Lùm xùm về "truyền nhân" Phở Thìn: Liệu có phải chiêu trò?

Mộc An

(Dân trí) - Chuyên gia marketing nêu 3 kịch bản cho câu chuyện về thương hiệu Phở Thìn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc tranh chấp này là hoạt động truyền thông.

Câu chuyện xung đột giữa nhà sáng lập Nguyễn Trọng Thìn và người tự nhận chịu trách nhiệm vận hành Đoàn Hải Trung nhận được chú ý của dư luận. Các mâu thuẫn hiện liên quan tới việc đăng ký kinh doanh, ủy quyền kinh doanh nhượng quyền đối với thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. 

Ông Đỗ Quốc Việt Anh, chuyên gia marketing có hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường cho rằng có thể xảy ra 3 kịch bản:

Thứ nhất, đây có thể là hoạt động truyền thông tạo xung đột, thu hút dư luận và đẩy cao trào, sau đó giải quyết xung đột - đồng thuận và phát triển mới.

Thứ hai, tranh luận thông thường giữa hai cá nhân ở cấp thượng tầng do mâu thuẫn về quan điểm và phát ngôn.

Thứ ba, có thể xuất hiện một bên thứ ba tham gia và tiến hành quy trình bao gồm: Tận dụng mâu thuẫn - Thu hút dư luận và đẩy cao trào - Phá vỡ hợp tác cũ - Đưa ra mô hình phát triển chuỗi mới - Chính thức phát triển mô hình chuỗi phở thương hiệu này minh bạch và tiêu chuẩn hơn.

Vì kịch bản 2 hay 3 là câu chuyện chỉ người trong cuộc mới rõ, ông Đỗ Quốc Việt Anh phân tích kịch bản đầu tiên. Theo ông, với kịch bản này, sẽ có 2 nhóm đối tượng chịu tác động ngắn hạn gồm người tiêu dùng và các đối tác nhượng quyền.

Tác động ngắn hạn tới người tiêu dùng

Đối với người tiêu dùng, câu chuyện tranh cãi giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung sẽ có tác động ngắn hạn. Những thông tin ồn ào được thổi bùng lên trong thời gian ngắn sẽ tạo ra sự chú ý, gợi ý tò mò muốn thử với người tiêu dùng cũng như tạo nhận thức phân biệt giữa Phở Thìn Lò Đúc và Phở Thìn Bờ Hồ.

Tuy vậy chuyên gia này cho rằng nếu chỉ hướng tới mục tiêu này, trên thực tế có cách triển khai khác như tranh cãi về ẩm thực, trải nghiệm và kết thúc bằng việc nấu một bát Phở Thìn sao cho chuẩn. Nhưng đến hiện nay khi cao trào lên tới mức về pháp lý với tố cáo về sự giả mạo hay sự chính trực của cá nhân thì đó không còn là câu chuyện tự diễn.

Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản giúp bồi đắp cho một thương hiệu tốt là sự liên tưởng, chất lượng, trách nhiệm xã hội không hề xuất hiện trong sự việc này.

Điều khiến người yêu thích Phở Thìn có thể băn khoăn về đồng nhất chất lượng sản phẩm dịch vụ trong bối cảnh nhà sáng lập và người điều hành có mâu thuẫn có thể khiến việc vận hành kém đi.

Lùm xùm về truyền nhân Phở Thìn: Liệu có phải chiêu trò? - 1

Ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung (áo cổ trắng) tại một sự kiện (Ảnh: DT).

Ảnh hưởng tới hoạt động nhượng quyền

Với các đối tác nhượng quyền hiện tại và những khách hàng nhượng quyền tương lai, điều họ cần là sự nhận biết rộng rãi của người tiêu dùng, nhưng bên cạnh đó cũng là những yếu tố cơ bản nhất như tính pháp lý, năng lực kiểm soát hệ thống và giải quyết tranh chấp, năng lực đóng gói tri thức chuyển giao.

Theo ông Việt Anh, mâu thuẫn, xung đột về thượng tầng sẽ gây tác động tiêu cực đến những yếu tố trên. Điều đó sẽ khiến những khách hàng nhượng quyền trong tương lai có thể e ngại phần nào. Trong khi đó, mô hình này lại an toàn để bắt đầu kinh doanh trong một lĩnh vực mới.

Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ, 20% doanh nghiệp nhỏ mới thành lập thất bại trong 2 năm đầu tiên, 45% trong 5 năm đầu tiên và 65% trong 10 năm. Trong khi đó, một khảo sát của hãng nghiên cứu Frannet trên 1.500 doanh nghiệp nhượng quyền từ năm 2006 đến năm 2010 cho thấy mô hình này có tỷ lệ thành công cao hơn. Khảo sát cho thấy khoảng 92% doanh nghiệp nhượng quyền vẫn hoạt động sau 2 năm và 85% hoạt động sau 5 năm.

Nhưng để một chuỗi nhượng quyền thành công thì không dùng đến chiêu trò. KFC là một ví dụ về nhượng quyền thương mại điển hình với mức định giá năm 2020 là 5,4 tỷ USD. Thành công của chuỗi này đến từ việc đổi mới sản phẩm, cam kết chất lượng dịch vụ và các mục tiêu thống nhất giữa tất cả các bên nhận quyền.

Theo ông Việt Anh, thất bại đối với một chuỗi nhượng quyền về lý thuyết đến từ 3 yếu tố chính, đó là: Mục tiêu không phù hợp, thiếu kinh phí phát triển và không chấp nhận thay đổi.

Trong một cộng đồng chuyên về marketing cũng xuất hiện chủ đề bàn luận về tác động tới thương hiệu Phở Thìn khi xảy ra sự việc mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung. Không ít ý kiến cho rằng đây có thể là chiêu thức truyền thông của thương hiệu này. 

Một số chuyên gia trong ngành đánh giá đã có hiệu ứng về truyền thông khi xuất hiện các clip phản hồi về chất lượng Phở Thìn trên mạng xã hội như TikTok, từ đó sẽ có một lượng người chưa ăn tò mò muốn thử. 

Cũng có người bình luận rằng người tiêu dùng ở Hà Nội sẽ lựa chọn những quán phở ngon, giá vừa phải và thuận tiện về vị trí. Yếu tố vị trí quyết định việc họ lựa chọn quán chứ không hẳn thương hiệu.

Còn trên thực tế, bình luận tại các bài viết về lùm xùm "truyền nhân" Phở Thìn, không ít độc giả cho biết chất lượng của thương hiệu trên cũng ở mức bình thường...

Dòng sự kiện: Ồn ào Phở Thìn