"Công khai chỉ tiêu tuyển sinh cần thiết cho việc giám sát xã hội"
(Dân trí) - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảnh báo tiêu cực có thể xảy ra khi tuyển sinh không công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ.
Những "biến thể" của không minh bạch
- Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, đến thời điểm này, các trường đã cơ bản hoàn thành công bố tuyển sinh đợt 1 năm học 2023-2024. Năm nay, không còn tình trạng điểm chuẩn trên 30 nhưng lại phát sinh hiện tượng thủ khoa toàn quốc vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
- Qua các năm, chúng ta đã rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh rất phù hợp trong quy chế. Điểm sáng của mùa tuyển sinh năm nay là Bộ GD&ĐT đã áp dụng được quy chế mới về cách tính điểm ưu tiên, cho nên, không còn hiện tượng điểm tuyệt đối mà vẫn trượt nguyện vọng 1.
Thứ hai, đề thi tốt nghiệp THPT đã có sự phân hóa tốt hơn một vài năm trước, không có hiện tượng "mưa điểm 10".
Thứ ba, nhà trường, phụ huynh, học sinh, xã hội rất coi trọng công tác tuyển sinh, không chỉ là số lượng mà còn về chất lượng. Cho nên, bên cạnh phương thức điểm thi THPT, nhiều trường đã tổ chức đánh giá theo phương thức riêng. Đấy là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy các trường rất quan tâm đến chất lượng đầu vào của sinh viên.
Tuy nhiên, cũng từ việc đa dạng phương thức tuyển sinh lại xuất hiện bất cập khi điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở một số ngành, một số trường "cao vống" lên do các cơ sở giáo dục dành chỉ tiêu cho xét điểm thi THPT rất thấp.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt đại học như vừa qua.
Tôi cho rằng, thí sinh đã là thủ khoa của toàn quốc hoàn toàn xứng đáng trúng tuyển ở ngành học ở nguyện vọng 1 mà mình đã lựa chọn.
Với việc tự chủ, Đại học Bách khoa Hà Nội có phương án tuyển sinh riêng phù hợp với mục tiêu của nhà trường. Tuy nhiên, nếu như tôi đặt địa vị vào hoàn cảnh này, hội đồng tuyển sinh của trường hoàn toàn có thẩm quyền xét đặc cách cho 2 thí này trúng tuyển nguyện vọng 1 vì các em là thủ khoa. Điều này có ý nghĩa rất lớn, là nguồn động viên, khích lệ để các em tham gia học tập.
- Trong loạt bài "Minh bạch trong tuyển sinh đại học: Chặn kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm", phóng viên Dân trí đề cập về những bất cập trong công tác tuyển sinh một phần do các trường không công bố rõ ràng quy tắc xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức ngay từ đầu. Điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả trúng tuyển của các thí sinh. Theo ông, công khai quy tắc xét tuyển, chỉ tiêu cho từng phương thức có quan trọng hay không?
- Trong đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và một số trường đại học khác nói chung, chỉ công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh thôi, còn theo phương thức nào, chỉ tiêu bao nhiêu lại không rõ ràng.
Việc không công bố chỉ tiêu chi tiết từng ngành, từng phương thức, tổ hợp gây ra sự không minh bạch; có thể dẫn đến những tiêu cực trong tuyển sinh với những ngành "hot".
Đồng thời, khi một số trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho một hoặc một số phương thức nào khác sẽ dẫn đến sự không công bằng trong xét tuyển giữa các nhóm thí sinh.
Chỉ tiêu rất ít, điểm chuẩn cao bất thường đã gây thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo, nơi điều kiện còn có khó khăn chỉ có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả THPT.
Do đó, sự công khai, minh bạch chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển là cần thiết để xã hội giám sát. Nếu không tuyển đủ, trường có thể công bố xét tuyển ở các đợt bổ sung.
Mặt khác, việc tuyển sinh là tự chủ của các trường, song rất cần vai trò thẩm định, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT với đề án tuyển sinh. Việc công khai, minh bạch chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển là cần thiết để giám sát xã hội.
Đa dạng phương thức tuyển sinh - con dao hai lưỡi
- Thưa GS, bên cạnh ý kiến đồng tình rằng các trường không công bố "luật chơi" rõ ràng ngay từ đầu khiến thí sinh thiệt thòi, song nguyên nhân sâu xa do các trường không còn tin tưởng vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển bởi mức độ phân hóa chưa cao. Đã đến lúc kỳ thi tốt nghiệp THPT hoàn thành sứ mệnh, ông nghĩ sao về nhận định này?
- Thời kỳ thi "3 chung", đề thi đại học rất khó, chênh nhau 0,5 điểm đã có khoảng cách "một trời, một vực". Sau đó, chúng ta đổi mới thi cử, tuyển sinh giai đoạn 2015-2017 vẫn còn "2 trong 1", điểm phân loại vẫn rất tốt.
