Bị phạt gần nửa tỷ đồng vì vẽ bậy lên vách đá ngọn núi linh thiêng
(Dân trí) - Du khách Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vì hành vi kém văn minh. Cũng vì điều này, người đàn ông đã nhận mức phạt gần nửa tỷ đồng.
Vụ việc xảy ra hồi tháng 7/2021 được các nhân chứng có mặt tại hiện trường ghi lại. Theo hình ảnh từ camera cho thấy, một người đàn ông dùng gậy đi bộ, cố tình vẽ bậy lên vách đá của núi Phạm Tịnh trước sự chứng kiến của rất đông du khách khác.
Khi video được chia sẻ lên mạng xã hội, dư luận Trung Quốc rất bất bình trước hành vi trên. Người đàn ông bị bắt không lâu sau đó. Tại cơ quan điều tra, du khách họ Trần đã nhận mọi sai phạm về phía mình.
Ngày 25/3 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Giang Khẩu, tỉnh Quý Châu, đã đưa ra phán quyết yêu cầu bị cáo Trần phải nộp phạt 123.952 nhân dân tệ (hơn 430 triệu đồng) vì hành vi phá hoại của mình.
Phía tòa án cho biết, các vách đá vốn là một phần không thể tách rời của núi Phạm Tịch. Hành vi vẽ bậy, chạm khắc khiến vách đá bị hư hại, rất khó sửa chữa và khôi phục như ban đầu.
"Hành động vi phạm không chỉ gây nguy hiểm tới sự an toàn của ngọn núi, mà còn tổn hại tới môi trường sinh thái, tài nguyên du lịch và các quy định liên quan", đại diện phiên tòa khẳng định.
Trong khi đó, dư luận Trung Quốc đã bày tỏ sự đồng thuận trước phán quyết này. Nhiều người nhận định cần có chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa với bất cứ hành vi gây tổn tại tới các điểm danh lam thắng cảnh.
Núi Phạm Tịnh là ngọn núi cao nhất của dãy núi Vũ Lăng ở phía tây nam Trung Quốc, với đỉnh cao nhất ở độ cao 2.572m so với mực nước biển. Là một địa điểm Phật giáo linh thiêng, núi Phạm Tịnh có rất nhiều ngôi chùa và là một trong năm ngọn núi Phật giáo linh thiêng của Trung Quốc.
Hàng trăm triệu năm trước, núi Phạm Tịnh từ từ nhô lên từ đáy đại dương do lực tác động của trái đất. Những cảnh quan tuyệt đẹp như vách đá dốc thẳng đứng, thung lũng sâu và thác nước được hình thành từ 1 đến 1,4 tỷ năm trước được bảo tồn khá hoàn hảo.
Hiện đây là nơi sinh sống của hơn 2.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các chuyên gia nhận định, đây là "cơ sở dữ liệu gen" của Trung Quốc. Vào tháng 7/2018, ngọn núi này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thiên nhiên. Đây cũng là Di sản Thế giới thứ 53 của Trung Quốc được UNESCO công nhận.