Bạn đọc viết:

Về biệt thự của ông Trần văn Truyền: Dư luận và luật pháp

(Dân trí) - Điều cần xem xét là về mức độ tiếp nhận và phản ứng lại thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Theo tôi, sự việc này cho thấy một vấn đề quan trọng: cả người dân và chính quyền đều chưa có được tinh thần pháp luật đúng nghĩa.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Báo chí trong những ngày qua nói nhiều về ngôi nhà đồ sộ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Nhưng những gì mà các báo nhắc tới chỉ đơn thuần là mô tả ngôi biệt thự của ông “hoành tráng” như thế nào, “nguy nga” ra làm sao. Báo chí cũng không có bất cứ một thông tin gì thể hiện rằng trong thời gian đương nhiệm ông đã sai phạm, khuất tất, hay tham ô để dẫn tới một căn nhà “to đùng” như vậy cả.
 
Thế nhưng đa phần những phản ứng của dư luận sau đó hình như lại được "lái" theo một chiều hướng. Nhiều người đả kích hay thậm chí buộc tội ông là tham ô tham nhũng, với lý do quan chức tại một nước nghèo thì không thể có tòa nhà “nguy nga đồ sộ” như vậy được (???!!!) Ngay sau đó ông Truyền cũng đã lên tiếng, rằng sẽ công khai thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương.
 
Vấn đề cần xem xét ở đây là về mức độ tiếp nhận và phản ứng lại thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Theo tôi, sự việc này cho chúng ta thấy được một vấn đề quan trọng: cả người dân và chính quyền đều chưa có được tinh thần pháp luật đúng nghĩa.

 

Internet và đặc biệt là các trang báo mạng là những nơi người dân có thể tự do bình luận bất cứ ý kiến nào mà họ muốn, miễn là không vi phạm nội quy trang báo. Báo chí hiện nay cũng đang có nhiều dư địa để “chống tham nhũng”. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những loạt bài mang tính điều tra tỉ mỉ và cẩn thận, cũng như việc đưa tin nhiều khi có phần thiếu định hướng, khiến cho độc giả mỗi khi tiếp cận vấn đề thường đi theo chiều hướng tiêu cực khi đánh giá về một quan chức nào đó có tài sản “bự quá mức quy định”.

 

Theo dõi các bình luận dưới các bài báo về ông Truyền, có thể thấy phần lớn là những nhận xét tiêu cực, nghi ngờ, thậm chí khẳng định ngay là ông đã tham ô, tham nhũng. Khoan hãy nói đến việc ông Truyền có thật sự tham nhũng hay không, mà việc thi nhau “ném đá” của cư dân mạng đã cho thấy một thực tế rằng: người dân có xu hướng đánh giá mọi việc theo cảm tính và bỏ qua các quy tắc tố tụng của luật pháp. Trong khi ngay cả nếu ông Truyền bị tòa án tuyên bố điều tra, thì tại thời điểm đó cũng không thể nói là ông đã có tội. Việc cứ một mực nhận định rằng ông tham ô, tham nhũng có thể được coi là một hình thức “vu khống tập thể” của cư dân mạng.

 

Tuy nhiên, tại sao lại có xu hướng đánh giá một chiều đó của người dân về một quan chức khi họ “lỡ” bị để ý, không nhất thiết phải là về chuyện nhà cửa đất đai? Không gì khác hơn là câu chuyện của Lòng Tin. Lòng tin vào hệ thống pháp luật và vào hệ thống quan chức của người dân đang bị thử thách nghiêm trọng.

 

Nhà nước thiếu những quy định về việc kiểm soát hoạt động của các quan chức và chống tham nhũng, hoặc có nhưng chưa kịp áp dụng hay áp dụng chưa tới. Tham nhũng tràn lan, đi đâu cũng gặp khiến cho lòng tin của người dân đối với giới công quyền bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ quả là cứ hễ gặp một thông tin nào không tốt hoặc khác thường về giới quan chức, là người ta nghĩ ngay tới tham ô, tham nhũng (ngay cả khi trên thực chất, vị quan chức đó trong sạch).

 

Để Việt Nam thực sự trở thành một nước pháp quyền trong sạch không phải là chuyện dễ dàng. Trước hết, bản thân giới quan chức phải trong sạch và tạo được sự tin tưởng với người dân. Nói cách khác là giới quan chức phải được đặt trong một bộ khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và người dân có thể giám sát về mặt thực chất. Nói trong sạch không là chưa đủ, trong sạch đó cần được chứng minh và kiểm chứng trên thực tế. Một hệ thống công quyền mạnh rõ ràng sẽ tạo ra được môi trường, mà ở đó nhân dân có thể lấy lại được sự tin tưởng vốn đang bị xói mòn bấy lâu nay.

 

Tuy nhiên, một nhà nước pháp quyền cần phải được thể hiện thông qua việc mỗi công dân của bản thân nhà nước đó cũng phải tôn trọng các quy tắc của pháp luật. Việc “ném đá” các quan chức khi họ chưa chính thức bị kết tội,  không phải là một hành động có trật tự và nguyên tắc của một cộng đồng có ý thức luật pháp.

 

Nói về ý thức luật pháp tại nơi mà luật pháp vốn chưa thật nghiêm có thể là một điều xa xỉ, nhưng để có thể đạt được mục tiêu nhà nước pháp quyền thì cố gắng từ cả hệ thống thượng tầng và từ người dân cải thiện cùng một lúc là thực sự cần thiết.

 

Môi trường mạng là một môi trường tự do, nhưng là tự do nếu ý kiến một cách khách quan nhất và tránh bị chi phối bởi cảm tính.

 

Một xã hội pháp quyền – hay một xã hội dựa trên pháp luật – là ở đó cả nhà nước và người dân đều tuân thủ pháp luật, đều mang trong mình tinh thần của pháp luật. Người dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm, và quan chức hay người được nhân dân ủy nhiệm chỉ được làm những việc mà luật pháp cho phép. 

 

Ở đây, pháp quyền tạo ra tâm lý mà ở đó người dân hoàn toàn có thể dựa vào các quy trình pháp lý để bảo vệ cho lợi ích của bản thân, ngay cả nhà nước cũng chỉ có thể hoạt động và được bảo vệ trong một khuôn mẫu chặt chẽ của pháp luật. Những mối quan hệ trong xã hội này, trên hết thúc đẩy sự tự do của mỗi người và dựa trên nguyên tắc lý trí, với thông tin và kiến thức đúng đắn làm kim chỉ nam dẫn đường. 

 

Hành động theo cảm tính thì dễ bị phụ thuộc bởi những yếu tố bên ngoài, hành động theo lý trí thì tự do. Đó là nguyên tắc mà bất cứ ai muốn xây dựng một xã hội pháp quyền cần phải đấu tranh kiên quyết.

 

Phúc Long (từ TPHCM)