Vợ chồng trẻ tiết kiệm cả tỷ đồng, vẫn ở trọ 40m2 thay vì mua nhà Hà Nội
(Dân trí) - Chị Mai chia sẻ rằng vợ chồng chị luôn ưu tiên sự thoải mái về tinh thần và chất lượng cuộc sống, thay vì vội vàng mua nhà Hà Nội.
Lựa chọn ở trọ khi bạn bè vay nợ mua nhà Hà Nội
Ngọc Mai (28 tuổi) cùng chồng Trần Nam (31 tuổi) sống và làm việc tại Hà Nội hơn 10 năm, từ ngày còn là sinh viên đến lúc kết hôn và có con.
Trái ngược với bạn bè ngược xuôi vay mượn, tìm mọi cách để mua nhà Hà Nội, mong "an cư lạc nghiệp", cặp đôi lựa chọn ở trọ và tận hưởng cuộc sống.
"Ở một thành phố lớn như Hà Nội, việc sở hữu ngôi nhà là giấc mơ của nhiều gia đình trẻ. Gia đình tôi cũng vậy nhưng với chúng tôi, một căn nhà chỉ có ý nghĩa khi có đủ điều kiện và chịu được trách nhiệm với nó", chị Mai nói.
Chị Mai cùng chồng thỏa thuận với nhau từ đầu rằng chỉ khi thực sự ổn định về tài chính và tinh thần mới tính đến chuyện mua nhà. "Nếu quá áp lực với việc trả nợ, chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên căng thẳng và ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng", chị Mai nói.
Gia đình chị Mai hiện sống trong căn phòng trọ rộng 40m2. Căn phòng tuy không rộng rãi như nhà riêng, nhưng đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Phòng có bếp, nhà vệ sinh khép kín, không gian sinh hoạt chung thoải mái cho cả gia đình.
Chị Mai và chồng đều làm công việc liên quan đến truyền thông, thu nhập của hai vợ chồng dao động từ 25 triệu đồng đến 40 triệu đồng/tháng. Có những tháng, chồng chị Mai được thưởng, tổng thu nhập của gia đình có thể tăng lên tới 60-70 triệu đồng.
Tuy nhiên, số lần thưởng rất ít và chủ yếu rơi vào các dịp lễ Tết hay sự kiện lớn của công ty nên không phải nguồn thu nhập ổn định.
"Lương của tôi dao động từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng, trong khi chồng tôi có thu nhập khoảng 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tháng", chị Mai cho hay.
Nhiều người cho rằng với thu nhập như vậy, vợ chồng chị nên mua nhà trả góp thay vì thuê nhà. Quan niệm này xuất phát từ suy nghĩ nếu mua nhà trả góp, sau một thời gian dài trả nợ, căn nhà sẽ thuộc về mình, còn thuê nhà là "mất trắng".
Tuy nhiên, theo chị Mai, mỗi gia đình có một hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau. Việc mua nhà không phải là điều bắt buộc ngay khi có thu nhập tương đối ổn định.
"Nếu chúng tôi quyết định mua nhà lúc này, cuộc sống sẽ phải thay đổi rất nhiều. Thu nhập của vợ chồng tôi tương đối ổn nhưng không phải tháng nào cũng như vậy, số tiền tích lũy cũng không nhiều", chị chia sẻ.
Chị Mai cho rằng nếu vội vàng mua nhà, họ sẽ phải sống "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm các nhu cầu cơ bản như mua sắm, giải trí, thậm chí cả những chi tiêu cần thiết cho con cái.
Quan điểm của vợ chồng chị Mai khá rõ ràng, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn việc sở hữu một ngôi nhà. Họ không muốn con cái phải sống trong cảnh thiếu thốn chỉ để đổi lấy cái "mác" có nhà ở Hà Nội.
"Con chúng tôi cũng cần một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, bản thân chúng tôi cũng vậy. Có người sẽ nghĩ chúng tôi ích kỷ chỉ nghĩ đến trước mắt mà không nghĩ cho tương lai con cái sau này. Nhưng hiện tại, chúng tôi không muốn tạo thêm áp lực tài chính để dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình", chị nói.
Đầu tư sinh lời thay vì vội vàng gom vốn liếng mua nhà rồi oằn mình trả nợ
Dù không vội vàng vay nợ để mua nhà nhưng chị Mai cho biết điều này không có nghĩa là họ không có ước mơ mua nhà. Chị Mai và chồng đã lập kế hoạch tiết kiệm lâu dài.