Song, từ khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực (năm 2019), giao việc tuyển sinh cho các trường và kỳ thi tốt nghiệp THPT trọng tâm vào mục đích tốt nghiệp bắt đầu nảy sinh vấn đề mới.
Đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân loại không cao, chưa đáp ứng để tuyển sinh vào đại học.
Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn rất ý nghĩa khi chúng ta đánh giá được chất lượng giáo dục phổ thông. Ví dụ, đề thi ngữ văn quá dễ nên năm 2020 có 41% thí sinh có điểm 7 trở lên, năm 2022 và 2023, con số này tăng lên lần lượt là 42% và 46%.
Như vậy, cả nước cứ gần 2 người lại có 1 người giỏi văn. Cho nên, không khó hiểu khi điểm chuẩn tổ hợp xét tuyển C00 (ngữ văn, địa lý, lịch sử) ở nhiều ngành lại cao ngất ngưởng.
Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, tỷ lệ điểm giỏi chiếm khoảng 20%-25%, tức khoảng tức là 4-5 em mới có một em đạt điểm giỏi.
Mặt khác, dù đề thi dễ nhưng điểm toán, lịch sử vẫn có khoảng 20% dưới trung bình. Đặc biệt, ngoại ngữ có tới 44,8% dưới trung bình. Qua đó cho thấy, những kiến thức về stem như toán, lý, hóa hay về ngoại ngữ, lịch sử còn thấp.
Đây là điểm nghẽn trong giáo dục THPT. Tôi rất lo lắng khi một đất nước điểm giỏi văn rất nhiều nhưng điểm lịch sử hay giáo dục stem, ngoại ngữ hạn chế. Liệu chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu chất lượng cho sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Đương nhiên là không.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể về thực trạng đó. Tuy nhiên, các trường đại học lại gặp khó khăn.
- Quay trở lại vấn đề đã đề cập ở trên, khi đa dạng phương thức tuyển sinh lại làm nảy sinh những bất cập trong đánh giá. Giáo sư có thể phân tích rõ hơn những bất cập từ việc tổ chức nhiều kỳ thi riêng?
- Chúng ta có nhiều kỳ thi và thu hút hàng trăm nghìn thí sinh tham gia nhưng chính các bài thi lại chưa thể quy đổi về một đầu điểm.
Tôi lấy ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm tối đa là 150, chia đều để đánh giá năng lực toán, văn, khoa học. Kỳ thi của Đại học Quốc gia TPHCM với thang 1.200 điểm nhưng toán chỉ có tỉ trọng 300 điểm. Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội lại ưu tiên toán với hệ số gấp đôi.
Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đào tạo. Từ việc không đồng nhất trong cách đánh giá dẫn đến nảy sinh hiện tượng tiêu cực. Năm đầu, các em thi tuyển vào trường đại học có điểm chuẩn thấp nhưng sau khi học hết năm thứ nhất lại xin chuẩn sang trường danh tiếng hơn mà trước đó không thể thi vào.
Một hình thức khác được quan tâm, ưu tiên trong thời gian gần đây là xét chứng chỉ tiếng Anh IELTS kết hợp học bạ. Qua kết quả đối chiếu của cá nhân tôi với tư cách là Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi thấy được rằng, có nhiều thí sinh năng lực tiếng Anh rất xuất sắc nhưng chuyên môn lại chưa tốt, thậm chí có trường hợp phải nói là bết bát. Thực tế này khiến tôi phải choáng váng và thay đổi quan niệm.
Bởi, trước kia tôi nghĩ, các em năng lực tiếng Anh tốt sẽ có năng lực chuyên môn tốt. Đến bây giờ, tôi nhận thấy, một người tiếng Anh tốt không có nghĩa là chuyên môn cũng vậy. Ngược lại, người có tư duy, chuyên môn tốt khi đầu tư thời gian học tiếng Anh sẽ tiếp thu rất nhanh.
Những phân tích trên, theo tôi, đã phản ánh được những hạn chế trong các phương thức đánh giá khác nhau tạo nên sự lỏng lẻo trong công tác xét tuyển, chất lượng tuyển sinh chưa như mong muốn.
Hệ lụy thấy rõ, nếu như tổ chức thi "ba chung" như trước kia thì cổng trường đại học cao vời vợi còn bây giờ trượt đại học mới... khó. Thậm chí, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm ngoái các trường chỉ tuyển được khoảng 85% chỉ tiêu, nghĩa là gom không đủ người học.
Ngoài ra, tự chủ đại học kéo theo việc các trường phải tuyển sinh bằng được để có nguồn kinh phí, cho nên dẫn đến các em học hết năm thứ nhất đã bỏ học rất nhiều hoặc tỷ lệ cử nhân đi làm công nhân cũng không nhỏ.
