Chủ nhà hàng Việt tại Pháp: Bạo loạn qua như cuộc chiến
(Dân trí) - Gần 20 năm sống và làm việc tại Pháp, anh Phong nói đây là cuộc bạo loạn quy mô lớn chưa từng thấy, bùng nổ suốt một tuần trên khắp đất nước.
Bạo loạn nổ ra như một "cuộc chiến"
20h ngày 30/6, đang ăn tối tại nhà, anh Phan Viết Phong, chủ một chuỗi nhà hàng tại thành phố Grenoble (Pháp), nhận được điện thoại của nhân viên.
"Rất đông cảnh sát xuất hiện trong thành phố. Nhiều kẻ bịt mặt chạy khắp nơi và đập phá", đầu dây bên kia lo lắng. Bỏ dở bát cơm, không suy nghĩ, anh Phong tức tốc đến nhà hàng.
Dọc đường đi, anh trông thấy những người bạo loạn đốt thùng rác; dùng thùng rác, xe đạp chắn đường; nhiều đám lửa khắp các tuyến đường, khói bốc lên mù mịt từ những đám cháy. Đánh giá tình hình bất ổn, anh quyết định đóng cửa nhà hàng để đảm bảo an toàn cho nhân viên.
Khi mọi người dần ra về, cô May Leng, nhân viên của quán sống cách nơi làm việc 15km chưa biết xoay xở thế nào do các phương tiện công cộng đã dừng hoạt động. Anh Phong nói sẽ quay ngược về nhà, lấy ô tô đón nhân viên và chở cô về nhà.
Trên đường từ nhà hàng về nhà, anh nhận thấy mọi thứ dần mất kiểm soát. Các nhóm thanh niên bạo loạn đốt lửa, phá hủy ô tô để chống đối. Cảnh sát tổ chức xịt hơi cay để dẹp loạn.
"Lúc đi qua đám đông, tôi vô tình trúng hơi cay, nước mắt chảy đầm đìa. Đây là lần đầu tiên tôi biết cảm giác khi bị xịt hơi cay là như thế nào. Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên trong đời", anh Phong cười, nói.
Quay lại nhà hàng đón nhân viên, anh cảm nhận như "vừa đi qua một cuộc chiến". Anh liên tục gọi điện nhân viên, hỏi họ đang đứng ở đâu, khu phố nào.
Việc đi ô tô vào trung tâm thành phố rất khó khăn, mọi con đường đều đã bị cảnh sát và người biểu tình chặn lại. Anh phải đi đường vòng, tránh nơi bạo loạn và những đám lửa.
"Sau khi đưa nhân viên về nhà an toàn, tôi quay lại thành phố, xem tình hình thế nào", anh Phong nói.
Người đàn ông Việt miêu tả khung cảnh người dân đứng đông hai bên đường xem bạo loạn "trong hòa bình". Có người vừa uống bia, vừa chứng kiến một thực tế đáng buồn.
Dù là bạo loạn nhưng không có sự xung đột, hành hung giữa nhóm đập phá và người dân. Những kẻ bạo loạn chỉ đang cố chống đối cảnh sát và tìm cách thể hiện sự phẫn nộ của mình với cảnh sát.
Trong khung cảnh hỗn loạn đó, những thanh niên bịt mặt tấn công các cửa hàng, ném bom xăng khắp đường phố tạo nên những đám cháy. Các cửa hàng có thương hiệu bán quần áo, giày dép, nước hoa, điện thoại… bị các đối tượng nhắm tới để "hôi của".
Cuộc bạo loạn kéo dài từ 20h đến 6h hôm sau.
Các cửa hàng trong thành phố bị các đối tượng nhắm tới để đập phá, "hôi của" (Ảnh: NVCC).
"Gần 20 năm tôi sống và làm việc tại Pháp, đây là cuộc bạo loạn quy mô lớn chưa từng thấy. Đêm đó, tôi thường xuyên theo dõi tin tức, ý thức mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng xấu đi", anh nói.