Theo chị, hiện tại giá bất động sản tại Hà Nội quá cao, chung cư nội thành dao động từ 60 triệu đồng đến 90 triệu đồng/m2, trong khi giá chung cư ngoại thành từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/m2.
"Cả tôi và chồng đều không thích ở ngoại thành. Còn nếu mua nhà trong nội thành, tôi phải bỏ ra 4 tỷ đồng cho một căn hộ 50m2 đến 60m2, chỉ to hơn căn phòng trọ ở trung tâm thành phố của chúng tôi một chút, trong khi tiêu tốn hết toàn bộ vốn liếng trong nhà, lại ôm thêm một khoản nợ khổng lồ không biết khi nào trả được", người phụ nữ cho hay.
Chị Mai cho biết sau nhiều năm tích lũy, vợ chồng anh chị có trong tay gần 1 tỷ đồng, hơn 1 cây vàng cưới. Thay vì mạo hiểm đầu tư vào bất động sản tại Hà Nội, mới đây vợ chồng chị chi hơn 200 triệu đồng hùn vốn cùng người thân mua đất ở quê để kiếm lời.
"Miếng đất của tôi bây giờ bán đã có lãi", chị Mai nói. Số tiền còn lại chị gửi vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng để đảm bảo an toàn tài chính.
Người phụ nữ luôn ghi chép chi tiết mọi khoản chi tiêu trong gia đình, từ việc mua sắm hằng ngày đến các khoản chi lớn. Điều này giúp chị có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính và điều chỉnh kịp thời nếu có bất kỳ khoản chi không hợp lý nào.
Ba năm sau khi kết hôn và có con, mặc dù chưa sở hữu nhà, cặp đôi vẫn sống thoải mái và còn dư dả để tiết kiệm. Thi thoảng cặp vợ chồng thưởng cho nhau một chuyến du lịch xa để con cái được trải nghiệm.
Chị Mai chia sẻ, công việc của hai vợ chồng chị làm theo sản phẩm, nên thu nhập không đều, có tháng cao, tháng thấp. Họ phân chia rõ ràng, nguồn thu nhập, lương của vợ chủ yếu được dùng để chi tiêu hàng ngày, trả tiền thuê nhà, còn lương của chồng để tiết kiệm và phòng ngừa các rủi ro không lường trước.
Hiện tại, mỗi tháng cặp vợ chồng chi tiêu khoảng 15-16 triệu đồng cho gia đình nhỏ bao gồm: 4,5 triệu đồng tiền nhà, điện nước, 5 triệu đồng tiền ăn, 5 triệu đồng tiền đồ dùng, vitamin, thuốc thang, bỉm sữa cho con...
Trừ các khoản, cố định mỗi tháng chị Mai gửi 10 triệu đồng tiền lương của chồng vào tài khoản tiết kiệm, số còn lại để phòng những việc bất trắc cần tiền gấp. Những tháng chồng được thưởng, toàn bộ số thưởng sẽ được gửi tiết kiệm.
"Nhiều người bảo tôi nên mua vàng trữ bán lấy lời, nhưng tôi là người sợ rủi ro. Số vàng nhận được khi kết hôn, tôi vẫn giữ lại chưa bán, dù giá vàng tăng cao", chị Mai chia sẻ.
Người phụ nữ cho biết, chị giữ lại để phòng khi có những tình huống đột xuất như cưới hỏi mà không cần phải xoay xở quá nhiều. Chính nhờ cách tích lũy này mà có tháng hai đám cưới mừng vàng, chị Mai không cần lo lắng về tài chính hay giá vàng biến động, vì đã có sẵn số vàng dự phòng.
Dù chưa mua được nhà tại Hà Nội, cặp vợ chồng vẫn cảm thấy cuộc sống thoải mái và hạnh phúc vì không phải chịu áp lực nợ nần. Vợ chồng chị luôn kiên định với kế hoạch tài chính của mình, không chạy theo xu hướng sở hữu nhà ngay lập tức mà chấp nhận tích lũy dần dần cho tương lai.
"Chúng tôi vẫn mơ ước có ngôi nhà riêng nhưng không muốn vì điều đó mà đánh đổi sức khỏe tinh thần và mối quan hệ gia đình. Chúng tôi tin rằng đến một lúc nào đó, khi đủ điều kiện và sẵn sàng, sẽ mua được ngôi nhà mơ ước mà không phải chịu áp lực tài chính quá lớn", chị Mai tâm sự.