Thay đổi căn cốt hoạt động tuyển sinh
- Những phân tích của Giáo sư cho thấy đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc đặt ra vấn đề về đổi mới tuyển sinh đại học?
- Tôi cho rằng việc này cực kỳ quan trọng. Tôi đề xuất hai phương án.
Phương án thứ nhất, đơn giản nhất, đỡ tốn kém nhất, dễ dàng nhất là tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay nhưng tích hợp "2 trong 1". Đề thi hãy phân hóa tốt hơn, đảm bảo hai mục tiêu vẫn đạt được tỷ lệ tốt nghiệp THPT nhưng phân hóa cao để tuyển sinh đại học.
Để làm được việc này phải làm tốt được 4 khâu: đề thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển. Nếu không làm tốt sẽ lại có tiêu cực giống như năm 2018.
Tôi cho rằng việc này làm được nhưng Bộ GD&ĐT phải có can đảm gánh vác nhiệm vụ.
Phương án thứ hai là phương án hiện nay các trường đang "nở rộ" kỳ thi đánh giá năng lực. Đây là một phương hướng rất tốt nhưng cần được hội tụ như các bài học đánh giá năng lực SAT hay ACT ở Mỹ và các nước tiên tiến.
Tôi hy vọng, với sự điều hành của Bộ GD&ĐT, các trung tâm khảo thí, các trường sẽ thống nhất để xây dựng được những trung tâm khảo thí độc lập, có ma trận đề thi tương đối nhất quán và tương quan với nhau.
Khi đó, học sinh có thể thi các kỳ thi đánh giá ở bất cứ thời điểm nào, giảm áp lực cho các em. Song, để làm được điều đó phải xây dựng đội ngũ khảo thí rất tốt, phải có những trung tâm uy tín, đặc biệt phải thống nhất được các cơ sở giáo dục đại học.
Muốn vậy, điều quan trọng là phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học bởi các trường giờ được giao quyền tự chủ rồi. Như vậy, các trường sử dụng luật để "đối phó", sử dụng quyền tự chủ của mình để dùng các phương thức khác nhằm hạ thấp chất lượng, vì mục tiêu tuyển sinh được nhiều.
Vì thế, tôi cho rằng công tác tuyển sinh đại học hiện nay phải được giải quyết một cách rất căn cốt.
Nhìn trên phương diện tình hình đất nước hiện nay, không phải học sinh nào cũng có thể dự thi đánh giá năng lực hay để học, luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ được. Với điều kiện kinh tế xã hội, thực tế còn những vùng sâu, vùng xa như vậy, tôi cho rằng việc sử dụng kết quả THPT chắc chắn sẽ sử dụng đến 2025.
Nhưng để làm được điều đó, qua kinh nghiệm năm nay, rõ ràng Bộ GD&ĐT phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Các cơ sở giáo dục phân bổ chỉ tiêu bao nhiêu, lĩnh vực nào cần công bố công khai, minh bạch. Đến thủ khoa còn trượt thì rõ ràng đấy là bất cập.
- Trân trọng cảm ơn GS về những trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm!
Công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội là ba nguyên tắc cơ bản của tuyển sinh đại học đã được quy định rõ trong Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, công bằng với thí sinh bao gồm 5 nội dung mà đứng đầu là công bằng về cung cấp thông tin. Tiếp đó là công bằng về cơ hội dự tuyển, công bằng về đánh giá năng lực, công bằng về cơ hội trúng tuyển và công bằng về thực hiện cam kết.
5 quy định về công bằng này là hoàn toàn chính đáng và thiết nghĩ không xâm phạm hay mâu thuẫn với quyền tự chủ của các trường đại học.
Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho thí sinh, trong đó có cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh cho từng phương thức xét tuyển không chỉ là yếu tố để đảm bảo cho công bằng về cơ hội dự tuyển và công bằng về cơ hội trúng tuyển mà còn là căn cứ để xã hội cùng giám sát. Đồng thời, đây cũng là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo.
Những nội dung này đã được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và các chuyên gia đã phân tích trong tuyến bài.
Bên cạnh đó, sự minh bạch, công bằng cũng là nền tảng của tiến bộ và nhân văn. Khi các trường chỉ dành số chỉ tiêu ít ỏi cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và ưu tiên phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển bằng các phương thức khác là đang bỏ rơi nhóm thí sinh yếu thế, thí sinh đến từ các vùng ngoại thành, nông thôn, miền núi, hải đảo và thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đảm bảo sự bình đẳng của người học về cơ hội tiếp cận giáo dục - đào tạo không chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ GD&ĐT mà còn là trách nhiệm xã hội của tất cả các trường đại học, dù công hay tư.
Đó cũng là mục tiêu cuối cùng mà loạt bài "Minh bạch trong tuyển sinh: Chặn kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm" báo Dân trí muốn hướng đến.