Thống kê mỗi năm tại Pháp có khoảng 100 cuộc biểu tình lớn, nhỏ của các giai cấp, từ sinh viên, người lao động, người khuyết tật, bác sĩ, y tá... Đó đều là những cuộc biểu tình ôn hòa, được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Nhưng lần này, tính chất phá hoại và bạo loạn đã thách thức 45.000 cảnh sát khắp nước Pháp.
Theo Reuters, 4.000 người đã bị bắt giữ, trong độ tuổi trung bình là 17. Khoảng 10% trong số đó không có quốc tịch Pháp, 60% trước đây không được cảnh sát biết đến.
Anh Phong từng nghĩ một thành phố nhỏ và yên bình như Grenoble, nằm cách Lyon 100km, sẽ nằm ngoài cuộc bạo loạn bắt nguồn từ Nanterre - nơi thiếu niên 17 tuổi vi phạm giao thông bị cảnh sát bắn chết hôm 27/6.
Tuy nhiên, 3 ngày sau, bạo loạn đã lan đến Grenoble trong xu hướng bao trùm toàn nước Pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 4/7 cho rằng Pháp đã qua đỉnh bạo loạn, song vẫn kêu gọi giới chức nước này cần thận trọng.
Cùng ngày, Medef, Liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp, cho hay 200 cơ sở kinh doanh bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá bị phá hoại, gây thiệt hại 1,1 tỷ USD, từ khi các cuộc bạo loạn bùng phát vào tuần trước.
"Không biết đêm nay sẽ như thế nào?"
Sáng 1/7, trở lại nhà hàng, anh Phong chứng kiến một cảnh tượng khó diễn tả khắp thành phố. "Cũng như tôi, thành phố vừa trải qua một cuộc chiến. Đêm kinh hoàng với nhiều người, nhất là những tiểu thương", anh nói.
Gần 100 cửa hàng bị đập phá. Các đối tượng đã vét sạch toàn bộ hàng hóa và tài sản. Nhiều cơ sở kinh doanh trống trơn, cảm tưởng như "bị bỏ hoang từ rất lâu".
Trông thấy "đứa con tinh thần" tan hoang sau một đêm, nhiều tiểu thương thẫn thờ, ngồi bệt xuống đất và bật khóc. Họ bất lực, không nghĩ rằng phải đối mặt với tình cảnh thế này.
"Các tiểu thương đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày 1/7 - tuần đầu tiên của mùa mua sắm giảm giá tại Pháp. Tuy nhiên, thay vì đón nhiều khách hàng vào trung tâm thành phố, họ phải cấp tốc gọi thợ sửa chữa, dọn kính rơi vãi, bọc nhà hàng bằng những tấm gỗ", anh Phong cho hay.
Anh Phong thuê thợ bọc gỗ dự phòng toàn bộ cửa kính của nhà hàng để tránh bạo loạn.
Khắp các con đường là những ánh mắt thất thần của chủ quán, sự hối hả của những tốp thợ. Không khí vừa buồn vừa nhộn nhịp.
Anh Phong cũng thuê thợ bọc gỗ toàn bộ cửa kính của nhà hàng, tránh trường hợp bị đập phá, giảm thiểu rủi ro nhất có thể.
14h cùng ngày, các cửa hàng đồng loạt đóng cửa. Chủ nhà hàng Việt mang thức ăn tặng người dân toàn bộ khu phố. Những cái ôm, những lời động viên, những ánh mắt hoang mang, gợi lại không khí trước cách ly vì Covid-19 ba năm trước.
"Không biết đêm nay sẽ như thế nào?", các tiểu thương nơm nớp.
Tình người trong cơn bạo loạn
Một đêm bình yên trôi qua.
Sáng 2/7, người dân quay lại nhịp sống, sinh hoạt bình thường. Bạo loạn tạm lắng xuống tại Grenoble. Họ không còn lo lắng, mà đọng lại nỗi buồn, sự cám cảnh với thực trạng xã hội.
Anh Phong cũng mở lại nhà hàng, trong tinh thần sẵn sàng ứng phó với bạo loạn bất cứ lúc nào. Đón khách trở lại trong nhà hàng bọc gỗ kín mít, là một trải nghiệm bất định, nhưng cũng rất thú vị với anh.
Để chia sẻ với khó khăn của đồng nghiệp, anh quyết định giảm giá 50% cho tất cả tiểu thương tại Grenoble trong suốt tháng 7, cho phép thanh toán chậm trong 2 tháng. Anh nói đây là cách hỗ trợ tiểu thương có vốn để khởi động lại hoạt động kinh doanh.
Bản thân người đàn ông Việt cũng nhận được tình cảm, sự quan tâm, khi một thực khách đến nhà hàng đã ngỏ ý: "Hãy tính thêm 10 euro nữa, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ để các bạn sửa chữa quán".
Anh vội từ chối, nói lời cảm ơn vị khách, giải thích nhà hàng không bị ảnh hưởng, chỉ bọc gỗ để gia cố. Anh gợi ý bà hãy ủng hộ những cửa hàng khác trong thành phố - nơi bị các nhóm bạo loạn đập phá nặng nề và các tiểu thương không còn gì để bán.
"Được khách hàng yêu mến và sẻ chia, chính là thành công rất lớn trong cuộc đời kinh doanh của tôi", anh nói.
Bức thư của nữ y tá tên Céline - người trước đây được anh Phong và nhà hàng hỗ trợ những bữa ăn Covid-19, đã khiến người đàn ông Việt xúc động.
Trong thư, Céline hỏi anh liệu có cần giúp đỡ không, cô có thể kêu gọi quyên góp trong bệnh viện, bởi đây là lúc cô muốn trả ơn.
"Là một y tá đã từng được bạn giúp đỡ trong thời gian Covid-19, tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ bạn. Tôi muốn lập một quỹ cộng đồng để hỗ trợ bạn và trả lại một phần nhỏ những gì mà bạn đã lan tỏa xung quanh mình", trích thư của Céline.
Một lần nữa, anh Phong từ chối, nói rằng sự hảo tâm đó nên dành cho những tiểu thương khác trong trung tâm thành phố.
Tính đến ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt trên toàn quốc.
Phát biểu trước Thượng viện Pháp, ông Darmanin nhấn mạnh nước Pháp "đang chứng kiến sự yên tĩnh trở lại", song vẫn duy trì mức độ cảnh giác cao.
Cuộc sống tại thành phố Grenoble (Pháp) dần ổn định sau những ngày bạo loạn.
Tại cuộc họp báo chiều 6/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thường xuyên theo dõi diễn biến, cử người túc trực đường dây nóng và sẵn sàng hỗ trợ kịp thời công dân Việt Nam trong trường hợp có người Việt bị ảnh hưởng vì bạo loạn tại Pháp.
Đến nay, Đại sứ quán chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam bị ảnh hưởng vì cuộc bạo loạn.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Pháp trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ tới đường dây nóng hoặc tổng đài bảo hộ công dân để được hỗ trợ.
Sau những ngày bạo loạn "quét" qua Grenoble, anh Viết Phong nói chính trong những khó khăn, bất định hay thời điểm Covid-19, anh mới thấy bình an, cảm nhận rõ ràng mọi người như siết chặt tay nhau, đứng sát vào nhau.
"Chúng tôi đứng gần nhau để san sẻ hơi ấm, để chọn hòa bình, tha thứ và sống tốt với thực tại ngổn ngang. Trong những hoàn cảnh này, tôi mới biết mình được thương, được yêu như thế nào", anh nói.
Ảnh, video: Phan Viết Phong
Biên dựng video: Minh Nhân