nhiều người vì thế sẽ nghĩ đó là bao gồm cả Phở Thìn ở Bờ Hồ. Rõ ràng chúng tôi không liên quan nhưng nhiều người lại hiểu nhầm", anh Thành nói.
Cũng theo anh Thành, từ trước đến nay, gia đình anh nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác mở thêm quán, đặc biệt là sau thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, anh cho rằng, câu chuyện kinh doanh hàng ăn uống không đơn giản, nhất là việc mở rộng sẽ liên quan đến lợi nhuận đầu tư và kiểm soát chất lượng.
"Tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Nếu không kiểm soát được chất lượng thì không vội vã mở rộng. Với gia đình tôi, phở là văn hóa, là tâm huyết của cha ông nên tôi muốn tập trung gìn giữ hương vị truyền thống.
Chúng tôi bán phở, tập trung vào sản phẩm, không bán thương hiệu, đánh bóng tên tuổi. Nếu có mở rộng trong tương lai, tôi sẽ theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi và bắt buộc phải kiểm soát được chất lượng", anh Thành khẳng định.