Chàng trai Hải Dương đi rừng sâu, ăn rau dại, ngủ võng cao 40m
(Dân trí) - Đam mê đi rừng và cắm trại hoang dã, anh Nguyễn Đức Bình từng nhiều lần trải nghiệm bắt côn trùng, kiếm rau dại trong rừng để sinh tồn trong vài ngày.
Mê đi rừng, cắm trại hoang dã
Anh Nguyễn Đức Bình quê Hải Dương là một trong những người đam mê rừng từ bé. Vốn tính cách hướng nội, anh Bình thích tới những nơi nào vắng vẻ yên tĩnh. Anh nhận thấy, hình thức cắm trại hoang dã rất phù hợp với bản thân.
Chuyến đi rừng lần đầu của anh vào năm 2017. Đó là một khu rừng già thuộc núi Cham Chu ở tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là chuyến đi để lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
"Khoảng 19h tối, tôi làm nhiệm vụ đi kiếm đồ ăn trong rừng. Thông thường mỗi người chỉ chuẩn bị chút gạo, nước, một ít đồ ăn nên nguồn thực phẩm chính vẫn phải phụ thuộc vào rừng.
Trong rừng có gì, chúng tôi sẽ ăn cái đó. Đó là chút rau rừng, săn ếch trong đêm, câu tôm bắt cua dưới suối hay thậm chí bắt cả côn trùng như nhện, ve, châu chấu, dế mèn cũng đủ cho một bữa ăn tạm đủ chất dinh dưỡng", anh nói.
Sau một hồi loay hoay kiếm thực phẩm, chàng trai Hải Dương bị lạc đường. Do chưa có kinh nghiệm nên anh lần mò mãi không tìm được đường về. Tới gần nửa đêm anh mới tìm về tới lán trại. Đây cũng là lần đầu anh được trải nghiệm cảm giác lạc trong rừng đáng sợ thế nào.
Gần chục năm qua, anh Bình vẫn giữ niềm đam mê với rừng sâu như ngày đầu. Nơi anh chinh phục thường là những khu rừng phía bắc. Mỗi nơi lại có những đặc điểm riêng biệt nên không chuyến nào giống nhau. Có mảnh rừng chỉ cần loanh quanh đi một khoảnh đất là đủ rau ăn mấy ngày, nhưng cũng có rừng đi 4-5km không kiếm nổi chút rau.
Và cũng ngần đó thời gian, chàng trai 9X được tự mình rèn luyện nhiều kỹ năng và kiến thức sinh tồn. Để đảm bảo an toàn, anh đặt thêm những dụng cụ bảo hộ chuyên dụng từ nước ngoài.
"Đồ đi rừng nhiều vô kể nhưng quan trọng nhất mỗi người phải rèn kỹ năng, mang theo những vật dụng tối thiểu như dao, bật lửa, đèn pin, lều bạt. Tuy nhiên từng chuyến lại có cách chọn đồ khác nhau cho phù hợp với địa hình. Ngoài ra, người đi rừng cần học kiến thức để phân loại động thực vật có độc hay không độc", anh chia sẻ kinh nghiệm.
Mắc võng cao 40m để ngủ, bắt côn trùng kiếm rau dại ăn tạm
Mới đây, chuyến đi rừng gần nhất của anh diễn ra trong 5 ngày 4 đêm ở núi Cham Chu, tỉnh Tuyên Quang. Trước chuyến đi, anh dành một năm tìm hiểu cách dùng thiết bị bảo hộ, leo trèo, mắc võng trên cây nhưng vẫn biết cách gìn giữ bảo tồn thiên nhiên.
Nhằm đảm bảo an toàn, Bình tới khảo sát trước địa hình để tìm nơi phù hợp có nguồn nước, cây cao thẳng để mắc võng. Lựa chọn cây cần đảm bảo nhiều yếu tố như cao trên 40m với tán vượt khỏi rừng mới đủ ánh sáng để quay phim chụp ảnh, có độ an toàn nhất định, nằm gần khu trại chính để tiện sinh hoạt chung cho cả đoàn. Ngoài ra, người tham gia cần khảo sát xung quanh cây có tổ ong hay không, nếu gặp mưa gió sấm sét có dễ bị gãy đổ.
Ngoài ra, trước khi vào rừng, người tham gia cần thông báo và được kiểm lâm cho phép. Họ cần cam kết không săn bắt động vật quý hiếm, chặt phá các cây gỗ quý, có ý thức giữ gìn hệ sinh thái rừng. Mỗi người mang theo khoảng 55kg thiết bị gồm đồ leo cây, vật dụng cơ bản...
"Xuất phát từ Hà Nội, cả nhóm đi xe lên thẳng Tuyên Quang và ngủ nhờ lán của nhà bạn gần rừng. Sáng hôm sau, tôi ra chợ mua một ít gạo, gia vị rồi 9h đi xe máy theo đường mòn vào rừng. Xe chỉ đi được 5km là phải để bên ngoài. Cả nhóm đi bộ thêm 5km mới tới vị trí cắm trại", anh nói.
Cây được cả nhóm lựa chọn có chiều cao khoảng 45m. 4 thành viên mất 3 tiếng để dọn dẹp, chuẩn bị không gian dưới gốc cây trước khi mắc võng.
Sau đó, một thành viên đeo dây leo cây chuyên dụng để trèo lên cao, tìm vị trí phù hợp mắc dây vào cành, tìm thêm điểm bám cho người leo sau. Tiếp đó, các thành viên dưới đất cùng nhau leo lên. Họ chọn độ cao 40m so với mặt đất để mắc võng.
Nằm võng ở độ cao 40m mang tới cho cả nhóm cảm giác được nằm ngủ cheo leo giữa rừng già. Khi đêm xuống, khi mọi ánh đèn tắt hết, mỗi người cảm nhận rõ sự nguyên thủy của thiên nhiên lẫn tiếng kêu rả rích từ côn trùng.
Cũng như các chuyến trước kia, thực phẩm của đoàn phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Họ đi kiếm rau dại như rau dớn, hoa chuối, rêu xanh, lá lồm. Nguồn đạm chủ yếu từ cua cá tôm dưới suối hay chuột, ếch.
"Chỉ cần bắt chút cua suối, chúng tôi giã nhuyễn lọc lấy nước và cho thêm rau rừng là có nồi canh ngon", anh Bình kể lại.
Chinh phục bằng đam mê nhưng chàng trai Hải Dương thừa nhận đây là loại hình trải nghiệm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tham gia biết chấp nhận nguy hiểm, học được cách sinh tồn ở nơi không điện nước hay mạng Internet.
"Nếu không chịu được bẩn và nền tảng thể lực tốt, người tham gia khó lòng trụ được ở nơi hoang vu như rừng già trong vài ngày", anh Bình nói vui.
Bushcraft Camping (tạm dịch: cắm trại hoang dã) vốn là một hình thức cắm trại được quan tâm trên thế giới nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
Nếu như cắm trại đơn thuần chỉ là hình thức hoạt động giải trí ngoài trời, thì bushcraft yêu cầu người tham gia cần các kỹ năng sinh tồn trong môi trường hoang dã như tự dựng nơi trú ẩn, tìm kiếm nguồn thức ăn trong tự nhiên, rèn luyện kỹ thuật sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, có tư duy để xử lý những tình huống nguy hiểm...
Mọi người tuyệt đối không làm theo hoặc tự ý trải nghiệm loại hình du lịch này nếu không có hướng dẫn viên, chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn.
Ảnh: Nguyễn Đức Bình