1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

HSBC:

Chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam

Nhật Quang

(Dân trí) - Con đường chuyển đổi năng lượng của Việt Nam gặp không ít thách thức khi phải đối mặt với 2 rào cản chính là cơ sở hạ tầng và kinh phí. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn.

Theo báo cáo Chuyển dịch năng lượng mới công bố, ngân hàng HSBC (Việt Nam) cho biết những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng tăng mạnh.

Cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây nhất liên quan đến El Nino là một lời nhắc nhở Việt Nam về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Gần 10 năm trở lại đây, Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Tỷ lệ phụ thuộc vào than đá giảm từ 30% xuống còn 20%, đồng thời tăng tỷ trọng điện gió và điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong tổng sản lượng điện vào năm 2030.

Chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam  - 1

(Nguồn: HSBC Việt Nam)

LNG với vai trò năng lượng tái tạo chuyển đổi

Điện khí LNG đang trong quá trình chuyển đổi để thay thế than đá. Nguồn năng lượng này có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và thay thế khoảng trống do giảm năng lượng từ than.

Tuy vậy, HSBC cho biết các mỏ khí đốt hiện cạn kiệt và sản xuất trong nước hàng năm đang giảm. Ngoài ra, chi phí khai thác và tạo nguồn cung mới trong nước khiến việc thu hút đầu tư trở nên khó khăn hơn. Do đó, với LNG dự kiến sẽ tạo ra 22,4 GW điện vào năm 2030, có thể Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu đáng kể.

Trong những năm gần đây, các công ty cung cấp điện lớn như AES Corporation có trụ sở tại Mỹ, Tokyo Gas và Marubeni có trụ sở tại Nhật Bản, cũng như Hanwha Energy, Korea Gas và Korea Southern Power của Hàn Quốc đang hợp tác triển khai nhiều dự án chuyển đổi LNG thành năng lượng với các đơn vị trong nước. Bước tiếp theo sẽ là đạt được các thỏa thuận mua LNG dài hạn để đảm bảo rằng các dự án sắp tới được tận dụng.

Thách thức từ hạ tầng và kinh phí

HSBC Việt Nam cho rằng con đường chuyển đổi năng lượng của Việt Nam không hề dễ dàng khi phải đối mặt với hai rào cản chính là cơ sở hạ tầng và kinh phí.

Về cơ sở hạ tầng, nhu cầu về năng lượng chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam, nơi tập trung hầu hết hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các công trình sản xuất năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo, đang được xây dựng ở khu vực miền Trung và miền Nam. Điều này có nghĩa là khả năng truyền tải sẽ phải được nâng cấp tại miền bắc, nơi dự kiến sẽ có nhu cầu điện ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại của Việt Nam không hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió. Theo Ngân hàng Thế giới, hệ thống truyền tải hiện tại chỉ có thể tích hợp tối đa 3,3 GW năng lượng tái tạo biến đổi ở miền Nam, trong khi tổng công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt hiện tại là khoảng 20 GW.

Việc phát triển các hệ thống truyền tải sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu mới. Trong đó, ít nhất 47% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ mức 36% hiện nay - như được đưa ra trong kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP Việt Nam (JETP-RMP).

HSBC cho biết điều này đặt ra câu hỏi về kinh phí. Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng quá trình đô thị hóa đang gia tăng.

Theo ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới. Trong số các ngành, năng lượng chiếm gần 45%.

Chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam  - 2

(Nguồn: HSBC)

Trong lịch sử, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam chậm hơn nhiều so với các nước ASEAN. Các nhà chức trách đang tìm cách giải quyết các trở ngại trên mọi mặt như luật dầu khí sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2022, nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Những năm gần đây, sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng.

Nỗ lực chung của ASEAN

Theo HSBC, hợp tác khu vực là một yếu tố quan trọng trong sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo, giúp tạo ra một hệ thống cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy hơn. Một số sáng kiến và hợp tác giữa các quốc gia ASEAN đã được tiến hành.

Trong đó, năng lượng mặt trời được tạo ra ở Việt Nam có thể bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng từ thủy điện ở Lào trong mùa khô. Trong khi đó, Singapore đang xem xét nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Hai nước sẽ cùng nhau phát triển một nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2,3 GW, được kết nối thông qua một đường cáp điện cao thế dưới biển.

Tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN để cải thiện kết nối, thực hiện các mục tiêu về hỗn hợp năng lượng của từng nước và đảm bảo sự ổn định của nguồn cung điện là rất lớn.

Nhìn chung, nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam đã và đang mở đường để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0. Kế hoạch quy hoạch điện 8 được mong đợi từ lâu phản ánh tham vọng này, giúp vạch ra lộ trình tăng trưởng năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021-2030.

Trên hành trình đó, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp không ít những thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang giải quyết một số rào cản này thông qua hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác G7. Tóm lại, quá trình chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, HSBC nhận định.