Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô, tạp chí Kinh tế Môi trường cùng một số đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức chương trình hội thảo Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững - Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.

Net-Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất, lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương.

Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, tín dụng xanh. Các đại biểu, chuyên gia đều đồng tình cho rằng, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam và trên thế giới. 

Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam - 1

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: T.L)

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho hay, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới mục tiêu không có rác thải.

Chuyển đổi xanh và lối sống xanh sẽ là những quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới.

Các quốc gia phát triển đưa chuyển đổi xanh và lối sống xanh vào luật với những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường.

Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế "nâu" sang nền kinh tế "xanh" với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh...