Trận địa pháo ở "tọa độ lửa cầu Hàm Rồng"
(Dân trí) - Trận địa pháo trên đồi C4, thuộc dãy núi Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt ở "tọa độ lửa cầu Hàm Rồng" trong kháng chiến chống Mỹ.
Cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m, đồi C4 nằm trên khu vực núi Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đồi C4 là địa điểm được lựa chọn làm trận địa pháo cao xạ, có nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch nối liền hai miền Nam - Bắc. Đây cũng là nơi bị quân giặc bắn phá ác liệt nhất lúc bấy giờ.

Lô cốt tại trận địa pháo trên đồi C4 (Ảnh: Thanh Tùng).
Trận địa pháo được hình thành vào ngày 31/5/1965, trên diện tích 12ha, với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trận địa pháo được xây dựng gồm hầm chỉ huy, trung đội pháo, hầm đạn, và hầm câu lạc bộ - nơi sinh hoạt của chiến sĩ. Khu vực trung tâm trận địa là nóc hầm chỉ huy. Tại đây, bộ đội ta bố trí 2 vị trí dành cho đại đội phó và chính trị viên phó để quan sát và nhận lệnh phất cờ, ra hiệu cho các khẩu đội nhắm thẳng vào hướng máy bay địch bắn.
Các vị trí xung quanh hầm chỉ huy là 6 lô cốt được đắp cao, gia cố bằng vỏ thùng đạn hoặc thân cây. Đây cũng là vị trí chiến đấu chính của 6 khẩu đội pháo. Mỗi lô cốt có đường kính khoảng 8m, sâu gần 1,5m. Bên trong lòng lô cốt có thiết kế 2 hầm chữ A để bộ đội ẩn náu khi máy bay Mỹ ném bom.

Hầm câu lạc bộ là nơi để chiến sĩ nghỉ ngơi, sinh hoạt (Ảnh: Thanh Tùng).
Tại trận địa pháo còn có hầm câu lạc bộ rộng khoảng 30m2, có hai lối lên xuống nhỏ hẹp. Trong hầm được bố trí bàn ghế và một số vật dụng cần thiết để các chiến sĩ nghỉ ngơi, sinh hoạt và họp chiến thuật.
Theo tài liệu lịch sử, trong 9 năm (1965-1973) chiến đấu kiên cường, các chiến sĩ Đại đội 4 đã tham gia hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó có 2 máy bay B52 và 1 máy bay không người lái.
Trận địa pháo đồi C4 lúc bấy giờ là một trong những nỗi kinh hoàng của phi công Mỹ trong suốt thời gian đánh phá cầu Hàm Rồng. Tuy nhiên, nơi đây cũng chứng kiến nhiều hy sinh của quân ta.
Trong trận đánh ngày 3/9/1967, không quân Mỹ huy động lực lượng lớn, ném bom phá và bom bi nhằm tiêu diệt trận địa pháo, khiến 11 chiến sĩ hy sinh và 30 người khác bị thương.
Năm 1969, Đại đội 4 là đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến năm 1975, trận địa pháo đồi C4 được công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia.
Trải qua 60 năm, nơi đây hiện là địa chỉ đỏ giáo dục cách mạng đối với nhiều thế hệ học sinh tham quan di tích. Cùng với các di tích lân cận như cầu Hàm Rồng, động Long Quang, làng cổ Đông Sơn... trận địa pháo trên đồi C4 là điểm đến tham quan thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương, đặc biệt là các học sinh được trải nghiệm thực tế tại di tích.

Ông Trương Quý Vệ (người bên phải), cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng thăm lại trận địa pháo (Ảnh: Thanh Tùng).
Những ngày này, nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965-3-4/4/2025), đông đảo người dân đến khu vực gần cầu Hàm Rồng và trận địa pháo đồi C4 để chụp ảnh lưu niệm. Đặc biệt, các cựu chiến binh năm xưa trở về đây cũng rất nhiều, họ cùng nhau ôn lại một thời ký ức hào hùng.
Ông Trương Quý Vệ (74 tuổi, ở Hà Nội, người bên phải) - cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng chia sẻ, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trận địa pháo đã đóng góp công lao to lớn cho chiến thắng của cầu Hàm Rồng.
"Hàm Rồng chiến thắng là bản hùng ca bất tử. Sau 60 năm, khi quay lại nơi đây, những ký ức về năm tháng khốc liệt nơi chiến trường cứ thế ùa về trong tâm trí tôi", ông Vệ chia sẻ.