Biến Việt Nam thành "Bếp ăn thế giới", nhu cầu ngành đầu bếp càng cấp thiết

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nhu cầu ngành đầu bếp tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi thị trường ngày càng cần những đầu bếp được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, đưa ẩm thực Việt vươn xa thế giới.

Ngày 26/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam (VICA) ra mắt danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thường Quân - Trưởng ban tổ chức, cho biết, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm nhu cầu nhân lực của ngành cần bổ sung khoảng 40.000 lao động, trong đó nghề bếp chiếm từ 8-10%.

Mỗi năm có khoảng 15.000 lao động được đào tạo và cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trên tổng số lao động nghề bếp được đào tạo một cách bài bản". 

Trong khi đó, kỹ thuật chế biến món ăn (nghề bếp) là một trong những nghề đã có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong các quốc gia ASEAN. Nhưng hiện tại, đầu bếp Việt Nam vẫn chưa tham gia được trong việc ứng tuyển các vị trí đầu bếp tại các khách sạn cao cấp (4, 5 sao) trong khu vực.

Biến Việt Nam thành Bếp ăn thế giới, nhu cầu ngành đầu bếp càng cấp thiết - 1

Đại hội Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 (Ảnh: Huy Hoàng).

Bởi vậy theo ông Quân, VICA hướng tới phát triển công tác dạy nghề và việc làm nghề bếp rộng khắp cả nước, giúp nâng cao chất lượng nghề bếp, phù hợp với xu thế phát triển, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

"Từ đó góp phần lan tỏa tinh hoa ẩm thực Việt, đưa Việt Nam trở thành Bếp ăn thế giới, góp phần vào sự tăng trưởng du lịch", ông Quân nói.

Cùng chung nhận định, ông Lê Đình Chiến, nguyên phó TGĐ công ty liên doanh Intrepid Travel, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng nhu cầu và cơ hội nghề bếp tại Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, năng lực tuyển dụng và đào tạo đang có khoảng cách rất xa so với nhu cầu của xã hội.

"Xuất phát từ nhu cầu và thực tế khách quan, việc thành lập một tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm nghề bếp vào lúc này là cần thiết và kịp thời. Đây là lý do cần thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm nghề bếp như VICA", ông Chiến phát biểu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tầm quan trọng của nghề đầu bếp với sự phát triển chung của ngành du lịch, ông Chiến cho rằng, hậu Covid-19, ngành du lịch đang trên đà phục hồi rất nhanh. Du lịch không chỉ đơn thuần là đi chơi, còn bao gồm cả ăn uống với nhu cầu rất cao. Trong khi đó tính tới thời điểm hiện tại, lực lượng trong ngành đầu bếp đang thiếu hụt nhân sự lớn.

Mỗi năm chúng ta chỉ đáp ứng cho thị trường khoảng 40.000 lao động trong toàn bộ lực lượng của ngành du lịch. Trong đó lực lượng trong ngành bếp được đào tạo bài bản chỉ chiếm khoảng 30%. Bởi vậy, nhu cầu đào tạo trong ngành bếp trở nên vô cùng cấp thiết.

"Tôi kỳ vọng sự ra đời của VICA sẽ là một cú hích để qua đó có thể phát triển nhanh, mạnh để cung cấp ra thị trường lực lượng lao động chuyên nghiệp, bài bản hơn. Hiệp hội sẽ đóng vai trò tăng sự kết nối giữa đơn vị đào tạo và nơi sử dụng lao động, tạo ra cơ hội việc làm cho các đầu bếp, tăng cơ hội hợp tác quốc tế, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt đồng thời vinh danh nghề đầu bếp, định hướng nghề nghiệp cho những đối tượng là học sinh, sinh viên".

Theo tìm hiểu, hiện mức lương những người trong nghề đầu bếp làm việc tại khách sạn 4 sao, nhà hàng cao cấp có thể đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng.

Đại hội Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 đã bầu ra 35 thành viên ban chấp hành trong đó ông Nguyễn Thường Quân là Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam. Giữ chức vụ phó Chủ tịch Hiệp hội gồm ông Lê Đình Chiến - nguyên Giám đốc điều hành Buffalo Tours, phó TGĐ công ty liên doanh Intrepid Travel, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; ông Nguyễn Sỹ Chí - Phó Giám đốc công ty cổ phần Năng lượng tái tạo, Giám đốc dự án điện gió Cầu Đất, chuyên gia phát triển dự án, chuyên gia hợp tác đào tạo và ông Trần Hữu Vũ - Bếp trưởng điều hành Crystal Palace (TPHCM).